Nông sản xuất ngoại đem về cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều HTX ở vùng núi, vùng cao đã tiên phong trong việc đưa sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính. Đây là bước đi quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm và gia tăng nguồn thu nhập cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy, các HTX cũng cần thêm chính sách hỗ trợ về xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến, phát triển thương hiệu…

Năm 2020, lần đầu tiên hơn 5,3 tấn miến dong của HTX Tài Hoan (Bắc Kạn) trị giá gần 15 nghìn USD được đưa lên container, xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Sự kiện này đánh dấu cột mốc mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX Tài Hoan, từ đó các thành viên, người lao động trong HTX cũng có cuộc sống ấm no hơn.

Tiếp cận tới những thị trường khó tính hàng đầu thế giới

Sau gần 3 năm xuất khẩu, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã dần khẳng định được thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Sản lượng trung bình của HTX hiện nay vào khoảng 2 tấn miến thành phẩm mỗi ngày. Bên cạnh phục vụ thị trường trong nước đã xuất đi nhiều quốc gia như Cộng hòa Séc, Australia... sắp tới có thể sẽ tiếp cận thêm thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

Với chất lượng đã được chứng minh, Giám đốc HTX Tài Hoan - bà Nguyễn Thị Hoan rất mong muốn kết nối được nhiều đơn hàng hơn nữa để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Năm 2019, sản phẩm của HTX được công nhận OCOP 4 sao. Đến năm 2021, sản phẩm miến dong Tài Hoan được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia và là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của Bắc Kạn đến thời điểm này.

HTX đạt doanh thu ước đạt hơn 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, HTX Tài Hoan đang có 16 thành viên, đồng thời liên kết với khoảng gần 800 hộ dân sản xuất dong riềng đỏ, chủ yếu là trong huyện Na Rì và một số địa phương lân cận của tỉnh Bắc Kạn. HTX đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra cho sản phẩm bà con, đồng thời nếu giá xuống hoặc khó tiêu thụ thì vẫn được HTX thu mua theo giá cam kết.

Hiện HTX Tài Hoan đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 6,5 triệu đồng/người, cùng hơn 30 lao động thời vụ.

Với những nỗ lực và sự quyết tâm đưa sản phẩm miến dong Bắc Kạn ra thị trường lớn, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan đã nhận được rất nhiều giấy khen, Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Kạn, các sở, ngành và Trung ương.

Nhắc tới những HTX điển hình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đưa nông sản xuất khẩu không thể không đề cập tới sản phẩm rau bò khai của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng, thôn Cao Bằng - Ea Knuếc (Krông Pắc - Đắk Lắk). Đây là địa bàn sinh sống của đa số người đồng bào dân tộc Tày di cư từ Cao Bằng vào những năm 1980. Thời điểm vào Tây Nguyên, cây cà phê là nguồn thu nhập chính của họ.

Đổi đời nhờ trồng rau bò khai

Nhận thấy rau bò khai mang lại thu nhập ổn định, ông Hoàng Văn Hiệu (thôn Cao Bằng) đã đưa cây bò khai từ tỉnh Cao Bằng vào trồng dưới dạng sản xuất hàng hóa tại xã Ea Knuếc… Thấy thu nhập tốt từ cây bò khai, năm 2017, 6 người dân trồng bò khai ở thôn Cao Bằng đã thành lập tổ hợp tác sản xuất rau bò khai. Đến năm 2020, tổ hợp tác kết nạp thêm 7 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 13 và thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng. Đến nay, HTX có 21 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 40ha.

Theo ông Hoàng Văn Hiệu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng, sản lượng rau bò khai sản xuất tùy theo mùa, vào mùa lạnh thì sản lượng sẽ giảm nhưng bù lại giá cả tăng. Hiện nay, mỗi tháng HTX thu hoạch khoảng 2 tấn sản phẩm với giá trung bình 60.000 đồng/kg. “Rau bò khai của HTX được tiêu thụ trên toàn quốc. Đặc biệt, hơn 2 năm nay, HTX đã ký được với đối tác xuất khẩu chính ngạch rau bò khai sang Mỹ với sản lượng mỗi tuần được hơn 2 tạ tùy theo đặt hàng”, Giám đốc HTX dịch vụ Cao Bằng cho biết.

Theo lãnh đạo UBND xã Ea Knuếc, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã đem đến nhiều kỳ vọng cho người dân địa phương, bởi rau bò khai không chỉ là cây trồng có giá trị trên phương diện kinh tế mà là cây trồng mới, được trồng, chăm sóc theo hướng hiện đại và chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ sản phẩm của cây bò khai đều được sử dụng theo hướng gia tăng giá trị là bán rau sạch trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn mà không cần qua trung gian nên bà con được lợi nhiều.

Gia đình ông Triệu Văn Hành (ngụ thôn Cao Bằng) có hơn 1ha đất trồng sầu riêng xen ra bò khai. Ông Hành là một trong những thành viên đầu tiên của HTX trồng thử nghiệm rau bò khai. Hiện nay, mỗi tháng gia đình thu khoảng 15 triệu đồng từ việc bán rau.

Trồng rau bò khai giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Knuếc thoát nghèo.

Trồng rau bò khai giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Knuếc thoát nghèo.

Tương tự, gia đình ông Nông Văn Long chuyển vào thôn Cao Bằng, xã Ea Knuếc từ năm 1985 và có hơn 6 sào đất trước đây trồng cà phê. Tuy nhiên, diện tích cà phê của gia đình già cỗi nên khi thấy mô hình trồng rau bò khai có hiệu quả, ông Long đã phá bỏ cà phê để chuyển đổi sang trồng rau bò khai.

“Việc trồng và chăm sóc rau bò khai đơn giản, nhưng chi phí đầu tư ban đầu cao. Do gia đình trồng ít nên thu nhập hàng tháng chỉ gần 10 triệu đồng. Khi cây bò khai phát triển ổn định, việc chăm sóc dễ hơn thì chỉ cần hội tụ đủ điều kiện che bóng và bón phân hữu cơ 4 lần/năm là có thể thu hoạch đều đặn theo từng đợt 3 - 4 ngày/lần”, ông Long nói.

Chính sách hỗ trợ tạo đòn bẩy đưa nông sản đi xa

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… có tiềm năng sản xuất và xuất khẩu nông sản. Thống kê cho thấy, phần lớn tổng sản lượng sản phẩm nông sản phía Bắc và Tây Nguyên – chủ yếu tiêu dùng tại chỗ; xuất khẩu và bán ra toàn quốc chỉ chiếm hơn 20%.

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy đánh giá, các sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền có tầm ảnh hưởng lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt giá trị được nâng cao thông qua việc công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, phải kể tới các sản phẩm gạo đặc sản, cà phê, tiêu, cao su….

Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là những khu vực vùng núi, vùng cao thường có vị trí địa lý khó khăn nên chi phí vận chuyển xuống đồng bằng hoặc xuất khẩu rất cao, tác động tới khả năng cạnh tranh.

“Sơn La có nhiều loại nông sản đặc trưng, nhưng chưa thể xuất khẩu trực tiếp tại chỗ qua đường hàng không tại địa phương”, ông Thủy nhìn nhận đây là bất cập lớn. Vì vậy, cần hỗ trợ các HTX, người sản xuất là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đầu tư hạ tầng, máy móc, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; cũng như xây dựng thương hiệu.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Phòng Xuất nhập khẩu hàng Nông – Lâm - Thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, sản phẩm hàng hóa cần gắn với chỉ địa lý. Do vậy, để xây dựng được thương hiệu, định vị nông sản cần bắt đầu tư xây dựng từ cấp độ HTX, doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong đó, các HTX cần chủ động đưa ra chiến lược cho sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, quy định của thị trường xuất nhập khẩu. Từ đó, cơ quan quản lý địa phương có cơ sở hỗ trợ phát triển thương hiệu của HTX, doanh nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về phần mình, Bộ Công Thương đang triển khai truyền thông xây dựng thương hiệu, phát triển ngành hàng thực phẩm như ngũ cốc, chè, rau quả, trái cây, tiêu, điều, cà phê… Từ đó, hỗ trợ cho nông sản ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi đến khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu tới nhiều thị trường.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nong-san-xuat-ngoai-dem-ve-cuoc-song-am-no-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-1092909.html