Những sự thật thú vị về món mỳ ăn liền trên thế giới

Khi mỳ ăn liền lần đầu tiên xuất hiện tại các cửa hàng tạp hóa của Nhật Bản, chúng có giá đắt gấp 6 lần so với mỳ tươi, tuy nhiên, ngày nay, món ăn này lại trở thành loại thực phẩm có giá rẻ.

Khởi đầu là một sản phẩm cao cấp, rồi dần trở thành một mặt hàng giá rẻ chủ lực trong mọi nhà bếp ở châu Á, mỳ ăn liền hiện đã được tiêu thụ trên toàn thế giới.

Rất nhiều yếu tố kinh tế, xã hội hay chính trị đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của loại mỳ này.

Mì ăn liền từng được coi là mặt hàng xa xỉ tại các cửa hàng tạp hóa

Khi mỳ ăn liền lần đầu tiên xuất hiện tại các cửa hàng tạp hóa của Nhật Bản, chúng có giá đắt gấp 6 lần so với mỳ tươi.

Tuy nhiên, ngày nay, món ăn này lại trở thành loại thực phẩm bình dân đặc trưng ở các cửa hàng tạp hóa. Một gói mỳ ăn liền thường có giá khoảng 0,25 USD trong các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ.

Trung Quốc ăn mỳ ăn liền nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác

Theo Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới, người dân Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã ăn tổng cộng 40 tỷ suất mỳ ăn liền trong năm 2019. Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 103 tỷ suất mỳ ăn liền được tiêu thụ trên toàn thế giới.

Indonesia là quốc gia đứng thứ hai về tiêu thụ mì ăn liền. Năm 2019, người dân Indonesia đã ăn hơn 12 tỷ khẩu phần mỳ.

Trong khi đó, Mỹ đứng thứ 6 thế giới về tiêu thụ loại mỳ này, với trung bình 4 tỷ khẩu phần mỗi năm.

Mì Cung Đình - thương hiệu mì ăn liền Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Mỳ ăn liền Top Ramen đến Mỹ vào năm 1970

Momofuku Ando, cha đẻ của mỳ ăn liền, cũng như chủ sở hữu và là người sáng lập công ty Nissin nổi tiếng tại Nhật Bản năm 1958, đã tìm cách đưa món mỳ ăn liền nổi tiếng của mình đến Mỹ vào năm 1970.

Tuy nhiên, ông nhận ra rằng nhiều người Mỹ không sở hữu loại bát to chuyên ăn mỳ truyền thống mà người dân các nước châu Á hay sử dụng. Từ đó, ông bắt đầu tìm cách chế tạo ra loại hộp đựng cho sản phẩm của mình.

Năm 1971, Nissin Foods giới thiệu sản phẩm Cup Noodles đựng trong cốc bằng xốp, và, món ăn này đã trở nên cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới.

Năm 1972, Nissin bắt đầu sản xuất Top Ramen tại Mỹ, đến năm 1973 Cup Noodles cũng được sản xuất một phần tại Mỹ và phân phối cho các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ.

Mỳ ăn liền thậm chí còn được đưa vào vũ trụ

Được chế tạo đặc biệt cho phi hành gia người Nhật Bản Soichi Noguchi, mỳ ăn liền không gian đầu tiên được Nissin phát minh vào tháng 7/2005.

"Tôi đã nhận ra ước mơ của mình là có thể đưa mỳ ăn liền vào vũ trụ," Ando cho biết trong thông báo được đăng trên The New York Times.

Nền kinh tế mỳ ăn liền trong nhà tù

Mỳ ăn liền đã được các tù nhân sử dụng như một loại tiền tệ trong hệ thống nhà tù của Mỹ.

Theo một báo cáo của NPR và Michael Gibson-Light, một ứng viên tiến sỹ tại Trường Đại học Arizona, một số tù nhân Mỹ đã bắt đầu sử dụng mỳ ăn liền làm "tiền tệ," gọi chúng là "súp."

Mỳ ăn liền được các tù nhân sử dụng để thuê các tù nhân khác làm những việc như dọn dẹp giường tầng của họ, giặt giũ, hoặc ăn trộm trái cây hoặc rau tươi, vốn được coi là "mặt hàng chợ đen" từ nhà bếp.

“Có toàn bộ nền kinh tế phi chính thức dựa trên mỳ,” Gibson-Light nói. "Như một tù nhân đã nói với tôi: 'Bạn có thể biết một người đàn ông làm việc (về mặt tài chính) tốt như thế nào bằng cách anh ta có bao nhiêu súp trong tủ của mình.'Hai mươi gói súp? Ồ, anh chàng đó làm tốt lắm!'."

Mì ăn liển sản xuất tại Việt Nam chất đầy các kệ hàng tại một cửa hàng thực phẩm ở thủ đô Tokyo. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Một số cách để "nâng tầm" món mỳ ăn liền

Trong khi nhiều người tiêu dùng thích ăn Top Ramen hoặc Cup Noodles, thì cũng có khá nhiều cách để biến món mỳ ăn liền thành một bữa ăn chất lượng như của nhà hàng.

Mỳ thường được nấu cùng hành lá, nước tương, hạt mè, bơ và Sriracha. Các đầu bếp cũng khuyên bạn nên thêm trứng, thịt xông khói, phomai vào mỳ.

Phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20

Theo một cuộc khảo sát, người Nhật tin rằng phát minh vĩ đại nhất của họ trong thế kỷ 20 là mỳ ăn liền.

Cuộc khảo sát lấy ý kiến của 2.000 người trưởng thành sống tại Tokyo vào năm 2000 cho thấy những người trả lời xếp hạng mỳ ăn liền còn cao hơn cả karaoke và Pokemon.

Thậm chí còn có một Bảo tàng Mỳ cốc ở Osaka, Nhật Bản. Bảo tàng do Ando, người phát minh ra Cup Noodles,mở vào năm 1999./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-su-that-thu-vi-ve-mon-my-an-lien-tren-the-gioi-post910224.vnp