Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển hoặc bệnh nguy hiểm như viêm đại tràng.

1. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, cụ thể như sau:

Do hệ miễn dịch yếu

Từ 0 đến 6 tuổi, hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện. Do vậy, trẻ rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, nấm, ký sinh trùng xâm nhập gây nên các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Lúc này, vi khuẩn có lợi ở đường ruột chưa đủ mạnh bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi virus gây bệnh.

Do thực phẩm không đảm bảo

Nội dung

1. Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở trẻ

2. Dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa

3. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có lây không?

4. Cách phòng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

5. Điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Việc cho trẻ ăn những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa nhiều chất bảo quản, dầu mỡ, đường hóa học… sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Ngoài ra, với những bé còn bú mẹ, dinh dưỡng của mẹ cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con. Mẹ ăn đồ sống hoặc ôi thiu, sử dụng nguồn nước không đảm bảo để chế biến sẽ dễ bị đau bụng, nôn trớ, thậm chí là tiêu chảy.

Do kháng sinh

Kháng sinh được cho là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, do khi đi vào đường ruột thì kháng sinh sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh, có khả năng tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và có lợi.

Do các bệnh lý

Trẻ em hay tiết ra đờm chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh khi mắc các bệnh như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… Khi trẻ nuốt đờm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột và rối loạn tiêu hóa là không thể tránh khỏi.

2. Dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa

Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ có thể biểu hiện bằng quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Trẻ lớn có thể than đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón hay tiêu chảy.

Đau bụng: Đau không liên tục, thường liên quan đến bữa ăn, có thể khởi phát với một loại thức ăn nhất định như sữa, thức ăn nhiều chất béo… Vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Trẻ nhỏ chưa biết nói thường biểu hiện bằng quấy khóc, đôi khi bỏ ăn.
Chán ăn: Trẻ ăn ít hoặc không chịu ăn. Mỗi cữ ăn hay cữ bú thường kéo dài hơn so với bình thường.
Chướng bụng: Bụng trẻ căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị. Khi gõ vào thành bụng nghe tiếng vang. Triệu chứng đầy bụng và chướng bụng là do thức ăn chậm di chuyển trong ống tiêu hóa.
Buồn nôn và nôn ói: Trẻ có cảm giác buồn nôn khi đang ăn hoặc sau khi ăn một thời gian ngắn. Chất ói thường là thức ăn còn nguyên hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết.
Tiêu chảy: Tiêu chảy là khi trẻ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Tiêu chảy cấp thường hết sau 5 - 7 ngày. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và tử vong. Các trường hợp này cần đến khám tại các cơ sở y tế.

Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ.

Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ.

3. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có lây không?

Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường, gây nên tình trạng đau bụng và những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn, không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Cách phòng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Để hạn chế và phòng bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ hiệu quả, cha mẹ cần lưu ý:

Nên cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ ít nhất từ 4 - 6 tháng đầu để giúp hệ miễn dịch của trẻ được tốt hơn.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đảm bảo vệ sinh cho cả mẹ và con. Đặc biệt người mẹ cần tránh đồ ăn chứa nhiều chất bảo quản không có lợi cho hệ tiêu hóa.
Không nên cho trẻ bú hoặc ăn quá no, vì sẽ gây hiện tượng chướng bụng, khó tiêu.
Tạo thói quen đi ngoài cho trẻ đúng giờ và theo dõi tình trạng phân của trẻ thường xuyên. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường thì có nghĩa trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa.
Giữ cơ thể và môi trường xung quanh trẻ luôn sạch sẽ, không tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây bệnh.
Cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ để tránh bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa cũng như các bệnh lý khác.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên cho trẻ đi thăm khám ở cơ sở ý tế uy tín. Bác sĩ tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh của trẻ để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hoặc làm theo mẹo dân gian, vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn.

5. Điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Khi thấy trẻ có những biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây bệnh, nhằm điều trị bệnh kịp thời cho trẻ.

Tùy vào từng trẻ và các biểu hiện mà bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Nhưng phần lớn trẻ bị bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp với nguyên nhân. Một số loại thuốc thường được kê đơn bao gồm thuốc giảm đầy hơi, khó tiêu, thuốc chống tiêu chảy… Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung men vi sinh và uống Oresol để bổ sung nước, chất điện giải cho cơ thể.

Cha mẹ cần tuân thủ theo đúng chỉ định về liều lượng thuốc và thời gian dùng thuốc của bác sĩ.

Tuyệt đối không được tự ý điều trị cho trẻ bằng cách tự mua thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy, hoặc men tiêu hóa... để điều trị cho trẻ. Tất cả các loại thuốc cho trẻ sử dụng đều cần có sự chỉ định của bác sĩ. Điều trị sai cách, uống quá liều lượng thuốc, có thể khiến tình trạng sức khỏe của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.

Cha mẹ cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh cho trẻ, đảm bảo thân thể của trẻ luôn được sạch sẽ, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay, chân.

Phòng sinh hoạt, học tập vui chơi của trẻ cũng cần đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng để tránh tình trạng vi khuẩn sinh sôi, phát triển và xâm nhập vào cơ thể trẻ.

Khi trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần cẩn trọng về chế độ ăn của trẻ. Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, hãy cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu vitamin, đa dạng thực phẩm, đặc biệt nên chọn loại thức ăn mềm để trẻ dễ tiêu hóa. Đây cũng là một lưu ý quan trọng trong việc điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.

BS Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/roi-loan-tieu-hoa-o-tre-em-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169240513130501857.htm