Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn của huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có bước phát triển và được thị trường đón nhận. Không chỉ tiêu thụ tại địa phương, nhiều sản phẩm được khách hàng ngoài tỉnh ưa chuộng, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển.

Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương, có tiềm năng phát triển sản xuất và mở rộng thị trường. Sau khi được công nhận, các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ để mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Tại huyện U Minh Thượng, mật ong là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể mật ong U Minh Thượng với đại diện nhãn hiệu là Hội Nông dân huyện. Điều này không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm mật ong rừng U Minh Thượng mà còn nâng tầm thương hiệu.

Chị Trần Thị Thu - chủ cơ sở mật ong An Phát giới thiệu sản phẩm mật ong.

Từ chỗ chỉ bán mật ong nhỏ lẻ phục vụ người tiêu dùng địa phương, đến nay sản phẩm mật ong An Phát, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng) được nhiều người trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Chị Trần Thị Thu - chủ cơ sở mật ong An Phát cho biết: “U Minh Thượng có nhiều rừng tràm, mật ong rừng tràm nổi tiếng ngon, bổ. Mật ong được nhiều người ưa chuộng nhưng trên thị trường có nhiều sản phẩm mật ong chưa khẳng định được chất lượng, thậm chí kém chất lượng. Do đó, tôi mới nảy ra ý định làm nhãn hiệu, bao bì với mong muốn tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng về sản phẩm mật ong ở địa phương”.

Gần 5 năm góp mặt trên thị trường, sản phẩm mật ong An Phát được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng. “Ước tính sản phẩm mật ong tôi thu gom được từ người dân mỗi năm được vài trăm lít. Sau khi tổ ong được cắt đem về, gia đình vắt lấy mật cho vào keo thủy tinh để trữ, sau đó chiết ra chai. Trước đây, tôi chỉ đóng chai nhựa để bán, nhưng hiện nay đóng chai thủy tinh loại 500ml và chai 180ml để đảm bảo mật đến tay khách hàng chất lượng”, chị Thu nói.

Theo anh Danh Hoàng Tuấn, ngụ xã Thạnh Yên, người có kinh nghiệm lấy mật ong nhiều năm vùng U Minh Thượng, mật ong thiên nhiên vùng U Minh Thượng nhiều nhất vào thời điểm tháng 3 và tháng 4 âm lịch. Từ tháng 6 âm lịch, việc lấy mật sẽ tạm gác lại vì bắt đầu vào mùa mưa bông tràm ngậm nước, mật hòa lẫn nước nên chất lượng không đảm bảo.

Chị Lại Thục Khanh - thành viên Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Toàn Diện giới thiệu sản phẩm bánh kẹp.

U Minh Thượng là nơi có nhiều sản phẩm đặc trưng, tuy nhiên người dân chủ yếu sản xuất và bán nhỏ lẻ nên giá trị kinh tế chưa cao. Việc thành lập Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Toàn Diện, xã Thạnh Yên là điều kiện thuận lợi giúp sản phẩm địa phương nâng cao về giá trị và lợi nhuận cho người dân.

Sản phẩm bánh kẹp thuộc hợp tác xã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Bánh kẹp được sản xuất từ nguyên liệu sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng; bánh có hương vị thơm ngon, phù hợp với đa số khẩu vị của người tiêu dùng.

“Một trong những điều kiện giúp sản phẩm bánh kẹp của hợp tác xã được khách hàng ưa chuộng là luôn sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, đạt tiêu chuẩn. Việc được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu góp phần lớn trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Năm 2023, hợp tác xã bán ra khoảng 1 tấn bánh kẹp, tạo việc làm ổn định cho nhiều thành viên”, ông Nguyễn Quốc Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Toàn Diện cho biết.

Bài và ảnh: THỦY TIÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-cong-nghiep-nong-thon-tieu-bieu-19111.html