Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi: Phấn đấu 'về đích' đúng hẹn

Bước sang năm 2024, ngành giáo dục Lào Cai tiếp tục duy trì, đồng thời đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo đà về đích phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi đúng hẹn. Mục tiêu đó càng được củng cố thêm khi huyện Si Ma Cai trở thành địa phương tiếp theo sau thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bảo Yên và huyện Bắc Hà “về đích” sớm phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi.

Theo ông Phạm Văn Tiếp, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, nhờ có những bước đi vững chắc và thận trọng, coi mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi không chỉ là kết quả riêng của ngành giáo dục, mà là vấn đề chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nên Si Ma Cai đã đạt được kết quả khả quan.

Mặc dù là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng nhờ sáng tạo trong cách làm, Si Ma Cai không thua kém các huyện vùng thấp, vùng thuận lợi. Trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, Si Ma Cai đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp. Huyện đã ban hành kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và thí điểm phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi giai đoạn 2021 - 2025. Trong 3 năm triển khai thực hiện, huyện Si Ma Cai đã giải quyết tốt những khó khăn, thách thức, đồng thời phát huy những thuận lợi sẵn có để đáp ứng các tiêu chuẩn của phổ cập.

Giai đoạn 2021 - 2022, UBND huyện Si Ma Cai đã công nhận thị trấn Si Ma Cai, xã Cán Cấu và xã Sín Chéng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Đây là tiền đề cho việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi trong giai đoạn 2023 - 2025 của 7 xã còn lại. Đến hết năm 2023, toàn huyện đã có 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Ông Phạm Văn Tiếp cho biết thêm: Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục huyện, cấp xã đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục và các nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Đa số phụ huynh học sinh nhận thức đúng, đầy đủ, rõ ràng về vai trò, ý nghĩa của việc học tập đối với con em; có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho học sinh nên tỷ lệ huy động và duy trì sĩ số học sinh tương đối đảm bảo. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cơ bản có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm trong dạy học cũng như các hoạt động khác của nhà trường, góp phần không nhỏ duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ 4 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ trẻ 4 tuổi hoàn thành chương trình đạt 100%. Ngoài ra, toàn bộ trẻ lớp mẫu giáo, kể cả mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi đều được học 2 buổi/ngày và học theo chương trình giáo dục mầm non mới, 100% trẻ học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng phổ thông.

Đánh giá về tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, bà Kiều Thị Thảo, Phó Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, tạo nền móng vững chắc cho trẻ khi lên 5 tuổi và vào học lớp 1. Từ những kết quả của 5 địa phương đã “về đích”, 18 xã ở 4 địa phương còn lại cũng đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp, chủ động, tích cực, sáng tạo.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-4-tuoi-phan-dau-ve-dich-dung-hen-post382342.html