Nỗ lực chống nỗi cô đơn ở Nhật Bản

Trước tỷ lệ tự tử tăng cao giữa Covid-19, chính phủ Nhật Bản đang gấp rút đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn nạn cô độc cố hữu trong xã hội.

Ngày 12/2, chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga chính thức bổ nhiệm Tetsushi Sakamoto làm Bộ trưởng Cô đơn với hy vọng đẩy lùi nạn tự tử tại xứ hoa anh đào.

Vài ngày sau, Văn phòng Nội các tiếp tục thành lập lực lượng đặc biệt nhằm giải quyết các vấn đề liên quan như tình trạng nghèo đói, thất nghiệp hay "lối sống ăn bám" hikikomori.

Quyết định trên được cho là học tập từ chính phủ Anh - quốc gia đầu tiên đưa ra sáng kiến thành lập Bộ Cô đơn năm 2018, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới tình trạng sống đơn độc của hơn 1/10 dân số.

Bộ trưởng Cô đơn Tetsushi Sakamoto (người thứ 2 bên trái) được kỳ vọng giải quyết vấn nạn cô đơn của người dân Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News.

Theo Japan Times, mối quan tâm đến vấn nạn cô đơn được các nhà lập pháp Nhật Bản đặc biệt quan tâm gần đây do tỷ lệ tự sát tăng cao lần đầu sau 11 năm.

Số liệu sơ bộ do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia ghi nhận 20.919 trường hợp tự tử năm 2020, tăng 750 người so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, tỷ lệ nạn nhân là nữ giới có dấu hiệu tăng mạnh 14,5%.

Song, trong cuộc họp với Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Thủ tướng Suga khẳng định đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý giữa Covid-19 còn đông đảo và phức tạp hơn thế.

Nạn nhân không phân biệt về lứa tuổi, vùng miền hay địa vị xã hội. Họ có thể là người già một mình "mắc kẹt" trong 4 bức tường khi ở nhà tránh dịch, hay sinh viên bất lực trước tương lai việc làm bất định...

"Có rất nhiều yếu tố dẫn đến cảm giác cô đơn cần được giải quyết", ông Suga khẳng định.

Dễ nhầm với lối sống tự thân

Japan Times nhấn mạnh rằng trong tiếng Nhật, "kodoku" là thuật ngữ chỉ chung cho cảm giác cô đơn và lối sống tự thân - thực hiện các hoạt động ăn uống, mua sắm, du lịch... một mình.

Do đó, không ít tác phẩm văn học từng tích cực hóa, thậm chí tôn vinh tâm lý lạc lõng, tách biệt với xã hội, coi đó như biểu hiện của lối sống độc lập, tự chủ. Điển hình là cuốn Gokujo no Kodoku (Nỗi cô đơn thượng lưu) do Akiko Shimoju sáng tác.

Lối sống tự thân - một mình ăn uống, mua sắm hay đi du lịch - khác với việc bị tách biệt khỏi xã hội. Ảnh: Japan Times.

Theo chuyên gia truyền thông Junko Okamoto, điều này khiến nhiều người lầm tưởng và bỏ mặc cảm xúc tiêu cực có thực.

Vì thế, chính phủ Nhật Bản cần phân biệt rõ giữa những người thực sự cần được giúp đỡ và các cá nhân theo đuổi lối sống một mình.

Thế hệ bị tẩy não

Bên cạnh phụ nữ, người già và nam giới trung niên cũng đang trở thành nhóm đối tượng có nguy cơ gặp vấn đề cô đơn, thậm chí có khả năng tự sát cao.

Năm 2015, một khảo sát quốc tế do Văn phòng Nội các thực hiện cho thấy xứ hoa anh đào có tỷ lệ người trên 60 tuổi cảm thấy "không có người nương tựa" cao nhất, chạm mức 16,1%. Con số này ở Mỹ là 13%, Thụy Điển là 10,8% và Đức là 5,8%.

Mặt khác, Nhật Bản nổi tiếng với hiện tượng kodokushi - cái chết cô độc của những người sống một mình, đột nhiên biến mất và chỉ được phát hiện rất lâu sau khi qua đời.

Ngoài ra, nghiên cứu do OECD thực hiện năm 2005 cũng chỉ ra người Nhật phải vật lột với mức độ cô lập xã hội cao, đặc biệt đối với đàn ông.

Nam giới làm văn phòng tại Nhật được xếp vào nhóm "có nguy cơ cô đơn, bị tách biệt xã hội" cao. Ảnh: Jai Online.

17% nam giới nước này "hiếm khi hoặc không bao giờ dành thời gian cho bạn bè, đồng nghiệp hoặc các mối quan hệ xã hội". Đây là mức cao hơn gấp đôi so với trung bình các nước thuộc khối OECD.

Do văn hóa làm việc hà khắc, các nhân viên văn phòng Nhật Bản, nhất là nam giới, buộc phải gác lại những thú vui cá nhân để cống hiến cho công việc.

"Một thế hệ bị tẩy não để làm việc không ngừng nghỉ. Họ lấy chức vụ làm nguồn vui, quá bận rộn cho các sở thích cá nhân hay mối quan hệ xã hội ngoài công việc", Junko Okamoto viết trong cuốn sách Sekaiichi Kodoku na Nihon no Ojisan (Đàn ông trung niên Nhật Bản - Những người cô đơn nhất thế giới).

"Nhà chỉ là nơi để ngủ"

Ngày nay, xu hướng không kết hôn, sinh con hay kết hôn muộn khiến tỷ lệ người độc thân ở Nhật Bản tăng cao. Ngoài ra, người dân nước này cũng hiếm khi giao tiếp với cộng đồng tại nơi sống.

Người Nhật hiếm khi trò chuyện, giao tiếp với hàng xóm. Ảnh: Maika Elan.

Năm 2018, khảo sát do công ty quảng cáo bất động sản Lifull Co. thực hiện cho thấy 75,5% người tham gia không bao giờ hay rất ít khi nói chuyện với hàng xóm.

"Trước đại dịch, một người Nhật độc thân sẽ sinh hoạt như sau: làm việc từ sáng tới tối, đi uống rượu hoặc ăn tối với đồng nghiệp, bạn bè sau giờ làm và trở về nhà. Họ chỉ ghé qua tiệm tạp hóa mua đồ và chẳng nói chuyện với ai", Manjo Shimahara - đại diện từ Lifull - kể.

Anh khẳng định: "Đối với họ, nhà chỉ là nơi để ngủ sau một ngày làm việc".

Tuy nhiên, khoảng thời gian giãn cách xã hội tại nhà khiến họ nhận ra bản thân cô đơn tới mức nào. Không đồng nghiệp, không bạn bè, không xóm giềng, cuộc sống của họ chỉ bó hẹp giữa 4 bức tường.

"Khi dịch Covid-19 ập tới, nhiều người độc thân buộc phải sinh hoạt một mình, không có người bầu bạn hay chia sẻ, không có thú vui nào để giải tỏa tâm trạng", Shimahara nói.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/no-luc-chong-noi-co-don-o-nhat-ban-post1186118.html