Phát huy giá trị nông sản địa phương

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, những năm qua, HTX nông nghiệp Quyết Thanh, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã chú trọng phát triển các sản phẩm nông sản sấy khô, sấy dẻo với nguyên liệu chính là các loại quả tươi của cao nguyên Mộc Châu, được nhiều khách hàng tin dùng và lựa chọn.

Chế biến mận sấy tại HTX nông nghiệp Quyết Thanh. Ảnh: Việt Anh

Đến xưởng sản xuất của HTX nông nghiệp Quyết Thanh, thời điểm này đúng dịp đang tập trung chế biến sản phẩm mận hậu. Nếm thử sản phẩm mận sấy khô đã thành phẩm rất ngon, bên ngoài khô, bên trong vẫn giữ được hương thơm đặc trưng, lưu giữ vị ngọt của mận hậu Mộc Châu. Ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc HTX thông tin: Hiện nay, Mộc Châu đang vào vụ mận hậu nên mỗi ngày HTX chế biến khoảng 2 tấn quả mận tươi làm mận sấy khô phục vụ khách hàng.

Qua câu chuyện, ông Quyết kể: Năm 2016, trong chuyến du lịch tại thành phố Đà Lạt, tôi thấy có rất nhiều sản phẩm hoa quả sấy khô đóng gói, bày bán tại các cửa hàng trông rất bắt mắt, nên mua mỗi loại một ít để ăn thử. Thấy ngon, tôi nghĩ, cao nguyên Mộc Châu cũng có rất nhiều loại quả ngon, nhu cầu mua quà của khách du lịch cũng rất lớn, nhưng hàng hóa đặc trưng ở địa phương lại chưa phong phú, đa dạng, nhất là các loại hoa quả sấy. Thực hiện ý nghĩa đó, năm 2018, gia đình tôi đầu tư vào chế biến và kinh doanh sản phẩm hoa quả sấy khô.

Đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, năm 2019, ông Quyết vận động 10 hộ tham gia thành lập HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, với diện tích 8 ha các loại cây ăn quả của các thành viên, ngoài bán quả tươi, HTX tiến hành sấy khô. Các loại trái cây được sơ chế chủ yếu là: Chuối, xoài, mít, hồng giòn, đu đủ, mận với các công đoạn: Ủ chín tự nhiên, tách vỏ, bỏ hạt, cắt miếng. Nhờ nguồn trái cây dồi dào, tận dụng được công lao động nhàn rỗi tại địa phương nên việc gia công, sơ chế trái cây rất thuận tiện.

Kho lạnh bảo quản nông sản của HTX nông nghiệp Quyết Thanh. Ảnh: Việt Anh

Nâng cao giá trị sản phẩm các loại quả và tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ thành viên HTX và các hộ dân liên kết trong huyện, HTX đã đầu tư xây dựng một xưởng chế biến với diện tích hơn 200 m2 và lắp đặt 2 dây truyền chế biến sấy nóng và sấy lạnh; 1 máy đóng gói sản phẩm và 2 kho lạnh để bảo quản sản phẩm với diện tích 24 m2. Hiện nay, HTX đang tổ chức chế biến 7 loại sản phẩm quả với khối lượng khoảng 80 tấn sản phẩm chế biến/năm. HTX đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ. Doanh thu bình quân hằng năm của HTX đạt từ 4,5 - 5 tỷ đồng.

Các loại quả của HTX được sấy ở nhiệt độ và thời gian thích hợp nên bên ngoài khô nhưng bên trong vẫn giữ được độ mềm tự nhiên. HTX không sử dụng thêm đường hay chất bảo quản trong quá trình sấy nhằm bảo đảm độ ngọt tự nhiên, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Các nguyên liệu đầu vào được HTX lựa chọn kỹ lưỡng ngay tại vườn. Sản phẩm sau khi sấy xong cũng được gửi đi kiểm tra chất lượng, cấp chứng nhận sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

HTX tập trung xây dựng nhãn mác, logo, mã vạch để định vị thương hiệu trên thị trường. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay HTX có 6 sản OCOP, trong đó 4 sản phẩm 4 sao (mận sấy, chuối sấy, hồng sấy, xoài sấy) và 2 sản phẩm 3 sao (đu đủ sấy dẻo, nước cốt chanh leo). Hiện sản phẩm của HTX được đặt mua thông qua các trang mạng điện tử, qua các cửa hàng, siêu thiệu giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm của HTX nông nghiệp Quyết Thanh. Ảnh: Việt Anh

Lựa chọn sản phẩm tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX, chị Nguyễn Thị Thanh, du khách đến từ thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Trong chuyến du lịch tại Mộc Châu được giới thiệu HTX nông nghiệp Quyết Thanh có nhiều sản phẩm sấy khô rất ngon nên tôi tim đến mua về làm quà. Quả thực các sản phẩm rất đa dạng bên ngoài khô, nhưng bên trong vẫn giữ được độ dẻo, hương thơm đặc trưng của từng loại quả, vị ngọt đậm đà, thời gian bảo quản lâu, tôi rất yên tâm khi dùng sản phẩm.

Với mục tiêu mở rộng sản xuất, đa dạng các sản phẩm sấy khô, hạn chế tình trạng khó khăn về đầu ra cho nông sản, HTX nông nghiệp Quyết Thanh mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục giúp đỡ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng các loại công nghệ cao, quy trình sản xuất an toàn, sản xuất sạch cho bà con nông dân. Hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm các loại quả để đạt chất lượng cao. Thường xuyên tổ chức các hội chợ, tuần hàng nông sản an toàn để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và tiếp tục xây dựng thương hiệu nông sản Sơn La nói chung và Mộc Châu nói riêng để ngày càng nhiều khách hàng biết và tin dùng.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phat-huy-gia-tri-nong-san-dia-phuong-VmzLjJlVR.html