Nỗ lực giúp các nước đang phát triển tránh khủng hoảng nợ

Hội nghị thường niên của WB và IMF vào tuần tới mở ra hy vọng giúp các quốc gia đang phát triển vượt qua khủng hoảng nợ.

Từ ngày 9 đến 15-10, chuỗi hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và với sự tham gia của các thống đốc ngân hàng trung ương, bộ trưởng Bộ Tài chính, nghị sĩ, giám đốc điều hành các công ty tư nhân... sẽ diễn ra tại TP Marrakech (Maroc) nhằm thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội mà thế giới quan tâm.

Bên cạnh việc thảo luận các vấn đề như triển vọng kinh tế thế giới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và hiệu quả viện trợ, một trong những ưu tiên của các cuộc họp này là làm thế nào để giúp các quốc gia đang phát triển thoát khỏi khủng hoảng nợ. Những năm gần đây, lãi suất cao, tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư tăng và hoạt động vay mượn tăng nhanh đã khiến các nước này rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, theo hãng tin Reuters.

Tình hình nợ của các nước

Reuters đã liệt kê một số quốc gia đang phát triển có nguy cơ dính vào khủng hoảng nợ, trong đó có các nước ở châu Phi, châu Á và cả châu Âu. Tại châu Á, quốc gia Nam Á Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5-2022 và nợ nước này đã lên tới khoảng 126 tỉ USD vào cuối năm 2022. Cuối tháng 6, Sri Lanka đã công bố kế hoạch xử lý nợ và đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, đợt cứu trợ tiếp theo trong gói 2,9 tỉ USD của IMF dành cho nước này sẽ bị trì hoãn do thiếu hụt nguồn thu ngân sách.

Nền kinh tế thế giới đã cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý. Nửa đầu năm 2023, kinh tế thế giới đã có một số tín hiệu lạc quan, phần lớn là do nhu cầu dịch vụ tăng cao hơn mong đợi và những tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) KRISTALINA GEORGIEVA

Cũng ở Nam Á, Pakistan cần tới 22 tỉ USD để trả nợ nước ngoài và thanh toán các hóa đơn cho năm tài chính 2024. Hiện tại lạm phát và lãi suất nước này ở mức cao kỷ lục, đi kèm với những thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử năm 2022. Hồi tháng 6, IMF đã thông qua gói cứu trợ 3 tỉ USD cho Pakistan. Tuy nhiên, giới quan sát tiếp tục hoài nghi về sức chống chịu của nền kinh tế Pakistan nếu thiếu đi các khoản hỗ trợ lớn.

Ở châu Phi, một số nước nợ nhiều bao gồm Ai Cập, Kenya, Ethiopia, Ghana, Tunisia và Zambia. Trong đó, đáng chú ý là nền kinh tế lớn nhất Bắc Phi - Ai Cập, cần phải trả khoản nợ gần 100 tỉ USD bằng ngoại tệ mạnh trong vòng năm năm tới. Chính quyền Cairo hiện dành hơn 40% nguồn thu ngân sách để trả lãi trong bối cảnh nhu cầu năm tài chính năm 2023-2024 ở mức 24 tỉ USD. Hiện Ai Cập cũng đang được hỗ trợ khoản vay trị giá 3 tỉ USD từ IMF.

Ở quốc gia Tây Phi Kenya, nợ công đã chạm mức 67,4% GDP vào cuối năm 2022. Mặc dù chính quyền nước này đã điều tiết chi tiêu và đề xuất nhiều đợt tăng thuế nhằm ổn định kinh tế nhưng giá dầu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát, khiến đồng nội tệ mất giá 16% so với đồng USD. Trong bối cảnh phải hoàn trả lô trái phiếu châu Âu trị giá 2 tỉ USD vào năm tới, nước này đang đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Thế giới (WB) để được hỗ trợ ngân sách.

Tại châu Âu, Ukraine đã dừng việc thanh toán các khoản nợ sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Đầu năm tới, nhiều khả năng Kiev sẽ cố gắng gia hạn những khoản nợ này hoặc tìm kiếm giải pháp thay thế. Các tổ chức hàng đầu thế giới ước tính chi phí tái thiết Ukraine hậu chiến tranh ít nhất là 1.000 tỉ euro, trong đó IMF nhận định Ukraine cần khoảng 3-4 tỉ USD mỗi tháng để duy trì hoạt động.

Mua bán rau ở một khu chợ tại Sri Lanka, một trong những quốc gia đang trong tình trạng vỡ nợ. Ảnh: REUTERS

Nhiều nỗ lực hỗ trợ các nước nợ nần

Trước thềm cuộc họp thường niên, trong bài phát biểu vào hôm 5-10, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết IMF đã nỗ lực hỗ trợ các nước gặp vấn đề về nợ. Kể từ đại dịch, IMF đã cung cấp các khoản vay khoảng 320 tỉ USD cho 96 quốc gia và tăng gấp năm lần nguồn tài trợ không lãi suất cho 56 quốc gia có thu nhập thấp thông qua Quỹ Tín thác tăng trưởng và giảm nghèo.

Cạnh đó, hồi tháng 2 năm nay, IMF đã cùng Ấn Độ - chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) và WB khởi xướng hội nghị bàn tròn về nợ quốc gia trên toàn cầu. Hội nghị với sự tham gia của các chủ nợ công, tư nhân và các quốc gia mắc nợ, nhằm xây dựng sự hiểu biết chung giữa các bên liên quan đến tái cơ cấu nợ, giải quyết vướng mắc trong tái cơ cấu nợ...

Tuy nhiên, khả năng cho vay của IMF đã giảm đi trong vài thập niên qua khi thị trường tài chính mở rộng và nhu cầu vay tăng lên, theo bà Georgieva. Do đó, để củng cố IMF - trung tâm mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, bà kêu gọi các nước thành viên tăng cường nguồn lực hạn ngạch của IMF.

“Chúng tôi đang khuyến khích các thành viên mạnh hơn của IMF tham gia cung cấp nhiều tài chính hơn cho Quỹ Tín thác tăng trưởng và giảm nghèo, cũng như Quỹ Tín thác phục hồi và bền vững để đảm bảo hỗ trợ các thành viên dễ bị tổn thương” - bà Georgieva phát biểu.•

Phục hồi kinh tế chậm và không đồng đều

Giám đốc IMF Georgieva cho rằng mặc dù quá trình phục hồi kinh tế sau những cú sốc trong vài năm qua vẫn tiếp diễn nhưng quá trình này diễn ra chậm và không đồng đều. Theo dự đoán của IMF, tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện tại vẫn khá yếu, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trong hai thập niên trước đại dịch. Trong trung hạn, triển vọng tăng trưởng còn yếu hơn nữa.

Bà Georgieva đánh giá rằng có sự khác nhau về động lực tăng trưởng ở các khu vực. Động lực mạnh mẽ hơn đến từ Mỹ, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi khác. Trong khi đó, hầu hết các nền kinh tế tiên tiến đang tăng trưởng chậm lại và ở Trung Quốc thì hoạt động kinh tế thấp hơn kỳ vọng. Sự phân mảnh kinh tế có nguy cơ làm suy yếu hơn nữa triển vọng tăng trưởng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, giám đốc IMF đánh giá.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/no-luc-giup-cac-nuoc-dang-phat-trien-tranh-khung-hoang-no-post755236.html