Nỗi lo về sản phẩm bị thu hồi

Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm là mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng…bị thu hồi khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại, trong đó có nhiều sản phẩm đã được sử dụng một thời gian khá dài. Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm, hạn chế tối đa các trường hợp sản phẩm được lưu hành ra thị trường nhưng sau đó phải thu hồi do không đảm bảo chất lượng.

Kem nghệ E 100 và dung dịch rửa tay Green Cross hương tự nhiên là những sản phẩm bị thu hồi -Ảnh: H.N

Sử dụng kem nghệ E 100 dưỡng da đã 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Tú (TP. Đông Hà) khá hài lòng với sản phẩm này. Bởi lẽ giá của loại kem dưỡng da này phù hợp với thu nhập của chị, lại là hàng có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam nên chị rất yên tâm. Tuy không thực sự mang đến sự thay đổi đặc biệt cho làn da nhưng từ ngày dùng kem dưỡng E 100, da mặt chị khá mịn màng và suốt quá trình sử dụng không có bất cứ phản ứng phụ nào. Vì thế, khi đọc được thông tin Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc với sản phẩm kem nghệ - E100 của Công ty TNHH Tân Hà Lan - Halace, chị không khỏi ngạc nhiên.

Theo thông tin chị Tú nắm bắt được, lý do khiến sản phẩm bị thu hồi là do không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm. Chị Tú chia sẻ: Mặc dù quá trình sử dụng không xảy ra bất cứ phản ứng phụ nào và không hiểu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm là gì, ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng sản phẩm nhưng khi đọc được quy định trên, tôi dừng ngay việc sử dụng. Tôi chỉ thắc mắc một điều rằng, sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường đã phải trải qua khâu kiểm định rất chặt chẽ. Vậy mà gần 3 năm sau khi lưu hành rộng rãi mới phát hiện không đảm bảo chất lượng rồi thu hồi thì thật vô lý.

Thực ra không chỉ có kem nghệ E 100 mà thời gian qua, rất nhiều sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc được lưu hành ra thị trường nhưng sau đó bị thu hồi do không đảm bảo chất lượng. Mới đây, vào tháng 5/2022, Cục An toàn thực phẩm có quyết định thu hồi một số sản phẩm được sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Đan Phượng, Hà Nội), bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus; Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo; Stony bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý vì lý do không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo quy định; nội dung ghi nhãn không phù hợp với hồ sơ công bố: không ghi tên cơ sở sản xuất; sai thành phần cấu tạo...

Trước đó, khi COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các thông tin về việc mỳ tôm Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (Acecook) bị thu hồi tại Ireland do liên quan đến chất ethylene oxide cũng khiến người tiêu dùng trong nước hoang mang, lo ngại. Sự việc trên đã tạo một hiệu ứng “domino” từ người tiêu dùng với nhiều ý kiến trái chiều, nhất là khi người tiêu dùng biết ethylene oxide là chất khí có thể gây ung thư, chủ yếu qua đường hô hấp. Ông Nguyễn Kim Thành (TP.Đông Hà) cho biết: Mỳ tôm Hảo Hảo là sản phẩm quen thuộc trong các bữa ăn sáng của gia đình tôi. Tuy nhiên, từ khi nghe thông tin bị thu hồi thì chúng tôi tuyệt đối không sử dụng, cho dù được giải thích là các sản phẩm cùng loại trong nước vẫn đảm bảo an toàn.

Cũng trong mùa dịch, khi mà các mặt hàng sát khuẩn luôn nằm trong danh sách ưu tiên số 1 của người tiêu dùng, thông tin về một số sản phẩm bị thu hồi khiến nhiều người lo lắng. Chị Bích Trâm, thị trấn Hồ Xá cho biết: Tôi thường dùng nước sát khuẩn Green Cross vì mẫu mã nhỏ gọn, tiện lợi. Mặt hàng này được bày bán trong các siêu thị, quầy thuốc nên khi mua tôi rất yên tâm. Có thời điểm dịch phức tạp, tôi trữ hàng chục chai trong nhà để dùng dần. Vậy nhưng không lâu sau đó, tôi đọc được thông tin sản phẩm mình đang dùng bị thu hồi.

Đó là sản phẩm "Dung dịch rửa tay Green Cross hương tự nhiên - 100 ml" do công ty TNHH Green Cross Việt Nam sản xuất, bị thu hồi vì lý do "mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về giới hạn methanol trong sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN". Tuy đơn vị sản xuất cho biết sẽ hoàn tiền để đảm bảo quyền lợi khách hàng nhưng ngại thủ tục rườm rà nên tôi không trả lại mà chỉ vứt bỏ.

Rất nhiều người tiêu dùng đều lựa chọn cách giải quyết như chị Trâm, đó là ngưng sử dụng và vứt bỏ. Rất hiếm người yêu cầu cơ sở sản xuất bồi thường khi có quyết định thu hồi sản phẩm. Mới đây, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo này có nội dung đề xuất khi phát hiện sản phẩm có khuyết tật (bao gồm: Sản phẩm có khuyết tật nhóm A là sản phẩm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; sản phẩm có khuyết tật nhóm B là sản phẩm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng), tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm có khuyết tật trên thị trường.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, lỗi, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 của luật này. Do vậy, người tiêu dùng cần nắm rõ thông tin để được bồi thường trong trường hợp sản phẩm bị thu hồi.

Trên thực tế, việc kiểm tra và các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm được nâng lên rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng mong muốn nhất là cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm và phải làm thường xuyên, từ quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm…Cần hạn chế tối đa việc thu hồi sản phẩm khi đã được lưu hành ra thị trường, nhất là đối với các loại thực phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=168297&title=noi-lo-ve-san-pham-bi-thu-hoi