Phạm nhân sinh hoạt tôn giáo, nét nhân bản 'cải hóa' cái xấu, ác

Phạm nhân dù phạm tội dưới hình thức nào và bất cứ lý do gì, những tù nhân, những người bị tạm đều là những con người cần được 'cải hóa', để họ nhận ra cái sai, chữa lành nội tâm.

Phạm nhân dù phạm tội dưới hình thức nào và bất cứ lý do gì, những tù nhân, những người bị tạm đều là những con người cần được “cải hóa”, để họ nhận ra cái sai, chữa lành nội tâm.

Tác giả: Diệu Linh

Theo Báo Giác Ngộ ngày 30-03-2024, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29-12-2023, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng tôn giáo (năm 2016) có hiệu lực từ ngày 30-3-2024.

Theo đó, tại Mục 1, Điều 4 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực việc phạm nhân, người bị giam giữ được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 của luật tín ngưỡng tôn giáo.

Ảnh: St

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là người bị quản lý, giam giữ) được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của cá nhân.

Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo của người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ không được làm ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do không tín ngưỡng tôn giáo của người khác và không trái với quy định của pháp luật có liên quan.

Tín ngưỡng tôn giáo hướng con người ta đến cái tốt đẹp, đặc biệt là đạo Phật hướng đến chân – thiện – mỹ. Phạm nhân dù phạm tội dưới hình thức nào và bất cứ lý do gì, những tù nhân, những người bị tạm đều là những con người cần được “cải hóa”, để họ nhận ra cái sai, chữa lành nội tâm.

Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Cũng như một người làm vườn biết cách dung phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nỗi đau khổ để tạo ra hạnh phúc”.

Thật vậy, khi rơi vào bế tắc, đường cùng, hay phải ngồi tù trả giá cho lỗi lầm đã gây ra, không phải như thế là hết đời, là xong đời, mà họ cần biết cách, đúng phương pháp để vượt qua những trở ngại, hướng thượng đến cái thiện, cái tốt đẹp phía trước.

Phật giáo giáo hóa bằng tâm từ, những người phạm tội có những người họ không hề ý thức và đủ hiểu biết về lỗi lầm của họ gây ra. Thậm chí có những người ra tù rồi vẫn tiếp tục gieo những nhân không lành, họ vẫn tiếp diễn những việc làm sai trái, đôi khi có những người buông xuôi cuộc đời bằng câu nói: “ôi dời, cùng lắm vào tù là xong”.

Vậy thì, rõ ràng nếu như trong thời gian chịu án bị giam giữ, họ được cảm hóa, được giảng giải hướng thiện, hiểu được thiện-ác, tốt-xấu, lợi-hại, thì họ sẽ có cái nhận thức và thái độ sống đúng đắn hơn.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, một vị Thượng tọa có rất nhiều đóng góp trong việc hoằng pháp trong trai giam từ những năm 2007, đã từng chia sẻ:

“Quyền uy chẳng khiếp tinh thần
Dục tham chẳng nhớp tâm hồn trắng trong
Khổ nguy vẫn một tấm lòng
Từ bi, đức độ, thong dong tháng ngày”.

Ảnh: St

Câu nói này thể hiện tinh thần trải rộng tâm từ đến với mọi người cũng như khích lệ, kích thích cái tâm ban sơ ẩn chứa trong mỗi người khi đến với cuộc đời này. Thượng tọa luôn khuyến khích mọi người, đặc biệt những phạm nhân sống đúng với những giá trị này để tìm kiếm bình an, ý nghĩa chân như cho cuộc sống.

Có thể nói lòng nhân từ và niềm tin là hai việc quan trọng nhất trong sinh hoạt xã hội, nhưng ngày nay, có người không giữ được niềm tin, cho nên xã hội rơi vào tình trạng bất ổn loạn lạc. Việc thực tế mà chúng ta thường gặp là hàng ngày, tình trạng phạm tội, tù nhân càng nhiều, đáng báo động là ở độ tuổi vị thành niên gia tăng mạnh.

Đức Phật dạy, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau, chúng ta có suy nghĩ rồi mới phát ra âm thanh tức lời nói, tức nói những gì đã nghĩ thông qua kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân mỗi người và làm những gì đã hứa, đã nói.

Những người ở dộ tuổi vị thành niên còn quá non trẻ, chưa hiểu biết về xã hội cũng như trải nghiệm bản thân non nớt, sau vài năm giam giữ được tự do nếu trong thời gian đó hàng ngày mưa dầm thấm lâu, có sự hướng dẫn dạy bảo đúng cách và cảm hóa tâm tính thì họ vẫn có thể làm lại cuộc đời, sống là một người ngay thẳng, có đạo đức.

Tác giả: Diệu Linh

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/pham-nhan-duoc-sinh-hoat-ton-giao.html