Những điều còn mãi

Bằng lối mòn len lỏi xuyên dải rừng già Trường Sơn, qua dốc đèo sông suối hiểm trở, các nhà giáo đi B vượt Trường Sơn vào Nam làm nhiệm vụ. Sau bao năm chiến tranh đã lùi xa, hình ảnh ấy vẫn còn đậm sâu trong tâm trí nhiều người.

Gác lại niềm riêng

“Thật tình cờ hôm nay gặp mặt chị ở đây, mình cùng đoàn đi B năm 1965 ấy mà bây giờ có dịp nói chuyện mới biết. Nhớ lại bao kỷ niệm ngày xưa, cũng từ Hà Nội này, chúng ta từ những miền quê khác nhau trở về đây, rồi ra đi, gác lại niềm riêng, cùng chung chí hướng…”. Cầm trên tay bản hồ sơ lưu trữ những tài liệu đi B của mình, thầy Nguyễn Phúc Tuần xúc động nói với cô giáo Đặng Thanh Bình - người cũng vừa được nhận hồ sơ chứa những giấy tờ cá nhân và lá đơn xung phong gia nhập đoàn giáo viên vào chiến trường miền Nam thực hiện nhiệm vụ. Cảm xúc ngập tràn tại buổi họp mặt và trao trả hồ sơ của cán bộ đi B, cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức ngày 21.4. Tất cả cùng chung tâm trạng bồi hồi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ đã qua, ai nấy đều hừng hực quyết tâm xông pha vào chiến trường B khói lửa.

Thầy Nguyễn Phúc Tuần và cô giáo Đặng Thanh Bình cùng xem lại hồ sơ gốc chứa giấy tờ cá nhân và đơn xung phong gia nhập đoàn giáo viên đi B. Ảnh: Thái Minh

Thầy Nguyễn Phúc Tuần và cô giáo Đặng Thanh Bình cùng xem lại hồ sơ gốc chứa giấy tờ cá nhân và đơn xung phong gia nhập đoàn giáo viên đi B. Ảnh: Thái Minh

Thầy giáo Nguyễn Phúc Tuần năm ấy vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, nghe tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, gác lại giấc mơ nghề thầy, làm đơn tình nguyện đi B theo tinh thần “ba sẵn sàng”. “Bấy giờ tôi nghĩ mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ trong thế giới ngoài kia với biết bao người muốn hiến dâng mình cho đất nước. Giấc mơ nghề giáo của tôi sẽ được thực hiện giữa đạn bom ác liệt, tay bút tay súng, không có địch thì cầm bút dạy học, khi địch càn thì cầm súng chống giặc. Tôi vào chiến trường Đắk Lắk, trải qua bao gian khổ, hiểm nguy, cái sống cái chết kề nhau nhưng không một lần nao núng. Chúng tôi luôn biết ơn núi rừng Tây Nguyên đã che chở cho chúng tôi làm tròn nhiệm vụ của mình”.

Từ năm 1961 đến cuối năm 1973 đã có 10 chuyến đi B của gần 3.000 thầy cô giáo như vậy. Họ đến từ trường phổ thông, giảng đường đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc. Họ được giao nhiệm vụ ra R mở trường, lớp, vận động người dân đi học và cũng kiêm cả nhiệm vụ cầm súng chống càn, phá vây. Trong số ấy, rất nhiều người đã có gia đình, có chức vụ trong công tác, nhưng họ đều gác lại niềm riêng, sự nghiệp, vợ dại con thơ để lên đường vì Tổ quốc.

Thầy Đỗ Trọng Văn, Chi hội trưởng Chi Hội Cựu giáo chức đi B, cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, ông lên đường đi B, con nhỏ mới 8 tháng, con lớn mới lên ba. Giờ đây, ông vẫn không thể quên được thời khắc trước khi lên đường, ôm hôn đứa con nhỏ dại, an ủi, dặn dò người vợ trẻ. “Nhớ và thương rất nhiều nhưng chúng tôi lúc đó đều hiểu rằng khi Tổ quốc cần, mỗi người đều phải cứng rắn, sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng”.

Thầy Nguyễn Quang Minh nhớ lại, năm 1973, ông quyết định đi B khi đang dạy ở trường cấp ba Duy Tiên, tỉnh Nam Hà (nay là Hà Nam). Trên đường đi thì nghe tin đứa con thứ hai ra đời, thương vợ con bao nhiêu thì ông càng lấy đó làm động lực, quyết tâm làm tốt nhiệm vụ, chờ ngày chiến thắng. “Tôi là người Hà Nội gốc, gia đình có 4 anh em trai, hai anh đang chiến đấu trong chiến trường, em út mới hơn 10 tuổi, xét tiêu chuẩn thì tôi có thể được hoãn. Nhưng không, tôi vẫn quyết tâm đi, quyết tâm cùng đồng đội chiến đấu và chiến thắng”.

Cùng chung ý chí

Dù biết cái chết luôn cận kề, sự hy sinh, gian khổ là điều không thể tránh khỏi nhưng không một ai đắn đo, nao núng. Cô giáo Đặng Thanh Bình chia sẻ, cô vào Nam khi vừa rời hàng ghế nhà trường. 7 năm công tác xây dựng giáo dục miền Nam là 7 năm gian khổ nhưngluôn phơi phới tinh thần. Bà một trong những sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đi vào chiến trường Bình Long, Phước Long (tỉnh Bình Phước), vừa làm nhiệm vụ của giáo viên, vừa làm nhiệm vụ tuyên huấn.

“Tôi nhớ kỷ niệm năm 1968, khi đang công tác tại một thôn gần thị trấn Phước Bình thì địch đổ quân xuống, càn quét hết cả thôn, chúng đưa dân đi chỗ khác, đốt sạch nhà cửa. Tôi lẩn vào trong rừng, thoát khỏi trận càn của địch nhưng lại mất dấu với đồng đội. Một mình trong rừng, ban ngày thì trốn, ban đêm thì lần dấu để về đơn vị, may mắn thông thuộc địa bàn nên ba ngày sau tôi tìm liên lạc được với đơn vị. Lúc đó, tin tôi mất tích đã được thông báo trong đơn vị rồi. Thật sự bấy giờ không nghĩ nhiều, chỉ một điều là làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó và làm sao cho thật tốt”, cô giáo Đặng Thanh Bình xúc động kể.

Nhiều thầy cô giáo đã hy sinh trên đường đi B hoặc ở chiến trường. Thầy Nguyễn Đức Châu hy sinh ngay trên đường hành quân, khi bom napan phủ trùm lên võng. Thầy Cao Thành vĩnh viễn nằm lại Phú Yên khi không thể vượt qua cơn sốt rét rừng. Thầy Lê Trọng Thế hy sinh khi chống địch càn tại cầu Bến Lức (Long An). Thầy Lâm Thạch Đáo, thầy Ngọc Sơn hy sinh khi bị địch phục kích trên đường đi công tác… Trên tấm bia tưởng niệm các nhà giáo liệt sỹ đặt tại Tây Ninh khắc tên của 600 nhà giáo, trong đó có 111 nhà giáo từ miền Bắc vào…

“Tôi làm sao quên được cảm giác khi cùng các đồng chí đào hố chôn đồng đội vừa hy sinh sau trận đạn càn của địch. Đất Tây Ninh sét pha cát, rắn như đá, đào mãi mới được khoảng 60cm, đành lòng chôn đồng đội rồi hành quân tiếp. Anh ấy thật tình cờ còn cùng tên, cùng họ với tôi. Một người vừa thoát chết, một người thì đã nằm mãi nơi chiến trường. Sau này hòa bình lặp lại, chúng tôi và gia đình đồng chí đi tìm nhưng không còn gặp lại được nữa”, thầy Nguyễn Đức Châu nhớ lại.

Khát vọng tuổi trẻ vượt Trường Sơn vào Nam vẫn được tiếp nối, bởi những người cùng chung ý chí. Như lời thầy Nguyễn Trọng Văn: “Có lẽ không có nơi nào, cuộc chiến nào kéo dài mà vẫn song hành phát triển được giáo dục như ở Việt Nam. Nơi nào giải phóng, kể cả ở các vùng lõm giải phóng bé nhỏ, hay các vùng còn tranh chấp, ở đâu có dân, ở đó có lớp học, ở đó có những cán bộ giáo viên. Chúng ta đã chiến thắng chính nhờ ý chí và tinh thần như thế”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nhung-dieu-con-mai-i325145/