Những 'địa chỉ đỏ' trong lòng đô thị ở TP. Hồ Chí Minh

Đã 49 năm sau ngày đất nước thống nhất nhưng trong lòng đô thị TP. Hồ Chí Minh những 'địa chỉ đỏ' - nơi ghi dấu một thời đấu tranh kiên trung vẫn được gìn giữ.

Ghi dấu chiến công Biệt động Sài Gòn

Những ngày giữa tháng 4, chúng tôi may mắn cùng các bạn trẻ được tham quan căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu. Đây là nơi ém trú quân và vũ khí để chuẩn bị cho trận đánh Dinh độc Lập năm xưa. Ngày nay, căn nhà này luôn tất bật đón các đoàn khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.

Du khách tham quan căn hầm bí mật tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu , quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Bạn Nguyễn Hữu Ân, ngụ quận 4 - cho biết: Nhìn bên ngoài, em không nghĩ ngôi nhà này lại là một căn cứ cách mạng. Mọi thứ với em hầu như chỉ hình dung được qua bài học môn Lịch sử ở trường. Chỉ khi được tới đây tham quan, tận mắt thấy những chứng tích và bước chân xuống dưới hầm bí mật, em mới phần nào nhận thức rõ - đã có một thế hệ sống, chiến đấu gian khổ vì độc lập dân tộc.

Không chỉ riêng bạn Hữu Ân, không ít bạn trẻ lần đầu bước vào tham quan ngôi nhà đều bỡ ngỡ. Họ không nghĩ rằng trong một căn nhà nhỏ với diện tích chưa đầy 40 m2, chiều rộng chỉ 2,5 m lại có cả một hệ thống hầm bí mật được thiết kế công phu.

Theo tài liệu ghi chép, trong không gian chật hẹp này, gần 2 tấn vũ khí, 350 kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK, súng B40 và 3.000 viên lựu đạn đã được cất giấu. Tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối, dù nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn, gần Dinh Độc Lập.

Ông Huỳnh Văn Cẩn - biệt danh Tư Trung, chiến sĩ Biệt động cánh Tây Nam trao các kỷ vật của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Ông Trần Vũ Bình, con trai chiến sỹ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai cho biết, nơi này ghi dấu ấn đặc biệt của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (biệt danh là Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U-SOM) và vợ là bà Đặng Thị Thiệp. Cả hai đều là chiến sĩ biệt động thành. Theo chỉ đạo của cấp trên, năm 1966, ông Lai đã mua căn nhà này. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ròng rã hơn 7 tháng trời, vợ chồng ông Lai đào căn hầm bí mật để cất giấu các loại vũ khí được chuyển từ ngoại thành vào. Nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, hầm chứa được khoảng 15 người, hơn hai tấn vũ khí, có cửa thoát hiểm và các lỗ thông khí.

Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần làm nên những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Thậm chí, ngay cả khi ngôi nhà rơi vào tay quân địch, chúng cũng không biết đến sự tồn tại của căn hầm bí mật này.

Không chỉ xây dựng căn hầm bí mật chứa vũ khí, ông Trần Văn Lai khi đó còn thiết lập rất nhiều nơi che giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật để chuyển giao thư từ, tài liệu như căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1), được ông xây dựng ngay bên cạnh nhà của tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 của Ngụy quyền Sài Gòn để vận chuyển thư từ, tài liệu.

Ngoài những cơ sở do ông Trần Văn Lai mưu trí xây dựng, nhiều căn cứ, kho vũ khí bí mật khác cũng được các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn xây dựng để phục vụ tiến công Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy… trong cuộc Tiến công Mậu Thân 1968 ví dụ như: Tiệm phở Bình số 7, Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng, quận 3) của gia đình ông Ngô Toại là Sở Chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 ngay trước giờ xuất quân đợt 1, có mặt các đồng chí Võ Văn Thạnh - Chính ủy Phân khu, Nguyễn Đức Hùng - Tham mưu trưởng Phân khu, Chỉ huy trưởng F100, phát lệnh tiến công đánh chiếm các mục tiêu nội đô Sài Gòn…

Du khách tìm hiểu về trận đánh vào Dinh độc lập tại Căn hầm chứa vũ khí ở 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3

Lữu giữ những ký ức hào hùng

Theo ông Trần Vũ Bình, ngoài hệ thống vận chuyển thư từ, hầm bí mật, thời gian qua ông còn xây dựng một Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để lưu giữ các kỷ vật của các cô chú biệt động Sài Gòn năm xưa trao tặng. Những cô chú này đều là người từng vào sinh ra tử trong các trận đánh của lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa.

“Cha tôi là một người lính biệt động nên chúng tôi cố gắng sưu tầm từng hiện vật để lưu giữ lại các giá trị lịch sử, mở một điểm tham quan mới cho người dân, khách du lịch khi đến Sài Gòn. Đồng thời, việc phục dựng lại các di tích để thế hệ sau biết được những hy sinh gian khó của cha ông ta trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập gian khó ra sao…”- ông Trần Vũ Bình cho biết.

Theo đó, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trưng bày các bộ sưu tập hiện vật theo chủ đề vũ khí, xe cộ, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc. Bảo tàng này được bắt đầu xây dựng, sưu tập hiện vật từ cuối năm 2019, hiện có khoảng 300 hiện vật về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động. Trong đó, số lượng nhiều nhất là bộ sưu tập các loại vũ khí, bom đạn từng sử dụng trong những trận đánh. Đi kèm là hình ảnh của một số cuộc tập kích vào đối phương của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Hiện nay, ông Trần Vũ Bình vẫn đang tích cực thực hiện phục dựng một số di tích; tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật liên quan đến Biệt động Sài Gòn để trưng bày. Không chỉ vậy, ông Bình đã phối hợp với ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh triển khai xây dựng tour du lịch đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.

"Điểm đặc biệt của các tour du lịch trên là người dẫn các đoàn đi tham quan chính là những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa bởi chúng tôi muốn các con cháu của mình cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử mà tổ tiên mình đã để lại. Chính người trong cuộc phải hiểu và trân quý điều đó thì mới có thể hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho người đến tham quan cảm nhận được," ông Trần Vũ Bình cho biết thêm.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-dia-chi-do-trong-long-do-thi-o-tp-ho-chi-minh-317289.html