Phong lưu tự thân

Con người ta phải biết quan sát để mà sống ổn thỏa trong khó khăn thì mới hun đúc được khi thuận lợi, đi tới. Thời nay không thiếu cách kiếm ra đồng tiền sạch sẽ và ta phải nhìn thấy nhiều cách như thế. Có thể không dùng đến, nhưng vẫn nên biết.

Ảnh minh họa

Tôi có một ông bạn già, giàu có cả về nhà cửa, đất cát lẫn tiền bạc. Trước đây, ông kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, nay thì đã “rửa tay gác kiếm”, thư thái chơi cây chơi hoa, tự tại trà tàu, cà phê, lướt mạng, đọc sách, ngẫm ngợi… Ông thích ngồi tán gẫu rông dài lan man với tôi. Có lần nói chuyện về người giàu, kẻ nghèo, về số hưởng, số khổ, ông bảo, số phận là do người ta tự tạo lập mà nên, đừng trách trời xa đất gần.

Ông cựu doanh nhân này từng đi lên từ tay trắng, là một thợ bậc cao lương ba cọc ba đồng, vùng thoát ra để làm ăn đủ các ngành nghề, sau gặp vận hội, tiền của cứ như thể là tự tìm đến. Ông khẳng định với tôi là ông nhìn đâu cũng ra cách kiếm tiền. Để trở thành giàu có thì phải nghiên cứu kỹ, phải có chiến lược, rồi chờ gặp cơ may mới thành công, nhưng để thoát nghèo, có tiền đủ sống, thì chẳng khó khăn gì.

Một ngày, ông dẫn tôi đi ăn sáng ở quán miến lươn đặc biệt nơi phố cổ. Miến lươn quán này bày trong cái bát nho nhỏ, lươn khô vừa thơm vừa giòn, không xác bổi. Rau thơm rắc vừa đủ, nước dùng trong thơm ngào ngạt, thanh khiết. Lại đúng mùa lươn trứng, ai cũng được một thìa trứng lươn bùi ngậy đặt thêm vào bát. Chủ quán bảo là để chia sẻ, cảm ơn khách đã gắn bó.

Ăn sáng xong, chúng tôi về khu đô thị đông đúc phía Nam thành phố nơi ông ở, nhâm nhi cà phê, nói chuyện đời… Cứ ngồi mãi tới quá trưa, ông bạn già mới gọi xe đưa đến một ngõ nhỏ ở quận Hai Bà Trưng. Có hàng bún chả que tre ngon không bút nào tả xiết. Miếng thịt thái dày vừa, in như nhau, đầy đủ da mỡ nạc được tẩm ướp thể nào đó mà nướng thơm vương vấn, dịu dàng, cứ bốn miếng thành một gắp. Chả băm thì nhuyễn và bùi, cũng kẹp sẵn que tre, đều tăm tắp. Rau sống rau thơm lựa chọn rất kỹ, đủ loại, đẹp mắt, nước chấm thanh thanh thoảng nhẹ, đúng vị Hà Nội xưa.

Ông bảo phải đợi quá trưa mới lên đấy vì quán này kiêu ngầm, mười hai rưỡi mới bày hàng. Chả que tre quạt thơm đến đâu thì người ăn xuýt xoa đón chờ đến đấy, cấm không có khách nào sốt ruột, kêu ca. Bún chả que tre ngon nhất nước Việt, phải là như thế…

Nhân chuyện ông bạn già nói nhìn đâu cũng ra tiền, tôi hỏi, giờ còn thấy thế không, phân tích cho tôi xem. Ông đủng đỉnh, thì đấy, tôi mà cần tiền thì sẽ làm thân rồi học mót lấy cách nấu miến lươn ở quán sáng, cách làm bún chả ở quán trưa, rồi mở quán ở khu tôi ở, chả khối khách đỡ mất tiền xe với thời gian lên phố mà vẫn được ngon như ai. Chỉ một trong hai phương án này thôi, giàu chưa tính, nhưng dứt khoát là đủ tiền tiêu. Nghe thật thuyết phục. Ông bạn già còn nói về chuyện bán nước chè, đánh giày, bán sách báo dạo, cũng đều ra tiền, đều là kiểu kiếm tiền mà không phải học hành, bằng cấp gì nhiều… Còn nếu có học thức, lại thông mình, thì vô thiên lủng cách khác, như nuôi tiền ảo, chơi chứng khoán, đầu tư cổ phiếu, gom tiền hùn vốn mở công ty. Tất nhiên là phải khôn khéo, phải tỉnh táo để không mất đi mà chắc ăn thêm…

Nghe ông cựu doanh nhân nói thế, tôi lại nhớ đến ông bà nội mình. Ông bà tôi đầu tiên sống ở làng, sau một biến cố, phải đi ra vùng mỏ Quảng Ninh, rồi lộn về Hải Phòng, sau lại về làng rồi theo bố mẹ tôi lên vùng núi Tây Bắc sống. Ở đâu hai cụ cũng đều được người ta cho là thuộc hạng phong lưu, bởi lúc nào cũng kiếm ra tiền, lúc nào cũng có tiền để chi tiêu. Ông nội tôi thích nhâm nhi ly rượu, chén trà, bà nội tôi thì ham trầu vỏ cau vôi. Cả hai đều lo lấy cho mình, không ngửa tay xin con. Thời bao cấp, bố mẹ tôi cán bộ, lại một đàn con nheo nhóc, thì cũng chả có mà cho biếu.

Hồi các cụ đi vùng mỏ, làm ăn ở Hải Phòng thì tôi không biết, vì chưa được sinh ra. Tôi chỉ nghe kể lại. Ông nội tôi làm phó lý, dự cuộc đánh bạc ở huyện đường, bị lừa gạt sao đó, phải bán cả cơ nghiệp cho người ta để khỏi bị bắt trói. Hai ông bà trắng tay mang theo các con ra vùng mỏ nhặt than kiếm sống.

Thế rồi tích cóp được, thì kéo cả nhà về Hải Phòng, mở hẳn hiệu làm kem, làm bánh kẹo lớn. Sau tháng 8/1945, rồi kháng chiến, ông bà tôi về lại làng, tậu đất dựng nhà bên chợ làng. Khi tôi mấy tuổi, biết quan sát thì thấy ông nội sáng sáng mổ lợn cho bà nội ngồi chợ bán. Sau này, vì thương cháu, ông bà lại bán hết cơ nghiệp ở làng, đi lên rừng núi trông nom đàn cháu cho các con đi làm nhà nước.

Ngay cả khi phải sơ tán tránh bom Mỹ vào tận chân núi xa, lúc đó tôi đã lớn, thường thấy ông bà không lúc nào ngơi tay. Bà nội đội nắng chang chang lội ruộng nương, đi mót thóc ngô, rồi gom lại bán cho người ta, có tiền thì vào bản mua trứng gà vịt mang ra bên đường lớn bán. Ông nội chẻ tre, vót nan đan rổ rá giần sàng cho bà con, đan cả những cái lờ đặt dưới suối bắt cá. Ông bà còn nuôi đôi lợn, gây một bầy vịt suối nữa…

Tôi chả bao giờ dám xin bố mẹ tôi tiền, nhưng với bà nội, tôi là đích tôn yêu quý, thì cứ nì nèo, vài lời ỉ eo là được bà nội lần lần cái ruột tượng quanh bụng, lấy ra cho vài hào. Những lần đi thi học sinh giỏi thì ông bà đều cho tiền bảo cầm theo mua quà ăn, chứ không phải đợi tôi nì nèo. Giữa cái thời bao cấp, lại khó khăn thiếu thốn đủ bề, mà như vậy, thì ai mà chả thấy ông bà tôi là dạng phong lưu, một dạng phong lưu tự thân.

Sau này tôi ra công tác, rồi theo đòi viết lách, nhiều lúc túng thiếu, nhớ ông bà nội, lại thấy phải nghĩ ra cách kiếm tiền. Tôi làm đủ việc như đa số đám bạn đồng lứa, từ lao động tay chân, xúc cát, kéo xe, dọn than, đến đi xây nhà, buôn hoa quả vặt… Nhưng chính trực nhất, vẫn là viết lách kiếm thêm. Tôi viết đủ loại, văn báo truyện, rồi kịch bản phim, cứ có khả năng được trả nhuận bút kha khá hay có giải thưởng tươm tươm, là lao vào viết. Rồi sau thì có thêm lộc lá (không tiêu cực, biển thủ, tham những) khi có chút thăng tiến chức vụ. Cứ thế tích cóp, lại được nàng vợ đảm, nên dần dần cũng mua được nhà, có xe hơi, nuôi con ăn học tử tế. Giờ ngẫm lại, thấy mình cũng là loại không nề hà, biết nhìn ra cách kiếm tiền, như ông bạn cựu doanh nhân nói vậy.

Cách đây sáu, bảy năm, tôi rơi uỵch một nhát xuống. Ngay lúc ấy đã nghĩ, thôi không oán thán, trách móc gì, cứ coi như mất hết cả đi để nghĩ cách trước mắt, sống cho đàng hoàng. Tôi tự tiết giảm chi tiêu, làm sao vẫn đủ các nhu cầu của mình để lường định số tiền phải kiếm. Lúc đó không nghĩ đến việc viết lách được, thì khảo sát, thấy có bao nhiêu là cách kiếm được ra tiền, thậm chí đã sẵn sàng chạy xe ôm hay nhận việc đưa đón hai đứa trẻ theo giờ tới trường học.

Thấy cũng ổn và chắc là sẽ vui vì thêm cơ hội tiếp cận, thêm vốn sống và càng hiểu đời hơn. Nhưng rồi ơn giời, tình thế cũng không quá bi đát, chả mất hết, lại có bè bạn thương quý, mời gọi, bố trí việc cho mình làm đúng sở trường, không phải dụng sở đoản… Phong lưu do đời do người mang đến, thì cũng giống như là phong lưu tự thân…

Bây giờ ngẫm lại, thấy con người ta phải biết quan sát để mà sống ổn thỏa trong khó khăn thì mới hun đúc được khi thuận lợi, đi tới. Thời nay không thiếu cách kiếm ra đồng tiền sạch sẽ và ta phải nhìn thấy nhiều cách như thế. Có thể không dùng đến, nhưng vẫn nên biết. Cũng như khởi nghiệp kinh doanh vậy, phải nhìn ra cách kiếm tiền từ việc nhỏ rồi mới lần ra việc lớn. Không cần dùng cách này cách kia, nhưng phải biết để vững tin, để không do dự, sẵn sàng bước vào khởi nghiệp mà không ngại ngùng thất bại. Nếu thất bại thì lại sẵn sàng khởi nghiệp mới, mà đi tiếp…

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/phong-luu-tu-than-20180504224294961.htm