Câu chuyện quốc tế: Cuộc chiến đòi công lý

Dự kiến ngày 22-8 tới, Tòa phúc thẩm Paris sẽ ra phán quyết liên quan đến vụ kiện lịch sử giữa bà Trần Tố Nga, một Việt kiều Pháp, chống lại các tập đoàn hóa chất đa quốc gia đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc da cam/dioxin để sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất độc da cam/dioxin, xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam, khiến hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Theo AFP, Bộ các vấn đề cựu binh Mỹ cho rằng một số loại ung thư và dị tật bẩm sinh có liên quan trực tiếp tới việc phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin khi làm phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng. Theo AFP, lúc bấy giờ, những người như bà không hề hay biết rằng bản thân bị nhiễm loại chất độc "hủy hoại cuộc sống không chỉ của bản thân họ mà còn của cả con cháu họ về sau". Năm 1968, bà sinh con gái đầu lòng. Đứa trẻ bị dị tật tim bẩm sinh và chỉ sống được 17 tháng. "Suốt một thời gian dài, tôi đã tự trách bản thân rằng mình không phải là một người mẹ tốt khi sinh ra con bị bệnh và không cứu sống được con", bà chia sẻ với AFP.

Bà Trần Tố Nga, Việt kiều Pháp, là người đứng đơn kiện chống lại các tập đoàn hóa chất đa quốc gia đã cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc da cam/dioxin. Ảnh: TTXVN

Phải đến mấy thập niên sau đó, khi có dịp tiếp xúc với các cựu chiến binh Việt Nam nhiễm chất độc da cam/dioxin cùng những người con tật nguyền của họ, bà mới nghĩ tới chuyện người con gái đầu lòng đã mất của mình cũng chính là nạn nhân. Đầu thập niên 1990, bà Trần Tố Nga sang Pháp định cư. Dưới sự ủng hộ của nhiều tổ chức phi chính phủ, vào năm 2009, bà bắt đầu hành trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến năm 2013, đơn kiện của bà mới được Tòa đại hình Evry thụ lý, bởi khi đó Quốc hội Pháp mới khôi phục lại quyền xét xử các vụ án quốc tế của tòa án Pháp.

Theo AFP, các tập đoàn hóa chất luôn khẳng định không thể chịu trách nhiệm đối với cách thức quân đội Mỹ sử dụng các sản phẩm do họ sản xuất. Các doanh nghiệp tuyên bố họ hành động theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, do đó được hưởng quyền miễn trừ theo luật pháp quốc tế, theo đó, một quốc gia không được phép xét xử hành vi của một quốc gia khác. Vào tháng 5-2021, Tòa đại hình Evry đã bác đơn kiện của bà Trần Tố Nga với lý do các tập đoàn hóa chất "đã hành động theo mệnh lệnh và nhân danh Chính phủ Mỹ", tuyên bố tòa này không có thẩm quyền xét xử các hành động của Washington. Bà Trần Tố Nga sau đó đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Paris.

AFP cho biết, trong hành trình đòi công lý, từng có lời đề nghị chi cho bà Trần Tố Nga "rất nhiều tiền" để dàn xếp vụ kiện, nhưng bà kiên quyết từ chối. "Cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ kéo dài. Nhưng tôi nghĩ mình đã lựa chọn đúng con đường... Đây là cuộc chiến cuối cùng và là cuộc chiến khó khăn nhất của tôi. Tôi sẽ không từ bỏ. Tôi sẽ đứng về phía các nạn nhân cho đến hơi thở cuối cùng", người phụ nữ đang mang trong mình căn bệnh ung thư và tiểu đường nêu rõ.

Cho đến nay, theo AFP, bà Trần Tố Nga là cá nhân đầu tiên và duy nhất kiện các tập đoàn hóa chất đa quốc gia nhằm đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Vụ kiện của bà Tố Nga được truyền thông quốc tế so sánh với cuộc chiến của David bé nhỏ chống lại gã khổng lồ Goliath. Trong Thư ngỏ gửi tới Tòa phúc thẩm Paris, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL)-một tổ chức phi chính phủ toàn cầu-đánh giá cao nỗ lực không mệt mỏi của bà Trần Tố Nga và phản đối quyết định của Tòa đại hình Evry.

IADL nhấn mạnh việc sản xuất chất độc hóa học cho quân đội Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các tập đoàn hóa chất bởi họ tự nguyện tham gia đấu thầu vì lợi nhuận. IADL kiến nghị Tòa phúc thẩm Paris bác bỏ quyết định vô lý của Tòa đại hình Evry, xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố liên quan nhằm đưa ra một phán quyết công bằng để các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được bồi thường thỏa đáng cho những khổ đau mà họ đã và đang phải gánh chịu. "Công lý mà các nạn nhân xứng đáng được hưởng này đã bị trì hoãn quá lâu", IADL khẳng định.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-cuoc-chien-doi-cong-ly-776529