Pháp thử nghiệm tên lửa V-MAX: Cuộc đua 'siêu thanh' thêm nóng bỏng

Tên lửa siêu thanh V-MAX vừa được thử nghiệm đã giúp Pháp không bị tụt hậu trong cuộc đua phát triển thứ vũ khí mới này với các cường quốc quân sự khác.

Cột mốc mới của Pháp

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Pháp hồi cuối tháng 6 vừa rồi, quân đội nước này đã tiến hành vụ thử tên lửa siêu thanh đầu tiên. Tên lửa siêu thanh của Pháp, còn được gọi là tàu lượn siêu thanh, có tên V-MAX đã được phóng từ Biscarosse, trung tâm thử nghiệm của DGA ở vùng Landes phía Tây Nam nước này.

Tên lửa siêu thanh V-MAX mà Pháp vừa thử nghiệm. Ảnh: MIRA

Quân đội Pháp phóng một tên lửa đạn đạo mang theo một tên lửa siêu thanh từ căn cứ Biscarosse vào khoảng 10 giờ tối ngày 26/6. Sau khi tên lửa đạn đạo đạt tới độ cao cần thiết, tên lửa siêu thanh tách khỏi “vật chủ” và bắt đầu quá trình tự hành.

Một cảnh báo trước đó nhiều ngày đã được Pháp đưa ra đối với giao thông đường biển và đường hàng không trong khu vực rộng 2.000 km2 xung quanh địa điểm phóng. Như thông lệ, quân đội Pháp sau đó giữ im lặng về sự thành công hay thất bại của chuyến thử nghiệm này.

Thay vào đó, Bộ quốc phòng Pháp chỉ ra một tuyên bố ngắn gọn rằng "các phân tích kỹ thuật về nhiều dữ liệu thu được trong quá trình thử nghiệm đang được tiến hành để rút ra bài học cho các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo”. Bộ này nói thêm rằng V-MAX “chứa nhiều cải tiến công nghệ tích hợp”.

Đó là một chặng đường dài đối với Pháp, mà đỉnh điểm là cuộc thử nghiệm hôm thứ Ba. Chương trình V-Max chính thức được triển khai vào năm 2019 và chuyến bay thử nghiệm ban đầu cho bệ phóng V-MAX đã được lên kế hoạch vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, các lý do kỹ thuật và ngân sách đã trì hoãn việc kích hoạt lại công khai sứ mệnh cho đến đầu năm nay.

Vì thế, dù về mặt kỹ thuật, thành công hay thất bại của vụ phóng thử vẫn được giữ kín song Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu, trong một phát biểu với báo giới, cũng hé lộ đôi chút qua phát biểu hào hứng rằng đó là "một cột mốc quan trọng mới trên con đường làm chủ siêu vận tốc của Pháp”.

Gia nhập cuộc đua của các siêu cường tên lửa

Quân đội Pháp từ cách đây cả thập kỷ đã sớm nhận thức được những cơ hội mà tên lửa siêu thanh có thể mang lại cho chính họ và các đồng minh, cũng như những mối đe dọa mà công nghệ mới này có thể gây ra cho các đối thủ của họ.

Từ năm 2012, Pháp đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng đánh chặn các tên lửa siêu thanh. Dấu mốc là ngày 4/4/2012, tàu khu trục Fobin của Hải quân Pháp trong một cuộc tập trận bắn đạn thật, đã bắn một tên lửa Aster đánh chặn thành công một mục tiêu do Hải quân Mỹ thiết kế để mô phỏng hành động của tên lửa chống hạm siêu thanh KH31 hoặc SSN-22 của Nga.

Tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal của Nga có thể phóng từ máy bay và đã được triển khai trong thực chiến. Ảnh: Defense 24

Những tên lửa này, được Liên Xô cũ chế tạo vào cuối những năm 1980, nhằm chống lại các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Trong cuộc thử nghiệm năm 2012, Hải quân Pháp lần đầu tiên xác nhận hiệu suất phòng không của PAAMS (Hệ thống tên lửa phòng không chính) mà Pháp, Anh và Italia trang bị cho các tàu chiến. Thành công của cuộc thử nghiệm này cho thấy Pháp đã gia nhập CLB hải quân ưu tú có khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa chống hạm siêu thanh.

Nhưng trong cuộc đua phát triển khả năng tấn công siêu tốc, Pháp lại chậm chân đáng kể so với các cường quốc. Tên lửa siêu thanh thường có dạng tàu lượn, với quỹ đạo bay phức tạp và có khả năng đạt tốc độ trên Mach 5 (hơn 6.000 km/h), khiến việc đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn. Do đó, việc thử nghiệm V-MAX là bước tiến quan trọng của Pháp trong việc sở hữu loại vũ khí có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không tinh vi nhất này.

Những nước nào đã đi trước Pháp?

Có nhiều nước được cho là đang phát triển những tên lửa siêu thanh, hoặc những vũ khí tấn công siêu tốc, chẳng hạn tên lửa DF-26 của Trung Quốc với tốc độ đạt tới Mach 5 hoặc tên lửa Brahmos II của Ấn Độ được cho là đạt tới Mach 8. Nhưng Nga và Mỹ mới là những cường quốc tiên phong. Trong đó, Nga có lẽ là nhà vận hành vũ khí siêu tốc giàu kinh nghiệm nhất, với ba loại tên lửa siêu thanh đã được ra mắt.

Đầu tiên là AVANGARD, tên lửa siêu thanh xuyên lục địa được cung cấp năng lượng trong giai đoạn đầu bởi tên lửa đạn đạo UR-100N UTTKh (SS-19 Mod 4 'Stiletto'), đi vào hoạt động từ năm 2019. AVANGARD được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và sẽ cơ động ở tốc độ khủng khiếp, lên đến Mach 20+ trên độ cao 100 km.

Tên lửa siêu thanh thứ hai là Kh-47 Kinzhal, một tên lửa đạn đạo hàng không được phóng từ máy bay, có khả năng cơ động. Được đưa vào hoạt động từ năm 2018, theo các quan chức Nga, nó sẽ đạt tốc độ Mach-10 trong giai đoạn cuối, được thả từ các máy bay ném bom hạng nặng MiG-31K hoặc Tu-22M3.

Nhiều thông tin cho thấy, Kh-47 Kinzhal đã được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc xung đột ở Ukraine vào ngày 19/3 năm nay và triển khai thêm hai lần kể từ đó. Một phiên bản Kinzhal với kích thước nhỏ hơn, gắn trên máy bay chiến đấu Su-57, dường như đang được phát triển.

Tên lửa siêu thanh AGM-183A của Mỹ đã thử nghiệm thành công và dự kiến được biên chế vào năm 2025. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Cuối cùng, tên lửa siêu thanh được công bố rộng rãi nhất vẫn là tên lửa scramjet 3M22 Zircon (Tsirkon), đạt tốc độ Mach 8 và có tầm bắn từ 500 đến 1.000 km. Công nghệ scramjet có ưu điểm là duy trì lực đẩy liên tục trong khí quyển trong suốt thời gian của chuyến bay. Các vụ phóng thử 3M22 Zircon từ tàu mặt nước và tàu ngầm đã được thực hiện vào năm 2020 và 2021.

Về phía Mỹ, Bộ quốc phòng nước này có năm chương trình lớn dù cho đến nay chưa có chương trình nào được tuyên bố chính thức hoạt động. Trong đó, Mỹ đang phát triển LRHW (Vũ khí siêu thanh tầm xa) sử dụng Thân tàu lượn siêu thanh thông thường (C-HGV). Hải quân Mỹ cũng có chương trình CPS (Tấn công nhanh thông thường) nhằm phát triển tên lửa siêu thanh phóng từ các tàu tuần dương lớp Zumwalt và lớp Virginia Block V.

Học thuyết của Mỹ không quy định việc phát triển vũ khí siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân; đường bay của tàu lượn được dự định đủ khác với đường bay của tên lửa đạn đạo để tránh tính toán sai. Lực lượng Không quân đang phát triển tên lửa siêu thanh của riêng mình: ARRW (Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không, AGM-183A) được phóng từ máy bay ném bom B-52 hoặc B-1.

Sau ba lần thất bại, ngày 14/5 vừa qua, Không quân Mỹ xác nhận đã thử nghiệm thành công tên lửa AGM-183A phóng từ B-52H. Thời điểm chính thức biên chế các vũ khí này dự kiến là năm 2025.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phap-thu-nghiem-ten-lua-v-max-cuoc-dua-sieu-thanh-them-nong-bong-post255016.html