Những cuộc hôn nhân bi kịch

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội bởi đằng sau đó là những nỗi đau và hệ lụy khôn cùng. Những người phụ nữ trong những ngôi nhà dù nhẫn nhịn cam chịu hay dũng cảm bước qua cuộc hôn nhân đẫm nước mắt thì quá khứ khổ đau vẫn đeo bám, thậm chí có người phải trả giá bằng cả sinh mệnh của mình…

Quang cảnh phiên xét xử bị cáo L.Q.H (TP Tuy Hòa). Ảnh: NGỌC QUỲNH

Hôn nhân ngc tù

Dù đã gần 2 năm trôi qua nhưng câu chuyện Đ.M.H (34 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) giết vợ cũ và cha mẹ vợ sau khi ly hôn vẫn luôn khiến mọi người ám ảnh. Bi kịch của vụ thảm án này bắt đầu từ việc H và gia đình vợ cũ mâu thuẫn nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc bé V (con của H và chị D).

Thù tức vì gia đình vợ cũ cấm cản không cho gặp mặt con gái thường xuyên nên H ra tay đoạt mạng 3 người trong gia đình vợ cũ. Số phận cay đắng không chỉ của chị N.T.D (vợ cũ của H) và cha mẹ chị D, mà còn dai dẳng đến nhiều năm sau này.

Nỗi đau của cuộc hôn nhân bi kịch đã không dừng lại, dù cho chị D đã lựa chọn cách bước ra khỏi cuộc hôn nhân. Hành động phi nhân tính của H cũng đã bị pháp luật trừng trị. Nhưng hệ lụy bi kịch này vẫn còn đó, khi bé V sẽ sống trong những tháng ngày bơ vơ không còn cha mẹ bên cạnh.

Cam chịu, nhẫn nhịn người chồng thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, bà T.T.C (vợ ông T.V.B, ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) những mong níu giữ cho các con một gia đình đủ đầy cha mẹ.

Để rồi cuối cùng sự cam chịu ấy đã đưa bà C đến kết cục là phải trả giá bằng sinh mệnh của mình. Chỉ vì mải mê ăn nhậu không lo việc nhà, sau khi nghe vợ cằn nhằn, ông B đã xô ngã, bóp cổ bà, rồi dùng dao chém nhiều nhát vào cổ, đầu, mặt vợ, sau đó tiếp tục đi ăn nhậu.

Cách đây vài tháng, TAND tỉnh đưa ra xét xử một vụ mâu thuẫn sau ly hôn. Đó là vụ N.V.H (46 tuổi, trú xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) tạt xăng đốt vợ cũ. Dù đã được đưa đi cấp cứu và điều trị, nhưng tỉ lệ thương tích trên cơ thể chị V.T.N.P được Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên kết luận 53%. Đau đớn cả thể xác lẫn tâm can nhưng tại phiên tòa này, chị P vẫn xin Hội đồng xét xử TAND tỉnh giảm án cho người chồng cũ, mong ông có cơ hội làm lại cuộc đời để trở thành người tốt.

Trước đó, câu chuyện ông L.Q.H (50 tuổi, ở TP Tuy Hòa) chém vợ, dù ông và vợ ông đã ly thân từ năm 2019, cũng khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng. Chỉ vì cả hai lời qua tiếng lại, người đàn ông này đi xe máy, mang theo rựa đến nơi vợ ngồi bán vé số hằng ngày rượt đuổi, chém nhiều nhát vào đầu, mặt, tay, lưng vợ… Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh, bà H bị thương tích tỉ lệ 38%.

Ni đau chưa dng li

Thời gian qua, Phú Yên xảy ra không ít vụ việc đau thương từ bạo lực gia đình, mà đối tượng gánh chịu bạo lực không ai khác là người phụ nữ và những đứa con của họ. Rất nhiều phụ nữ đã không thể bước ra khỏi cuộc hôn nhân đẫm nước mắt với người chồng vũ phu, họ sợ con cái không có chỗ nương tựa, sợ điều tiếng của dư luận…

Sau khi trở thành nạn nhân của bạo lực, trong số họ người mạnh mẽ thì tố cáo chồng, rồi bước ra khỏi cuộc hôn nhân ngục tù, còn người yếu đuối thì đẫm nước mắt cam chịu cho đến khi quá giới hạn chịu đựng, câu chuyện của họ mới được mang ra ánh sáng. Lúc ấy, người phụ nữ đã kiệt cùng trong sự đau đớn thể xác lẫn tinh thần.

Thậm chí có người đã ly hôn, bước ra khỏi cuộc hôn nhân địa ngục ấy, nhưng hệ lụy của cuộc hôn nhân này vẫn khiến họ chết bằng cách này hay cách khác. Kết thúc một cuộc hôn nhân thực sự không phải là chấm hết.

Bi kịch của nó không chỉ dừng lại ở số phận cay đắng của những người đàn bà hậu ly hôn, mà dai dẳng đến những năm tháng sau này khi những đứa trẻ bơ vơ mất mẹ. Con trẻ sẽ về đâu trong cuộc đời với nỗi đau nghiệt ngã và sự ám ảnh của ký ức khi cha giết mẹ, cha chém mẹ thương tật suốt đời…

Làm thế nào để hạn chế tình trạng bạo hành gia đình, theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, biện pháp tốt nhất là tăng cường tuyên truyền giáo dục để người phụ nữ hiểu được thế nào là bạo lực gia đình và biết cách ứng phó với nó. Bởi với bất cứ lý do gì, việc sử dụng bạo lực đối với người khác là không được phép.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa bạo lực gia đình cần thay đổi nhận thức của nạn nhân. Nhất là họ cần nhanh chóng lên tiếng và nhờ sự giúp đỡ của người thân, gia đình, xã hội và đặc biệt là các cơ quan chức năng. Do vậy, người phụ nữ cần phải học kỹ năng ứng xử trong những tình huống mâu thuẫn cũng như học cách phản kháng và đừng để đối phương thiếu kiểm soát làm hại bản thân mình dù đó chỉ là cơ hội nhỏ nhất.

Kết thúc một cuộc hôn nhân thực sự không phải là chấm hết. Bi kịch của nó không chỉ dừng lại ở số phận cay đắng của những người đàn bà hậu ly hôn, mà dai dẳng đến những năm tháng sau này khi những đứa trẻ bơ vơ mất mẹ. Con trẻ sẽ về đâu trong cuộc đời với nỗi đau nghiệt ngã và sự ám ảnh của ký ức về tháng ngày đẫm nước mắt…

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/313480/nhung-cuoc-hon-nhan-bi-kich.html