Olympic Paris có cứu được local brand Đài Loan?

Hướng về Thế vận hội Paris với mong muốn vươn tầm quốc tế, song Tuần lễ thời trang Đài Bắc còn gặp khó khi chinh phục thị trường nội địa. Nhiều NTK đã rút khỏi sự kiện này.

Tuần lễ thời trang Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) thu hút sự chú ý với lễ khai mạc đặc biệt, bởi không phải những người mẫu chuyên nghiệp mà các vận động viên Olympic Đài Loan được “chọn mặt gửi vàng” trình diễn các thiết kế mới. Những bộ sưu tập sportswear (trang phục thể thao) với màu sắc sặc sỡ, hình ảnh mang tính biểu tượng gắn liền với Thế vận hội cũng được giới thiệu trong sự kiện này. Đồng phục chính thức của các đội tuyển Đài Loan khi tham gia Thế vận hội mùa hè 2024 do NTK Justin Chou, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Just In XX, thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đài Loan Sue Wang, Tuần lễ thời trang Đài Bắc (Taipei Fashion Week) được thành lập từ năm 2018, giúp quốc gia này thu hút khoảng 35.000 du khách mỗi năm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã kìm hãm sự phát triển của sự kiện này. “Thị trường chính của chúng tôi là châu Á. Tuy nhiên, chúng tôi luôn học hỏi, không ngừng phát triển, nỗ lực đưa Tuần lễ thời trang Đài Bắc tiếp cận công chúng toàn cầu”, Sue Wang nói với Vogue Business.

NTK người Đài Loan Chiahung Su và thương hiệu cùng tên lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng thời trang danh giá LVMH 2023. Tuy nhiên, NTK này lại không trình diễn bộ sưu tập mới tại Tuần lễ thời trang Đài Bắc. Thay vào đó, anh chọn một phòng trưng bày ở Paris xa xôi trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang nam Pháp diễn ra vào tháng 6 sắp tới. “Thị trường trong nước khá khó khăn. Khách hàng Đài Loan chuộng nhãn hàng quốc tế. Vì vậy, tôi cần chứng minh danh tiếng ở nước ngoài rồi quay trở lại quê hương”, anh chỉ ra những thách thức của thị trường Đài Loan.

Quy mô dân số nhỏ của Đài Loan (24 triệu người) cũng là nhược điểm đáng kể so với Hàn Quốc (52 triệu người) và Nhật Bản (123 triệu người). Ngoài ra, quốc gia này cũng dẫn đầu ngành dệt may thế giới, sở hữu nhiều xưởng sản xuất lớn cho các thương hiệu quốc tế như Nike hay Lululemon. Do đó, số lượng xưởng may quy mô nhỏ dành cho các NTK nội địa trở nên khan hiếm. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị thị trường hàng hóa xa xỉ Đài Loan tăng 9%, đạt mức 14,4 tỷ EUR trong năm 2023. Tuy nhiên, phần lớn thị phần bị chiếm lĩnh bởi các nhà mốt cao cấp quốc tế như Chanel, Dior hay Fendi. Các nhãn hàng trong nước chưa tạo ra tầm ảnh hưởng lớn ở phân khúc này, thua trên chính “sân nhà”.

Nhận thấy nhiều NTK rút khỏi Tuần lễ thời trang Đài Bắc vì tác động không đáng kể đến với công chúng mục tiêu, ban tổ chức nỗ lực thu hút sự quan tâm bằng cách mời số lượng lớn ngôi sao và người có sức ảnh hưởng xuất hiện ở hàng ghế đầu.

Do những hạn chế của ngành công nghiệp thời trang với thị trường trong nước, các doanh nghiệp, NTK buộc phải hướng ra nước ngoài, mở rộng quy mô tiếp cận. “Nếu những người làm thời trang Đài Loan chỉ tập trung phục vụ thị trường nội địa, họ sẽ gặp nhiều giới giới hạn. Đó là lý do Tuần lễ thời trang Đài Bắc cần vươn ra toàn cầu”, học giả và giám tuyển thời trang Florence Lu cho biết.

Tuy nhiên, Florence Lu vẫn thể hiện sự lạc quan vào tương lai của thời trang Đài Loan. Việc thu hẹp khoảng cách giữa thương hiệu, NTK nội địa và các nhà máy, xưởng sản xuất lớn là chìa khóa mở ra cách cửa phát triển. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các bên tại Tuần lễ thời trang Đài Bắc cũng đem đến nhiều cơ hội hơn cho lĩnh vực này.

Linh Vũ

Ảnh: Taipei Fashion Week

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/olympic-paris-co-cuu-duoc-local-brand-dai-loan-post1473452.html