Một số kết quả qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn huyện Long Phú

Bám sát các quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) 'về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước', các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị và đạt được những kết quả tích cực.

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 31/7/2014 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Long Phú xây dựng Chương trình hành động số 34-CTr/HU, ngày 29/9/2014 thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu phối hợp với các ban ngành tổ chức triển khai trong tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, hội viên thực hiện xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan, đơn vị, nâng cao giá trị văn hóa và lối sống lành mạnh.

Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn coi trọng công tác bồi dưỡng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, luôn lấy nhân cách con người làm trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cộng đồng dân cư và từng gia đình. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện luôn chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử dân tộc, pháp luật, đạo đức, lối sống, nhân cách nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, lạc hậu thông qua việc tổ chức các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng; các hội thi của ngành; tổ chức các đợt đưa thông tin về cơ sở thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua đội thông tin lưu động huyện đi tuyên truyền tại cơ sở với nhiều hình thức. Các hoạt động văn hóa, giáo dục trong việc xây dựng con người hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người; giáo dục kỹ năng sống; ý thức cá nhân, tuân thủ pháp luật…

Quan tâm công tác giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hằng năm, công tác tuyên truyền phát động nhân dân tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được tăng cường. Đến nay, việc rèn luyện thể thao được quan tâm, số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn huyện là 28.935 người, chiếm 30,8% dân số và số gia đình thể thao là 2.597 hộ, chiếm 9,8% số hộ.

Việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, bình luận về thông tin sai sự thật, thông tin chưa đầy đủ, thông tin phản động, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Khuyến khích việc đăng tải, chia sẻ, bình luận các thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt.

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cũng được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện. Hiện tại, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Long Phú đều đưa nội dung ứng xử văn hóa trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, 100% các đơn vị trường học đều xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện, học sinh tích cực, 100% ấp đều có quy định cụ thể trong bản quy ước về trách nhiệm của mỗi gia đình, công dân đối với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cũng như việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa, danh hiệu ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được duy trì và tăng số lượng theo từng năm. Từ khi áp dụng Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa” “Ấp văn hóa”, ‘‘Tổ dân phố văn hóa”, công tác triển khai thực hiện phong trào ngày càng tốt hơn, chất lượng của các danh hiệu văn hóa được xét tặng phù hợp với thực tế và được sự đồng tình của người dân. Kết quả thực hiện, hằng năm số gia đình, khu dân cư, cơ quan đạt danh hiệu văn hóa tăng lên đáng kể, tính từ năm 2015 đến nay có 25.428/26.541 hộ, chiếm 95,8% số hộ trên địa bàn huyện. Hiện tại, huyện Long Phú có 61/61 ấp giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa” và 120/121 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa…

Ông Trần Hoài Lâm, ngụ ấp Bưng Thum, xã Long Phú bày tỏ: “Việc xây dựng gia đình văn hóa là phong trào được người dân đồng tình ủng hộ và hợp sức thực hiện bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực trong thời gian qua. Đặc biệt, vai trò của mỗi gia đình rất được đề cao, phát huy qua các mô hình, như: gia đình văn hóa sống chung 3 thế hệ; câu lạc bộ không sinh con thứ ba; câu lạc bộ ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo… không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương…".

Huyện Long Phú (Sóc Trăng) làm tốt việc bảo tồn và giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: KIM NGỌC

Huyện Long Phú (Sóc Trăng) làm tốt việc bảo tồn và giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: KIM NGỌC

Bên cạnh đó, huyện Long Phú quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Trong 10 năm qua, huyện Long Phú tích cực thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa; duy trì, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật, phong tục tập quán sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Các hoạt động sinh hoạt truyền thống được bảo vệ, duy trì và từng bước khôi phục, như: nghệ thuật múa hát dân gian, nghệ thuật rô băm, dù kê của người Khmer; nghệ thuật múa, hát tuồng cổ, nghệ thuật đờn ca tài tử của người Kinh; các lễ hội, nghệ thuật nấu ăn, y học dân tộc.

Huyện Long Phú còn chú trọng đến việc bảo tồn, tôn tạo phát huy các di tích văn hóa được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, đây là nơi giáo dục truyền thống; duy trì tốt công tác trưng bày hiện vật nhà truyền thống, nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh và tinh thần yêu nước của nhân dân huyện đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Tính đến nay, trên toàn huyện Long Phú có 4 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh được công nhận, gồm: đình thần Nguyễn Trung Trực, thị trấn Long Phú; chùa Quan Âm, thị trấn Đại Ngãi; Khu lưu niệm danh nhân Lương Định Của, thị trấn Đại Ngãi và cổ đình thần Nguyễn Trung Trực, xã Long Đức… Hằng năm, các điểm di tích trên thu hút trên 15.000 lượt khách đến tham quan, học tập truyền thống.

Do điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, sản phẩm văn hóa chưa xứng tầm, chưa thể bứt phá hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, chưa phát huy hết những tiềm năng, lợi thế và giá trị văn hóa trên địa bàn huyện Long Phú. Song huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch trong và ngoài huyện phát triển các dịch vụ văn hóa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật,.. quảng bá các sản phẩm đến với công chúng, thông qua việc tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham gia quảng bá tại các gian hàng thương mại, hội chợ, triển lãm trong và ngoài huyện.

Đồng chí Vương Tấn Vũ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Phú khẳng định: Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn được giữ vững. Hiện nay, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, làm chuyển biến nhận thức về văn hóa trong từng người dân theo chiều hướng tích cực. Thời gian tới, huyện Long Phú tiếp tục quán triệt, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp lớn được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Long Phú sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hưởng thụ văn hóa, hòa nhập với cộng đồng và bảo vệ bản sắc vốn có của địa phương. Ngoài ra, huyện Long Phú tiếp tục duy trì tổ chức hội thi, hội diễn hằng năm, các trò chơi dân gian, các giải thể thao truyền thống trong những ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước. Bên cạnh đó, huyện Long Phú tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, bảo tồn và giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, nhằm thu hút sự tham gia đông đảo tầng lớp nhân dân…

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-long-phu/mot-so-ket-qua-qua-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-33-nq-tw-tren-dia-ban-huyen-long-phu-73317.html