Phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại Việt Nam: Góc nhìn từ chuyên gia quốc tế

Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị quốc tế 'Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam' tại Ninh Bình vừa qua.

Ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại tham quan danh thắng Tràng An, Ninh Bình. (Ảnh: Tuấn Việt)

Từ ngày 2-4/7, Hội nghị quốc tế do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức nhằm mục tiêu tổng quan là định vị lại Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là một đất nước đầy tiềm năng về cơ hội phát triển bền vững, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu xã hội mà vẫn đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản vì sự phát triển bền vững.

Hội nghị là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, bảo tồn, quản lý trong nước và quốc tế, từ đó thảo luận về định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nhiều mặt của các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tăng cường tham gia các mạng lưới của UNESCO

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Raul Valdes - Điều phối viên Viện Học tập suốt đời (UIL) của UNESCO cho biết dự án Mạng lưới các Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UIL ban đầu chỉ có 12 thành viên nhưng từ năm 2015 đến nay đã có tới 292 thành viên đến từ 76 quốc gia.

Ông Raul Valdes khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của ba thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc và Vinh tại Việt Nam khi tham gia vào GNLC. Chiến lược năm 2021-2023 của chúng tôi là giúp các thành phố xây dựng khả năng phục hồi trước sự thay đổi của môi trường, thúc đẩy và tìm kiếm quan hệ đối tác liên quan đến các trường đại học và khu vực tư nhân, tăng cường xây dựng năng lực, mở rộng phạm vi chương trình nghị sự về thành phố học tập cho nghiên cứu, vận động và giao lưu quốc tế”.

Còn với kinh nghiệm từ Mạng lưới các Thành phố sáng tạo (UCCN) của UNESCO, ông Denise Bax - Trưởng phòng Truyền thông, Thành phố và Sự kiện, Bộ phận Văn hóa của UNESCO cho biết, UCCN ra mắt vào năm 2004, là một chương trình thành phố hàng đầu của UNESCO với mục tiêu chính là tăng cường hợp tác quốc tế và tạo động lực để phát triển đô thị bền vững.

Tính đến hôm nay, UCCN có gần 300 thành phố thành viên ở khoảng 90 quốc gia. Hội nghị thường niên UCCN là dịp để tăng cường mối quan hệ giữa các Thành phố sáng tạo và cung cấp một chìa khóa nền tảng trao đổi và hợp tác về đô thị bền vững định hướng văn hóa phát triển.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc: “Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và được lãnh đạo UNESCO đánh giá cao như một sáng kiến đầu tiên trên thế giới bao quát tất cả danh hiệu UNESCO tại một quốc gia, thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, thúc đẩy giáo dục và khoa học ở các tầng nấc khác nhau”.

Kinh nghiệm từ nước bạn

Tại Hội nghị, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Indonesia Itje Chodidjah chia sẻ những kinh nghiệm bảo tồn và thúc đẩy di sản. Giống như Việt Nam, Indonesia là quốc gia có nhiều di sản được UNESCO vinh danh, trong đó có nghệ thuật Batik - vốn được xem như biểu tượng văn hóa đặc trưng của xứ vạn đảo.

Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang đối mặt với những thách thức như thiếu nghệ nhân có tay nghề để có thể truyền lại cho thế hệ sau. Bởi vậy, cách mà người dân Indonisa trân trọng, tự hào và tích cực quảng bá Batik cũng gợi mở nhiều bài học trong việc gìn giữ những di sản văn hóa quý giá của nhân loại.

Về những câu chuyện và kinh nghiệm thành công tại Thái Lan, ông Phichet Phophakdee - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Thái Lan cho biết, quốc gia này đang sở hữu nhiều danh hiệu và tham gia tích cực vào các mạng lưới của UNESCO như có ba Di sản thiên nhiên, ba Di sản văn hóa, năm Khu dự trữ sinh quyển, hai Công viên địa chất toàn cầu, ba Di sản văn hóa phi vật thể, bảy thành viên GNLC, năm thành viên UCCN...

Để phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, Thái Lan thường xuyên tổ chức các sự kiện như hội thảo xây dựng năng lực của giáo viên về giáo dục vì sự bền vững, hội thảo quốc tế về giáo dục công dân toàn cầu tại các địa đanh được UNESCO ghi danh... Mới đây, “đất nước nụ cười” đăng cai Hội nghị Thành phố học tập vào tháng Tư với sự tham gia của nhiều thành viên GNLC nhằm truyền cảm hứng và thể hiện kiến thức đổi mới và thực hành quản lý học tập, hướng tới cung cấp giáo dục công bằng cho tất cả mọi người.

Sự đồng hành tích cực của UNESCO

Không chỉ nhận được sự chia sẻ và hợp tác từ các nước, ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại khẳng định Việt Nam là một hình mẫu hợp tác tích cực và hiệu quả với UNESCO.

Ông Firmin Edouard Matoko cho biết, UNESCO sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc triển khai Bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Việt Nam và UNESCO nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới UNESCO năm 2021; cam kết hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại UNESCO để đạt được các mục tiêu chung.

Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft cũng bày tỏ rất ấn tượng với thành tựu của mô hình hợp tác công tư tại Ninh Bình và cho rằng, đây là bài học có thể được áp dụng cho nhiều khu di sản thế giới khác ở Việt Nam.

Có thể thấy, những ý kiến được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị lần này cũng có thể là bài học kinh nghiệm quý giá để các quốc gia thành viên UNESCO tiếp tục học tập, áp dụng nhằm trao truyền di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-huy-gia-tri-danh-hieu-unesco-tai-viet-nam-goc-nhin-tu-chuyen-gia-quoc-te-233616.html