Những con số ý nghĩa trong mối bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn cho Tổng thống Harry Truman đề nghị Hoa Kỳ công nhận Nhà nước Việt Nam mới. 50 năm sau, tháng 7-1995, hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 7-2013, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và 10 năm sau, tháng 9-2023, hai nước chính thức nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Duyên nợ trăm năm

Năm 1873 là dấu mốc quan trọng của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, khi Bùi Viện bẩm trình lý do và được sự chuẩn y của vua Tự Đức, đã hành trình vượt Thái Bình Dương sang Hoa Kỳ nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn giúp Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Bùi Viện sinh năm 1839 trong một gia đình nhà nho ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Năm 1864, ông đỗ tú tài, năm 1868 đỗ cử nhân.

Trong chuyến đi này, Bùi Viện đã được gặp Tổng thống Hoa Kỳ thứ 18 là Ulysses Grant. Vào thời điểm ấy, Hoa Kỳ có mâu thuẫn thù địch với Pháp trong chiến tranh ở Mexico, nên Tổng thống Ulysses Grant đã tỏ ý bằng lòng giúp Việt Nam đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng do Bùi Viện không mang quốc thư nên hai bên không thể chính thức giao ước, Bùi Viện đành ngậm ngùi trở về Huế.

Sau khi nghe Bùi Viện tâu bẩm tình hình và những điều mắt thấy tai nghe ở Hoa Kỳ, vua Tự Đức đã chuẩn y cử ông làm chánh sứ và trao cho quốc thư theo nghi thức ngoại giao chính thức.

Năm 1875, Bùi Viện lại xuất dương tới Hoa Kỳ. Mặc dù lần này có quốc thư, nhưng quan hệ của Hoa Kỳ với Pháp đã trở lại bình thường, nên Tổng thống Ulysses Grant đã khước từ cam kết giúp Việt Nam đánh Pháp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, tháng 9-2023. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu tiên thúc đẩy ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945.

Ngày 17-10-1945, Việt-Mỹ thân hữu Hội đã được thành lập. Đây là hội hữu nghị song phương đầu tiên của Việt Nam. Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.

Tuy nhiên, quan hệ hai bên đã không như Việt Nam mong đợi. Đại diện Chính phủ Hoa Kỳ đã không ký tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva năm 1954 và sau đó Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đã kết hợp nhuần nhuyễn đánh với đàm. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27-1-1973 đã buộc Hoa Kỳ phải công nhận một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30-4-1975, đất nước ta đã hòa bình, giang sơn thu về một mối.

“Sen tàn cúc lại nở hoa”

Năm 1995, tròn 50 năm của hai sự kiện lớn: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn đầu tiên cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 17-10-1945 đề nghị Hoa Kỳ công nhận nước Việt Nam mới; tròn 20 năm kể từ năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao. Vượt qua một chặng đường lịch sử với biết bao chông gai và trở ngại, mất mát và đau thương, hai “cựu thù” từ hai bên bờ Thái Bình Dương đã giã từ chiến tranh để tiến tới hòa bình và từ bao vây, cấm vận tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Sau 4 năm đàm phán, tháng 7-2000, hai nước đã ký hiệp định thương mại nhằm phát triển quan hệ kinh tế, thương mại bình đẳng và cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau.

Tổng thống Joe Biden tại Việt Nam, tháng 9-2023. Ảnh: TRỌNG HẢI

“Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” là câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được Tổng thống Bill Clinton trích dẫn trong diễn văn đáp từ tại cuộc chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tối 17-11-2000 nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng.

Tổng thống Bill Clinton đã khẳng định: “Nay những ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau, chúng ta hãy tận hưởng mùa xuân mới này”.

Quan hệ chính trị song phương đã có những bước phát triển mới. Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm Hoa Kỳ năm 2005; Tổng thống Hoa Kỳ George Bush đã thăm Việt Nam năm 2006 nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC Hà Nội; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thăm Hoa Kỳ năm 2007; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Hoa Kỳ năm 2008. Quan hệ thương mại song phương cũng đã có đà nhảy vọt, tăng 55 lần từ 450 triệu USD năm 1994 lên 25 tỷ USD năm 2012.

“Vinh hoa bõ lúc phong trần”

Tháng 7-2013, sau 40 năm ký Hiệp định Paris, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra tuyên bố chung xác lập quan hệ đối tác toàn diện, “khẳng định cam kết mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung”, “tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Tháng 7-2015, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đến Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đưa quan hệ hai nước vươn tới tầm cao mới.

Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Hướng tới tương lai quan hệ song phương và phát huy quan hệ đối tác toàn diện, hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Trong diễn văn của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, thay mặt Tổng thống Barack Obama chủ trì tại buổi tiệc trưa 7-7-2015 chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Việt Nam tại Nhà Trắng, có hai câu Kiều đã được trích dẫn là: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời".

Tương lai tươi sáng “vén mây giữa trời” đã được Tổng thống Hoa Kỳ B.Obama tiếp tục khẳng định trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 25-5-2016 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam: “Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài "Nối vòng tay lớn". Tương lai nằm trong tay các bạn và Hoa Kỳ luôn là những người bạn của các bạn. Tôi nghĩ rằng, các bạn sẽ luôn nhớ về khoảnh khắc khi tôi đứng ở đây nói với các bạn”. Ông đã kết thúc bài phát biểu bằng hai câu trong Truyện Kiều: "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi". Năm 2016 cũng vừa tròn 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư ngày 16-2-1946 cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman như đã nêu ở trên.

Sau các chuyến thăm lịch sử này, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học-công nghệ, văn hóa và giáo dục, đào tạo... Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ năm 2022 là 123 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2013 và tăng tới 273 lần so với chỉ 450 triệu USD vào năm 1994. Hiện có khoảng 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với báo chí sau hội đàm ngày 10-9-2023. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tháng 9-2023, sau 50 năm ký Hiệp định Paris và 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau hội đàm cấp cao chiều 10-9-2023, hai bên đã ra Tuyên bố chung trong đó khẳng định: “Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường”.

Trong chuyến thăm lịch sử này, Tống thống Joe Biden đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong lời đáp từ tại tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 11-9-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc đến hai câu trong Truyện Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” và cho rằng: “Đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước chúng ta”. Để biến những “cơ hội vô hạn” thành hiện thực, cả hai bên cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Về phần mình, Việt Nam cần tăng cường toàn diện sức mạnh tổng hợp quốc gia, thực hiện hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “ngoại giao thực lực”, “Chiêng có to thì tiếng mới lớn”!

TS NGUYỄN ĐÌNH LUÂN, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học, Bộ Ngoại giao

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhung-con-so-y-nghia-trong-moi-bang-giao-viet-nam-hoa-ky-764167