Phim tài liệu: Chuyện người Mông và những cánh rừng

Với người Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, rừng từ lâu đã là mái nhà, là không gian sống, che chở và bảo vệ cho người dân. Rừng cũng là nơi bao thế hệ người Mông sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời. Dưới những tán rừng già, những câu hát đối tâm tình của các chàng trai cô gái Mông cũng được cất lên, và được 'se duyên' bằng chiếc kèn lá, một sáng tạo độc đáo của người Mông, cũng từ những chiếc lá trên rừng.

Định cư ở Nà Hẩu vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, người Mông nơi đây chủ yếu di cư từ huyện Bắc Hà và Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai sang. Dù thuộc nhiều dòng họ khác nhau, song nhờ có chung truyền thống và bản sắc văn hóa, mà những người Mông tề tựu về đây đã cùng nhau đoàn kết, gắn bó, cùng hòa chung nhịp thở với những cánh rừng.
Quá trình sống ở rừng, thích nghi và gắn bó với rừng đã hình thành trong người Mông ở Nà Hẩu ý thức ứng xử, gắn liền với quá trình gìn giữ, bảo tồn môi trường sống của họ. Và với quan niệm vạn vật hữu linh, cây cối cũng có hồn thiêng, ngoài việc đưa ra các quy định của cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, người Mông ở Nà Hẩu còn thực hiện nghi lễ cúng rừng vào ngày cuối cùng của tháng giêng hàng năm.

Lễ cúng rừng là tập quán lâu đời, là tín ngưỡng xuất phát từ đời sống lao động sản xuất, là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đồng thời, thể hiện tình yêu với rừng, trách nhiệm giữ rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hôm nay và tiếp tục gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam trân trọng gửi tới Quý khán giả phim tài liệu “Chuyện người Mông và những cánh rừng”.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết !

Thanh Hòa - Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phim-tai-lieu-chuyen-nguoi-mong-va-nhung-canh-rung-217802.htm