Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP

Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP đã và đang được xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Khánh thành khai trương gian hàng OCOP Nhân Văn. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN

Khánh thành khai trương gian hàng OCOP Nhân Văn. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN

Ngày 22/9, tại Tp. Hồ Chí Minh, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn "Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)".

Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng con gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Một trong số đó là phát triển du lịch nông nghiệp.

Bởi đây là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính mảnh ruộng của mình, đồng thời gắn thêm được tiêu thụ nông đặc sản, nhất là nhóm sản phẩm OCOP. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để du lịch trở nên nhân văn, du lịch xanh và sinh thái hơn?

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP đã và đang được xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Bởi phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ nông sản, gia tăng giá trị nông sản từ hoạt động dụ lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho nông sản địa phương. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là hồn cốt trong tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo thúc đẩy cho ngành du lịch phát triển.

Theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, ra đời từ năm 2018, đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền.

Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau nhưng đang tồn tại những hạn chế nhất định khi một số tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai song song chương trình OCOP, chương trình du lịch nông thôn và các chương trình khác mà chưa có sự gắn kết.

Theo đó, kế hoạch phát triển du lịch nông thôn chưa có sự thể hiện rõ vai trò góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP, hay có kế hoạch chỉ tập trung thúc đẩy nhiều sản phẩm OCOP lại thiếu giải pháp kết nối với chương trình phát triển du lịch nông thôn địa phương.

Ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT Travel, trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Hứa Chung -TTXVN

Ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT Travel, trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Hứa Chung -TTXVN

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset cho rằng: Cả nước hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP là cơ sở để phát triển các tour tuyến du lịch nông thôn, nhưng đang tồn tại các vấn đề cần tháo gỡ. Cụ thể, sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nhưng khi đã phát triển số lượng lớn sản phẩm thì việc trùng lặp đang diễn ra khá nhiều.

Thực trạng này thấy rõ qua các chương trình xúc tiến thương mại gần đây có nhiều sản phẩm na ná giống nhau. Ví dụ như quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng hiện nay có địa phương ở miền Trung cũng nhận đây là đặc sản.

Ở góc độ làm du lịch các tour tuyến khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm nơi này nơi kia cũng có, khiến doanh nghiệp du lịch thấy "hơi ngại" với khách hàng, liệu đây có thật sự là sản phẩm đặc sản của địa phương này không?

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP thường xuất phát từ việc sản xuất mang tính thủ công nhiều hơn, nhưng khi sản xuất công nghiệp đại trà thì làm mất tính đặc thù thủ công của địa phương đó. Ví dụ như bánh pía Sóc Trăng có từ lâu đời, nhưng khi được sản xuất công nghiệp thì đang có mặt ở rất nhiều nơi, nhiều kênh phân phối khác nhau.

Điều này giúp bánh pía được nhiều người biết đến và mua dễ dàng nhưng không còn tính hấp dẫn, đặc trưng để thu hút khách đến điểm tham quan giới thiệu sản phẩm tại địa phương.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương đó, tạo thuận lợi hơn phát triển du lịch nông thôn địa phương đó.

Bên cạnh việc đồng hành cùng công nghiệp phát triển nhân rộng sản phẩm OCOP cũng nên chú trọng đến giữ nguyên các nguyên liệu đặc thù, giữ nguyên một số sản phẩm đặc thù riêng biệt cho nguyên địa phương đó.

Bên cạnh đó, có tình trạng ban đầu, khi các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chưa có thương hiệu, họ khá cởi mở khi hợp tác với công ty du lịch. Nhưng khi họ có thương hiệu rồi họ lại muốn tách ra hoặc phá vỡ hợp tác. Đây là yếu tố thiếu công bằng, vì vậy cần có cơ chế để đảm bảo tính bền vững hợp tác giữa các công ty du lịch nông thôn và các đơn vị địa phương.

"Các tour tuyến du lịch thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và ngược lại sản phẩm OCOP là yếu tố thúc đẩy phát triển tour tuyến địa phương đó. Tuy nhiên, nhiều công ty du lịch đang chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm OCOP ở địa phương mà quan tâm đến "hoa hồng" là bao nhiêu, dẫn đến mất niềm tin của khách hàng. Vì vậy, các đơn vị tổ chức du lịch cũng cần chú trọng nhiều hơn đến việc lựa chọn sản phẩm OCOP uy tín để phối hợp, đồng hành phát triển du lịch nông thôn hiệu quả và bền vững hơn.", ông Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.

Đại diện Tập đoàn Xuân Nguyên giới thiệu sản phẩm trưng bày tại gian hàng OCOP Nhân Văn. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN

Đại diện Tập đoàn Xuân Nguyên giới thiệu sản phẩm trưng bày tại gian hàng OCOP Nhân Văn. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN

Phân tích sâu hơn về mô hình du lịch cộng đồng, ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT Travel nhận định, du lịch cộng đồng đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam và là loại hình giúp người dân phát triển sinh kế, bảo tồn văn hóa. Thông qua du lịch cộng đồng, người dân được tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao ý thức khôi phục môi trường sống, bản sắc dân tộc, giúp hình thành điểm khác biệt để thu hút và giới thiệu đến khách du lịch.

"Tuy nhiên, muốn thành công, các đơn vị phải thay đổi tư duy làm dịch vụ. Không thể mở dịch vụ, thu tiền dựa trên những điều kiện sẵn có mà cần cải tạo, nâng cấp từ cơ sở vật chất như khuôn viên, khu lưu trú, vệ sinh đến chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ.

Du khách khi đến điểm tham quan được phục vụ một ly nước chè, một chiếc khăn lạnh và được mặc những bộ trang phục truyền thống của người địa phương chắc chắn sẽ có ấn tượng khác biệt và đánh giá cao chất lượng dịch vụ. Đây chính là yếu tố để họ quyết định quay lại hoặc giới thiệu sản phẩm du lịch cho bạn bè, người thân." ông Dương Minh Bình khuyến nghị.

Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam nhận định, sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng. Góc nhìn của nhà lữ hành cho thấy ngành du lịch "xanh" đang phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện.

Giải pháp đề xuất cho vấn đề trên là xây dựng "Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng" – One Region One Agriculture Product (OROAP). Sáng kiến này sẽ làm mới và đồng bộ hóa chương trình OCOP, vốn đã rất thành công trong phát triển sản phẩm đặc thù vùng miền.

"Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh thành không bị trùng lặp, nhàm chán; tránh cạnh tranh không lành mạnh; tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt và đặc biệt giúp các cơ quan quản lý nhà nước có dịp nhìn lại du lịch nông nghiệp, nông thôn của địa phương mình sâu sát hơn trong việc quản lý cũng như đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp.

Qua đó, chính sách quản lý, nghiên cứu văn hóa, cũng như phương pháp quảng bá cũng sẽ đồng hành với du lịch nông nghiệp lữ hành. Phát triển toàn diện sẽ tạo câu chuyện truyền thông mới lạ, thổi hồn và xâu chuỗi các sản phẩm nông nghiệp vùng miền, từ đó thu hút khách du lịch hiệu quả.", bà Phan Yến Ly phân tích./.

Xuân Anh - Hứa Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-du-lich-nong-nghiep-nong-thon-gan-voi-tieu-thu-san-pham-ocop/307344.html