Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 12)

Kỳ 12: Tự hào được hòa nhịp trong bản anh hùng ca Điện Biên

Lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu cả thế giới đều biết đến và khâm phục, nhưng được nghe chính những người từng đi qua thời khắc đó kể lại mới cảm nhận được sự quả cảm, tự hào của một thế hệ anh hùng. Trong hành trình tìm lại mốc son chói lọi đó, chúng tôi đến tổ 1, phường Ngọc Xuân (Thành phố) thăm gia đình cựu chiến binh Lưu Sĩ Niếp - người lính Điện Biên năm xưa. Trải qua bao mùa hoa ban nở, với ông Niếp, ký ức hào hùng, âm vang chiến thắng Điện Biên mãi luôn là dấu ấn, hành trang cao đẹp của mình trong quân ngũ.

Đi theo tiếng gọi non sông

Người cựu binh năm nay đã bước sang tuổi 94 với 57 năm tuổi Đảng tay bắt mặt mừng chào đón chúng tôi, trong bộ quân phục gắn đầy những tấm huy chương cao quý, ông toát lên dáng vẻ hiên ngang của người lính trẻ thủa nào.

Ông Niếp (ngỗi giữa) tự hào kể cho các cựu chiến binh khu phố về chiếc áo trấn thủ trong chiến dịch Điện Biên năm xưa.

Kể cho chúng tôi nghe về một thời tham gia chiến dịch, đôi mắt người lính già sáng lên đầy hào hứng, câu chuyện cách đây 70 năm trước được tái hiện lại. Sinh năm 1930, năm 1948, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Lưu Sĩ Niếp đi theo tiêng gọi của Đảng, Bác Hồ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hòa mình vào cuộc kháng chiến trường chinh của cả dân tộc. Khi đó, ông được biên chế vào Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Đến năm 1953, ông được chuyển về Cục Hậu cần quân khu, làm công tác vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lúc này, toàn ngành Hậu cần cùng toàn dân bước vào chuẩn bị cho các chiến dịch Thu - Đông và chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần rất khẩn trương. Chúng ta đã huy động sức người, sức của từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Tây Bắc, Việt Bắc đến nhiều tỉnh vùng địch tạm chiếm ở Bắc Bộ chi viện cho Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hàng năm, bảy trăm cây số, trong điều kiện phương tiện vận tải thô sơ thiếu thốn, địch đánh phá ác liệt.

Trong khi đó, đường cho cơ giới lên Tây Bắc toàn bộ là đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn sụt lở và đi qua địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu; tuyến quan trọng từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ mặt đường lại rất nhỏ, phần lớn là độc đạo, xe cơ giới không thể cơ động được, nên rất khó khăn cho công tác vận tải. Ông chủ động đề xuất với Cục Hậu cần quân khu xin Bộ Tư lệnh mặt trận sử dụng xe quệt, dùng sức trâu kéo để chở vũ khí. Những chuyến xuyên rừng trèo đèo, vượt suối bí mật đưa hàng về nơi tập kết cùng những đoàn xe thồ, dân công gánh bộ nối tiếp nhau rầm rập ngày đêm trên các nẻo đường lên Điện Biên.

Những năm tháng quá khứ như cuốn phim quay chậm mở ra trước mắt, ông Niếp kể lại: “Có nhiều lúc trên đường hành quân, các chiến sĩ thiếu lương thực hay bị những cơn sốt rét hành hạ nhưng anh em luôn động viên nhau tiếp tục tiến về phía trước. Miệt mài băng rừng, vượt núi, dù bữa ăn chỉ là cơm nắm, mấy củ sắn, ít rau rừng cùng bi đông nước, những gian khổ trong thời gian này không sao kể xiết. Cứ đêm đi, ngày nghỉ, băng rừng, vượt suối nhưng tinh thần ai cũng phấn chấn, trên đường mọi người cùng hát hò, đọc thơ, khiến đường xa thêm gần, hàng trên xe bớt nặng”.

Tháng 5/1954, ông được giao nhiệm vụ cùng dân công vận chuyển khối bộc phá gần 1.000 kg, mỗi người ôm 1 khối 2 kg theo hào của bộ đội vào trung tâm đến đồi A1 giao cho Đại đoàn 312. Ngày 6/5/1954, khi tiếng nổ bộc phá vang lên cũng là lúc tiếng hô xung phong bật dậy từ trong lòng đất. Cứ điểm phòng ngự kiên cố bậc nhất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đánh sập. Từ đây đã xé toang cứ điểm Điện Biên Phủ để vào 16h ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm "mưa dầm, cơm vắt”, "máu trộn bùn non”, “pháo đài không thể công phá” nhanh chóng trở thành “chảo lửa” thiêu đốt tất cả những tham vọng cùng những nỗ lực cố gắng cuối cùng của đội quân xâm lược, quân và dân ta đã lập nên một chiến thắng “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”. Ông Niếp hồi tưởng lại, cả một quá khứ anh hùng nguyên vẹn tái hiện trong ký ức người lính.

“Chết thì xanh cỏ, sống phải đỏ ngực”

Những phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tiếp tục lên Lai Châu tiêu diệt phỉ tại Ngã ba Đông Dương. Đến năm 1956, ông phục viên trở về nhà, tham gia công tác xã hội ở địa phương, làm Sao Đội phó huấn luyện dân quân tại xã Vĩnh Quang (Thành phố). Đến năm 1965, ông tái ngũ đi học Trường Quân chính Quân khu, rồi về đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa An, năm 1981 ông được nghỉ chế độ.

Những năm tháng ở chiến trường, ông bị 3 viên bom bi bắn vào đầu khi đi qua khu vực bom nổ vào năm 1952, những cơn đau nhức sau này do ảnh hưởng của bom bi không làm ông nhụt chí. Nghỉ hưu nhưng ông không nghỉ việc, khi mới về địa phương, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Mạnh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ngọc Xuân, nay là phường Ngọc Xuân (Thành phố). Ông Đàm Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ngọc Xuân cho biết: Bản thân bác Lưu Sĩ Niếp và các cựu chiến binh luôn là những tấm gương sáng để nhân dân trong phố, phường học tập, noi theo.

Được sống và trở về trong hòa bình, hạnh phúc với ông là một điều may mắn, kỳ diệu biết bao. Bởi ông đã từng bị bom vùi, đạn lạc, rồi những hiểm nguy đe dọa trên quãng đường trường gian khó. Khi được hỏi, trong chiến dịch, kỷ niệm nào là sâu sắc nhất đối với ông, ông Niếp lặng đi một lúc, nước mắt thấm dần qua kẽ mắt người lính già: “Những năm tháng hào hùng đó đối với tôi mãi không thể nào quên. Ở đó, tình đồng chí, tình quân dân luôn được gắn bó bền chặt, tạo nên sức mạnh hơn cả những cỗ máy, xe tăng quân thù. Nhưng trong thời khắc lịch sử ấy, cái chết dường như không còn là gì. Lúc ấy, toàn quân và dân chỉ đồng lòng đồng sức với mong muốn thắng lợi, chúng tôi đã tự hứa với nhau rằng chết phải xanh cỏ, sống phải đỏ ngực”. Tình đồng đội, đoàn kết, gắn bó vẫn là thứ mà người lính Điện Biên mang theo mình đến tận hôm nay.

Kỷ vật được ông nâng niu, trân trọng và cất giữ cẩn thận là chiếc áo trấn thủ và nhiều Huân chương, Huy hiệu được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba... Trong các ngày lễ trọng đại, ông lại trang trọng gắn lên ngực áo, nơi nhịp đập trái tim âm vang niềm tự hào, khí thế sục sôi của một thời máu lửa. Ánh mắt xa xăm, tay cầm kỷ vật, giọng nghẹn lại ông Niếp tâm sự: “Đây là mồ hôi, là máu và nước mắt của anh em, đồng đội là những tài sản vô giá, là lẽ sống thiêng liêng”.

Trong bản anh hùng ca Điện Biên Phủ một thời, những người lính “từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa” đã không tiếc máu xương hiến dâng cả tuổi thanh xuân của đời mình cho nền độc lập, tự do dân tộc, làm trọn trách nhiệm vinh quang mà Tổ quốc giao phó, đem lại hạnh phúc muôn đời cho đất mẹ Việt Nam. Và thế hệ trẻ chúng tôi luôn tự hào về thế hệ cha ông, quyết tâm viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh, đưa đất nước lên một tầm cao mới, thực hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc là xây dựng đất nước phồn vinh và hùng cường.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Kỳ 5: Người góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Kỳ 6: Thanh xuân gửi trọn chiến trường Điện Biên

Kỳ 7: Gặp người lái xe trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Kỳ 8: Hồi ức người lính Điện Biên

Kỳ 9: Người chiến sĩ áo blouse trắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Kỳ 10: Gặp người lính pháo thủ trên chiến trường Điện Biên năm xưa

Kỳ 11: Xứng với Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”

Minh Ánh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-12-3168891.html