Nỗi lo khi con học trường 'quốc tế': Khi trường tư gắn mác 'Tây'

Nếu không tìm hiểu kỹ, phụ huynh có thể bị rơi vào 'ma trận' tuyển sinh, chi rất nhiều tiền cho con học những trường gắn mác 'quốc tế'.

Gắn mác "Tây" là hành xử khác kiểu?

Sự việc lùm xùm tại Học sinh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) thời gian gần đây một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận về loại hình trường tư thục nhưng gắn danh quốc tế.

Cách đây vài năm khi sự việc đau lòng xảy ra tại trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) là một cháu bé bị bỏ quên và thiệt mạng trên xe ô tô, người ta mới vỡ lẽ ra hóa ra cái tên rất "Tây" ấy lại là do một công ty của người Việt điều hành. Tại thời điểm đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy đã khẳng định, tại địa bàn quận không có trường quốc tế, danh xưng trường quốc tế là do tự đặt tên, không có cơ quan chức năng nào công nhận. Lúc đó, tại cổng trường Gateway có logo rất "quốc tế" là "Gateway International School" khiến nhiều phụ huynh lạc vào "ma trận". Sau sự cố trường Gateway đã đổi tên thành The Dewey Shools.

The Dewey Shools một thời có tên là Gateway và gắn mác "Gateway International School".

Hay sự việc trường Quốc tế Á Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) tăng học phí và khi phụ huynh phản đối thì họ đã cho học sinh nghỉ học, đẩy sự việc đến những tranh cãi gay gắt và bất đồng giữa các bên liên quan.

Trường Quốc tế Á Châu được giới thiệu chương trình quốc tế được thiết kế theo tiêu chuẩn giáo dục bậc phổ thông của American Education Reaches Out (AERO) và Common Core State Standard - Mỹ.

Giáo trình được soạn thảo và thẩm định bởi Hội đồng Khoa học của trường. Hệ thống trường Tiểu học, THCS - THPT Quốc tế Á Châu trực thuộc Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Á Châu... tuy nhiên trường này không nằm không nằm trong danh sách trường có yếu tố nước ngoài do Sở GD&ĐT TP.HCM công bố.

Một cái tên khác là hệ thống trường Quốc tế Tây Úc (WASS): Được thành lập từ năm 2010, đây là một trong 8 trường/trung tâm đào tạo của Tập đoàn Phát triển Giáo dục Quốc tế Đông Dương (IED Group), đào tạo liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Trường này cũng không nằm trong danh sách trường có yếu tố nước ngoài do Sở GD&ĐT TP.HCM công bố. Đồng thời, trường WASS cũng đã có lùm xùm khi dừng tiếp nhận học sinh khi phụ huynh phản đối học tăng học phí.

Gần nhất là Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), sau lùm xùm về việc quản lý tài chính dẫn đến học sinh phải chuyển trường. Chủ thực sự của trường là bà Nguyễn Thị Út Em.

Theo thông tin công bố trên website của trường, bà Nguyễn Thị Út Em hiện đang là Chủ tịch HĐQT và người đại diện của nhiều đơn vị như: Công ty CP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, Công ty CP Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ, Công ty CP Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ, Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế, Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ.

Ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu trường gắn mác "Tây" nhưng thực chất do các doanh nghiệp nội địa lập ra và điều hành? Cho tới nay chưa có một cơ quan nào công khai tất cả những thông tin này để hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh, trong khi tư vấn tuyển sinh từ những trường này như một ma trận khiến phụ huynh lầm tưởng đó là chương trình quốc tế được đầu tư phát triển bởi các tổ chức giáo dục có uy tín lâu năm trên thế giới..

Phụ huynh giăng biểu ngữ phản đối chủ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. Ảnh: PHCC

Ngoài ra, dư luận cũng vô cùng lo lắng vì các trường gắn mác quốc tế tuyển dụng giáo viên ra sao, liệu có tình trạng "Tây Ba lô" không, bằng cấp thế nào, cơ quan nào thẩm định trình độ và bằng cấp của những giáo viên này? Chế độ ăn uống có thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không? Công tác đưa đón học sinh theo quy trình nào, có thật sự an toàn không, bởi vì trong quá khứ đã có những sự cố với học sinh trên xe đưa đón, trong đó vụ việc xảy ra tại xe của trường Gateway năm 2019 (nay đổi tên thành The Dewey Shools) khiến cháu bé thiệt mạng là một thí dụ điển hình.

Gần đây vào tháng 6/2023, một học sinh lớp 1 Trường tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên xe ô tô. Sau chuyến tham quan, xe quay trở về trường vào buổi trưa, giáo viên đã không điểm danh dẫn tới bỏ sót một học sinh đang ngủ và sau 30 phút thì sự việc mới được phát hiện, học sinh được đưa trở lại trường và rất may là không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Archimedes từng bị bỏ quên trên xe ô tô, may mắn là chưa có sự cố lớn xảy ra.

Nhìn nhận một cách công bằng thì việc thu hút nguồn lực đầu tư vào giáo dục đã và đang mở ra những cơ hội cho học sinh tỏng nước tiếp cận với mô hình giáo dục phát triển. Chất lượng giáo dục từ những chương trình này giúp người học có nhiều sự lựa chọn và giảm tải cho áp lực trường công. Tuy nhiên, trường tư thục có yếu tố nước ngoài nếu không được quản lý chặt trẽ sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy.

Về học phí, theo khảo sát, các trường gắn mác “quốc tế” thường thu ở mức rất đắt đỏ so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam, phổ biến là trên 300 triệu đồng mỗi năm, cao nhất có thể lên tới gần 900 triệu đồng/năm.

Mặc dù chi phí vô cùng đắt đỏ, nhưng không phải cứ trường gắn mác "quốc tế" là tốt và thực tế cho thấy hàng loạt vấn đề đau đầu đã xảy ra với học sinh và phụ huynh.

Theo ý kiến của một đại diện từ Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay tại Việt Nam chỉ có 3 loại hình trường học là trường công lập, trường tư thục và trường dân lập, nghĩa là luật không có quy định cụ thể về loại hình trường quốc tế.

Nếu nói về khái niệm của trường quốc tế, trên thế giới, thường sử dụng khi một trường học được công nhận có cơ sở ở nhiều quốc gia, thường sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh để đào tạo và tuân thủ các chương trình quốc tế được nhiều quốc gia công nhận, bao gồm cả chương trình phổ thông và có thể thi tuyển vào các trường đại học quốc tế.

Theo thống kê, hiện nay không ít cơ sở giáo dục tư nhân đầu tư và tự nhận là "quốc tế" ở Việt Nam, nhưng thực tế về nguồn gốc và hoạt động của họ rất đa dạng và chất lượng cũng không đồng đều.

Trước đây một số trường quốc tế được thành lập bởi các đại sứ quán của một số quốc gia mở ra ở Việt Nam để học sinh con của công dân nước họ đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam.

Sau đó, xuất hiện nhiều trường được gọi là quốc tế theo cách tương tự, nhưng không phải do đại sứ quán mở ra mà từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, do các cá nhân và tổ chức tư nhân lập ra. Khi đó, các trường này thường nhập khẩu các chương trình giảng dạy nước ngoài và học sinh thường đa quốc tịch. Hầu như rất ít học sinh Việt Nam được nhận vào các trường này, vì họ bị hạn chế theo quy định về tỷ lệ, thường chỉ dưới 10%.

Đáng chú ý là sự xuất hiện nhiều trường tự nhận là "quốc tế", nhưng thực tế là các trường tư thục do doanh nghiệp đầu tư. Các trường này được một số chuyên gia giáo dục cho rằng có các yếu tố nước ngoài. Họ sử dụng một phần chương trình nước ngoài, có giáo viên thuê từ nước ngoài, và một số trường cũng thuê các tổ chức giáo dục quốc tế để kiểm định (bao gồm cả các tổ chức uy tín và không ít tổ chức theo kiểu thương mại dán nhãn và bán tên).

Tuy gọi là "quốc tế", nhưng các trường này có chất lượng rất khác nhau. Điểm chung thường là họ tạo ra cơ sở vật chất có vẻ vượt trội hơn so với các loại hình trường công, hoặc trường tư thục, dân lập loại trung bình, rồi thu tiền học phí và các loại phí khác ở mức cao. Việc các trường tư thục có yếu tố nước ngoài này hoạt động như thế nào phụ huynh rất khó biết, vì vậy không ít gia đình vỡ mộng khi đưa con vào trường tư có mác quốc tế.

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chuyên gia, diễn giả độc lập về giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng: “Việc trường tư bị phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra, vì các trường tư ở Việt Nam hoạt động theo mô hình một doanh nghiệp. Đại đa số các trường này đều hoạt động vì lợi nhuận, không có nguồn bảo trợ tài chính nào khác ngoài học phí của phụ huynh đóng góp. Theo tôi được biết, hiện có một số trường gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng tới mức có thể phá sản, và cơ quan quản lý giáo dục địa phương cũng đã phải can thiệp để phụ huynh có thể tìm hiểu các trường học khác có chương trình tương đương, đồng thời trường học phải cam kết tái cấu trúc quản trị và tài chính của trường sớm để ổn định việc học của học sinh.”

Học trường tư gắn mác Tây để rộng đường du học?

Một số người được hỏi đã cho rằng việc họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để con của họ học trường quốc tế sẽ có cơ hội du học ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, châu Âu... Tuy nhiên, việc này không hoàn toàn chính xác. Theo tìm hiểu từ các chuyên gia làm công tác du học, sau khi học trường quốc tế, học sinh vẫn phải đối mặt với quy trình du học khá phức tạp. Họ phải thi đủ mọi tiêu chí và chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ theo tiêu chuẩn của từng quốc gia để có thể nộp đơn xin học. Bằng cấp và bảng điểm từ các trường "quốc tế" này thường không được đánh giá cao hơn so với các trường phổ thông ở Việt Nam.

Để được chấp nhận vào các trường đại học ở các quốc gia phát triển, học sinh cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và thi đấu cạnh tranh với các ứng viên từ nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, việc học ở trường "quốc tế" không tự động đảm bảo cho con em có cơ hội du học một cách dễ dàng ở các quốc gia nổi tiếng, ngay cả khi cho các con của họ học các các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT, AP, ACT, Cambridge…

Không có gì đảm bảo học trường gắn mác quốc tế sẽ ưu tiên được đi du học. Ảnh minh hoa: Vietglobal

Trong một số trường hợp, học sinh ở trường quốc tế có thể có những cơ hội tiếp cận với các chương trình và phương pháp giảng dạy đa dạng hơn, học tập tại nơi được đầu tư cơ sở vật chất tốt. Điều này có thể giúp phát triển kỹ năng giao tiếp, sáng tạo và khám phá, các yếu tố quan trọng trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa.

Một quan điểm phổ biến là khi học trường quốc tế, con em sẽ học rất giỏi, tuy nhiên thực tế không phản ánh hoàn toàn quan điểm này. Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, để đạt được kết quả tốt thì không chỉ phụ thuộc vào môi trường học tập, mà còn phụ thuộc vào sự nỗ lực và cam kết của từng học sinh.

"Con có một môi trường tốt là điều kiện phát huy năng lực bản thân, nhưng nếu học sinh không ngừng nỗ lực vươn lên thì rất khó thành công. Thực tế cho thấy nhiều học sinh tại những trường phổ thông công lập đã và đang đạt được nhiều kết quả ấn tượng cả trong học tập và nghiên cứu khoa học. Điều quan trọng là bố mẹ cần phải xem xét kỹ lưỡng về môi trường học tập phù hợp nhất cho con em mình, không nhất thiết phải là trường quốc tế.

Điều này bao gồm việc xem xét mặt bằng học lực, phương pháp giảng dạy, sự phát triển toàn diện… Có cháu thích học vẽ thì không thể cứ bắt cháu phải học giỏi toán hay vật lý được", Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Trong thực tế, ở rất nhiều trường "quốc tế", học sinh chủ yếu là con của các gia đình có điều kiện kinh tế, nên học lực của họ rất đa dạng và không thể so sánh với trường chuyên công lập hoặc các trường công lập nhóm trên.

Nhìn vào danh sách thủ khoa đại học, cao học trong nước, hay là danh sách học sinh giỏi quốc gia - quốc tế, nhiều cuộc thi trí tuệ… hay danh sách học sinh nhận học bổng du học toàn phần, chúng ta sẽ thấy chủ yếu là các bạn đến từ trường chuyên, trường công lập nhóm trên, còn trường gắn "quốc tế" vô cùng ít ỏi. Vì vậy, phụ huynh cần phải nắm được đầy đủ thông tin để đánh giá và lựa chọn trường phù hợp với con em mình, tránh mắc sai lầm dẫn đến "tiền mất, tật mang".

Chiều 28/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục tích hợp, liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nếu có.

Bộ cũng yêu cầu các Sở tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, lưu ý cha mẹ học sinh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng về những lợi ích khi tham gia góp vốn đầu tư cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các cơ chế, hình thức đó.

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/noi-lo-cho-con-hoc-truong-quoc-te-khi-truong-tu-gan-mac-tay-d4165.html