Quân sự thế giới hôm nay (30-6): Philippines cân nhắc mua tàu ngầm lớp Scorpène

Quân sự thế giới hôm nay (30-6) có những thông tin đáng chú ý sau: Philippines cân nhắc mua tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp; Đức tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine; ông Jens Stoltenberg sẽ kéo dài nhiệm kỳ Tổng thư ký NATO thêm một năm.

* Đức tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine

Ngày 29-6, Đức ra thông báo về gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine, trong đó có một radar giám sát trên không TRML-4D, 3 xe lắp cầu dã chiến, một hệ thống rà phá bom mìn di động, 2 xe chuyên dụng biên phòng và 16 xe tải địa hình Zetros.

Radar TRML-4D. Ảnh: Getty Images

TRML-4D sử dụng công nghệ radar tiên tiến AESA, có thể phát hiện, theo dõi và phân loại nhiều mục tiêu trên không khác nhau, tập trung vào các loại tên lửa hành trình và máy bay hạng nhẹ, tốc độ cao, bay thấp, các loại máy bay trực thăng bay. Cùng lúc TRML-4D có thể phát hiện và theo dõi gần 1.500 mục tiêu trong bán kính lên tới 250km.

Trước đó, Đức đã bàn giao một số radar TRML-4D cho Ukraine vào tháng 5 vừa qua. Tuần trước, Đức cũng chuyển tới Ukraine một gói viện trợ quân sự gồm các loại đạn dẫn đường có độ chính xác cao.

* NATO sẽ kéo dài nhiệm kỳ Tổng thư ký thêm một năm

Theo Politico, một nguồn tin giấu tên cho biết Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới sẽ quyết định việc kéo dài nhiệm kỳ Tổng thư ký NATO của ông Jens Stoltenberg thêm một năm. Động thái kéo dài thời gian phục vụ NATO của ông Jens Stoltenberg đã được đồn đoán rộng rãi và Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva vào tháng tới được coi là sẽ quyết định có thực hiện điều này hay không, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về nhân sự đề xuất thay thế cho ông Stoltenberg.

Người phát ngôn NATO đã từ chối bình luận về thông tin này.

Ông Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, đã giữ chức vụ Tổng thư ký NATO từ năm 2014 và đã nhiều lần được kéo dài. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các quốc gia thành viên NATO đã nhiều lần thảo luận về việc xác định người kế nhiệm vị trí Tổng thư ký NATO nhưng chưa đạt được sự thống nhất. Nhân sự được cân nhắc thay thế ông Stoltenberg gồm Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace trước khi lựa chọn kéo dài được đưa ra.

Ông Jens Stoltenberg có thể sẽ tiếp tục làm Tổng thư ký NATO thêm một năm nữa. Ảnh: Getty Images

* Philippines cân nhắc mua tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp

Theo Bulgarian Military, Philippines đang thực hiện kế hoạch mua tàu ngầm nhằm đối phó với những căng thẳng có xu hướng gia tăng trong khu vực. Trong số những ứng cử viên hàng đầu Philippines hướng tới là tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp. Ngoài ra, cũng có một số đề nghị chào hàng từ phía Hàn Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tham vọng của Philippines cũng không chỉ dừng lại ở việc mua tàu ngầm mà còn mong muốn tăng cường khả năng đào tạo, vận hành, đảm bảo một lực lượng vũ trang đủ mạnh và tự chủ. Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. thừa nhận tầm quan trọng của nỗ lực này trong một cuộc phỏng vấn với báo giới tại lễ kỷ niệm 125 năm thành lập Hải quân Philippines: “Chúng ta đã có kế hoạch, nhưng hiện tại kế hoạch này vẫn đang trong quá trình phát triển. Vận hành tàu ngầm là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải đào tạo chuyên sâu, trang bị chuyên dụng và đảm bảo các yêu cầu vận hành quan trọng”.

Thực hiện kế hoạch này, Hải quân Philippines đã cử lực lượng đến Pháp để đào tạo nâng cao trước khi đàm phán mua tàu ngầm. Động thái này cho thấy có khả năng cao Philippines sẽ chọn tàu ngầm lớp Scorpène nổi tiếng do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Pháp Naval Group sản xuất. Tàu ngầm lớp Scorpène cũng được các nước như Brazil, Chile, Ấn Độ và Malaysia đặc biệt quan tâm.

Hải quân Philippines cân nhắc mua tàu ngầm lớp Scorpène. Ảnh: Bulgarian Military

Hải quân Philippines đã bắt đầu xây dựng kế hoạch cho việc thành lập lực lượng tàu ngầm từ năm 2015, bắt đầu với các chương trình huấn luyện tại DCI ở Pháp. Mặc dù đã có ý định rõ ràng, nhưng kế hoạch tàu ngầm đầy tham vọng của Philippines luôn rơi vào tình trạng bấp bênh, chủ yếu là do ngân sách quốc phòng hạn chế. Tuy nhiên, kế hoạch hiện đại hóa hải quân Horizon 3 giai đoạn 2023-2028, dành ra một khoản ngân sách từ 70 đến 100 tỷ Peso (1,25-1,80 tỷ USD) để mua 2 tàu ngầm, cho thấy nỗ lực tăng cường năng lực hải quân của Philippines.

Tương tự những chiếc tàu ngầm lớp Scorpène do Brazil vận hành, biến thể Philiipines nhắm tới sẽ được trang bị 6 ống phóng với 18 quả ngư lôi và có thể triển khai tên lửa chống hạm SM 39 Exocet và ngư lôi hạng nặng F21. Tàu ngầm lớp Scorpène có chiều dài từ 60m đến 82m, gồm nhiều biến thể như tàu ngầm chạy điện-diesel thông thường CM-2000, biến thể sử dụng động cơ đẩy không khí độc lập (không phụ thuộc vào không khí ngoài) AM-2000, biến thể ven biển cỡ nhỏ CA-2000.

Hiện Brazil, Chile, Ấn Độ và Malaysia đều đang rất quan tâm tới tàu ngầm lớp Scorpène.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

QUÝ CHUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-30-6-philippines-can-nhac-mua-tau-ngam-lop-scorpene-732819