Quản lý dịch vụ internet: Thực thi pháp luật nhưng tránh 'bảo hộ ngược'

Việc thực hiện công cụ để tuân thủ nghĩa vụ được đề xuất trong dự thảo về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet có thể tạo ra chi phí hoạt động đáng kể cũng như những thách thức về nguồn lực …

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, dự thảo đề xuất bổ sung một số nội dung như: bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam; quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ TT&TT.

Bổ sung quy định khóa tài khoản trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung. Bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; bổ sung quy định về quản lý livestream; bổ sung quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng mạng xã hội…

Gia tăng chi phí tuân thủ

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có độ phủ internet cao, khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng internet. Các hành vi tiêu cực khi xảy ra trên môi trường internet có sức lan truyền nhanh và gây hậu quả tương ứng mức độ lan truyền, vì thế nên cần có cơ chế kiểm soát. Song, vấn đề quản lý như thế nào? Mức độ quản lý ra sao để vừa tạo ra môi trường mạng văn minh nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế số.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), dự thảo đặt ra các nghĩa vụ mới đối với doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam như giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp; ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ TT&TT; báo cáo ngay cho bộ bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử chậm nhất là 24 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được phản ánh, khiếu nại từ người dùng…

Theo ông Đồng, quy định như vậy tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Làm gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp Việt Nam do phải bố trí nhân sự chịu trách nhiệm giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình; phải thiết kế quy trình nhận phản ánh, khiếu nại của người dùng về nội dung vi phạm pháp luật; phải thực hiện đăng kí lại hợp đồng mẫu cung cấp dịch vụ truy nhập internet…

Mặt khác, việc chủ động phát hiện và xác định nội dung vi phạm pháp luật đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thêm nguồn lực để thực thi nghĩa vụ.

“Doanh nghiệp không có nghiệp vụ của cơ quan tư pháp để xác định thông tin nào là loại thông tin vi phạm pháp luật, cũng chẳng phải cơ quan điều tra để giám sát, thu thập bằng chứng về thông tin vi phạm pháp luật. Vì thế yêu cầu khi tự phát hiện sai phạm hoặc nhận được phản ánh của người dùng mà báo cáo ngay trong 24h cho Bộ là khó khả thi”, ông Đồng nêu ý kiến.

Thêm vào đó, các yêu cầu tạm khóa, khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành.

“Dự thảo quy định cụ thể một số mốc thời gian thực hiện ngắn trong 3 giờ hoặc 24 giờ đối với các yêu cầu gỡ bỏ nội dung của cơ quan quản lý, xóa ứng dụng, hạn chế đối với các dịch vụ tạo doanh thu, yêu cầu đối với các nền tảng xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách xử lý các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam… là không thực tế và thiếu khả thi”, ông Đồng nhận định.

Lo ngại tình trạng “bảo hộ ngược”

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công nghiệp nội dung số thời gian qua phát triển nhanh, cho ra đời nhiều sản phẩm được yêu thích, có khả năng xuất khẩu. Khi phát triển quá nhanh và mới thì cũng cần có quy định pháp luật để đảm bảo các đơn vị, tổ chức làm ăn chân chính càng có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do nền tảng internet có khả năng tác động đến mọi mặt cuộc sống, do đó cần cân nhắc kỹ, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

“Các quy định cần đề ra theo hướng cân bằng, vừa đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, vừa đảm bảo ngành công nghiệp số phát triển. Một số quy định đặt ra có nguy cơ dẫn đến “bảo hộ ngược”, tạo gánh nặng về chí phí tuân thủ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Việt Nam, trong khi chưa thể quản lý được các doanh nghiệp xuyên biên giới”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã phản ánh với Bộ TT&TT về thực trạng lĩnh vực nội dung số đang có tình trạng “bảo hộ ngược” do các doanh nghiệp trong nước chịu nhiều sự quản lý, kiểm duyệt về nội dung, điều kiện kinh doanh và phải trả các loại thuế phí khác nhau… Trong khi các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam thì không bị ảnh hưởng bởi kiểm duyệt nội dung hay trả bất kỳ loại thuế, phí nào.

Nhiều chuyên gia cho rằng đã có kinh nghiệm trong quá khứ khi chưa quản được thì cấm. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn, dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp trong nước phải ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp, gây hiệu ứng không tốt cho kinh tế Việt Nam.

“Cần có những quy định chế tài nghiêm minh, công khai, minh bạch mới giúp cho không gian mạng xã hội, môi trường internet của Việt Nam văn minh và trong sạch hơn là cần thiết. Song, bản chất của internet là không biên giới. Nếu quy định chưa thực tế sẽ tiềm ẩn nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hướng internet mở toàn cầu. Nên chăng, cơ quan nhà nước có thể thử nghiệm một số nội dung để phù hợp với thị trường Việt Nam”, ông Đồng đề xuất.

Theo giới chuyên gia, Việt Nam cần tập trung kiểm soát ở một số ngành kinh doanh công nghệ như: giải trí số (nhạc, phim, video); trò chơi trên mạng (game); dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ thông tin, xuất bản phẩm…; trong đó, cần có công cụ để xử lý tập trung những vấn đề trên mạng xã hội như tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, lệch chuẩn, thông tin tác động xấu đến cá nhân và chống phá Nhà nước.

Ngoài ra, xây dựng kỹ năng số cho người dùng internet và đào tạo kỹ năng số cho học sinh trong các chương trình phổ thông; kết hợp các giải pháp pháp lý và công nghệ để khắc phục những bất cập trong quá trình thực thi như: Phân loại nội dung theo độ tuổi, theo tiêu chuẩn cộng đồng, xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ liên quốc gia bởi mạng internet là không gian không biên giới…

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quan-ly-dich-vu-internet-thuc-thi-phap-luat-nhung-tranh-bao-ho-nguoc-post1047150.vov