Nỗi 'ám ảnh' bán tài sản để trả nợ của doanh nghiệp địa ốc chưa dứt

Danh sách doanh nghiệp bất động sản phải bán dự án để trả nợ tiếp tục nối dài, với những tên tuổi đình đám, cho thấy khó khăn vẫn bủa vây thị trường địa ốc. Điều này khiến chuyên gia lo ngại quá trình hồi phục của lĩnh vực nhà đất có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Quyết định bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ của ông Đoàn Nguyên Đức có lẽ là một trong những sự kiện gây chú ý nhất thị trường bất động sản những ngày đầu tháng 10/2023. Hoạt động từ năm 2005, khách sạn này nằm ngay quảng trường Phù Đổng (Pleiku), công suất 117 phòng.

Quẩn quanh bán tài sản

Dù chưa công bố rõ giá bán khách sạn, nhưng tại cuộc họp gần đây, bầu Đức đã chia sẻ kế hoạch trả nợ ở ngân hàng BIDV, trong đó có khoảng 500 tỷ đồng từ việc bán tài sản không sinh lời.

"Toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai sẽ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ trái phiếu Hoàng Anh Gia Lai 2016 của công ty tại BIDV", bầu Đức thay mặt doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch sử dụng nguồn tiền tại hội nghị nhà đầu tư vừa diễn ra.

Quyết định trên được nhiều người lý luận rằng vì bầu Đức không còn “mặn mà” với bất động sản, đồng thời quyết tâm xóa sạch khoản nợ hơn 5.200 tỷ đồng tại BIDV trong năm 2023. Tuy nhiên, việc một “ông lớn” phải bán tài sản để trả nợ rõ ràng cho thấy những khó khăn hiện hữu.

Khó khăn vẫn đang bủa vây khiến nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản trả nợ (Ảnh minh họa: Phạm Hòa)

Khó khăn vẫn đang bủa vây khiến nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản trả nợ (Ảnh minh họa: Phạm Hòa)

Đáng chú ý, chỉ ít giờ sau khi thông tin bầu Đức bán khách sạn bung ra, Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (LDG Investment; mã chứng khoán: LDG) cũng thông qua chủ trương tái cơ cấu tài sản, dự án để trả nợ trái phiếu, ngân hàng, đảm bảo dòng tiền phát triển dự án.

Cụ thể, LDG sẽ chuyển nhượng 2 dự án tầm cỡ nghìn tỷ đồng, gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà và Khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương do LDG làm chủ đầu tư.

Được biết, dự án khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà có tên thương mại LDG Grand Miền Trung, tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. Năm 2019, LDG nhận chuyển nhượng 99,9% cổ phần tại CTCP Hải Duy (chủ cũ dự án). Đến 30/6, LDG ghi nhận khoản phải thu dài hạn tại Hải Duy gần 1.340 tỷ đồng.

Còn khu chung cư lô C1 tại phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương là một phần của dự án Sky Đông Sài Gòn. Được biết, dự án có quy mô 1,8 ha, vốn đầu tư dự kiến 3.400 tỷ đồng, gồm 5 Khối căn hộ cao cấp, cung ứng cho thị trường hơn 1.700 sản phẩm.

Khó khăn vẫn bủa vây

Có thể thấy, danh sách các doanh nghiệp bất động sản phải bán dự án để trả nợ đang ngày một dài ra trong thời gian qua. Ngay cả các “ông lớn” như Novaland, Phát Đạt, Khang Điền... trước đó cũng buộc phải thanh lý tài sản hoặc tái cơ cấu cổ đông để có vốn xoay xở, tránh khủng hoảng kéo dài.

Gần nhất, Hải Phát Invest (HPX) quyết định bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang nắm tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang, giá trị hơn 176 tỷ đồng, tương ứng 78% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, có một thực tế dễ thấy là hầu hết dự án bán ra lúc này đều bị ép giá. Như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai, chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2023 rằng, công ty sẽ phải tính toán dòng tiền nghìn tỷ để trả nợ đối tác.

Để xử lý nợ, doanh nghiệp này dự kiến sẽ bán dự án thủy điện ở Gia Lai. “May còn có thủy điện để bán, chứ vốn chôn hết vào bất động sản thì giờ làm sao có tiền trả nợ”, bà Loan bày tỏ, đồng thời thừa nhận lý do tính toán bán dự án thủy điện vì không bị mất giá, còn bán bất động sản thì sẽ mất rất nhiều.

Các thông tin về việc doanh nghiệp phải bán dự án để trả nợ hay có tiền để hoạt động liên tục dai dẳng trong thời gian qua cho thấy khó khăn vẫn bủa vây thị trường địa ốc. Điều này khiến không ít chuyên gia lo ngại quá trình hồi phục của lĩnh vực nhà đất có thể khó khăn và mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, từng ví von thị trường bất động sản hiện như đang trong cơn bão, doanh nghiệp càng lớn thì càng chịu nhiều áp lực, như cây to thì phải hứng gió lớn hơn.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp địa ốc hiện tại, theo ông Tuyển, là dòng tiền mặt. Dù không bị siết, nhưng tín dụng ngân hàng vẫn chịu nhiều điều kiện "khó như leo cột mỡ”, áp lực lãi suất vẫn chưa thực sự được giải tỏa, buộc các chủ đầu tư phải xoay xở theo nhiều hướng khác.

Không thể phủ nhận sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các địa phương đã giúp các doanh nghiệp địa ốc tránh được “một bàn thua trông thấy”, từ đó tạo đà hồi phục cho thị trường chung.

Tuy nhiên, những diễn biến từ thực tế chứng minh các đơn vị trong ngành vẫn đang tiếp tục “ngấm đòn” khủng hoảng. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các chính sách gỡ vướng cần triển khai nhanh, mạnh hơn để tránh làm đứt đà hồi phục, trong bối cảnh thị trường vẫn rất yếu.

“Thị trường đang giống một ván cờ, chỉ cần một phút lơ là sẽ khiến cho cục diện sụp đổ. Chính bởi vậy, lĩnh vực bất động sản Việt Nam rất cần sự tiếp tục kiên trì và quyết liệt hơn nữa từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành cho đến khi doanh nghiệp có thể tự đứng vững”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/noi-apos-am-anh-apos-ban-tai-san-de-tra-no-cua-doanh-nghiep-dia-oc-chua-dut-1095745.html