Ký ức Điện Biên Phủ trong trái tim người lính

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, 'một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử dân tộc' trong thế kỷ XX. 70 năm đã trôi qua nhưng ký ức hào hùng của những ngày 'khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt' vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim những người lính Điện Biên năm xưa, là động lực tinh thần cho thế hệ trẻ noi theo, quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Vết thương lành, trở về đơn vị cụ Mai vinh dự được lựa chọn tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - ngày 1/1/1955. Cụ Mai tự hào kể: Hôm duyệt binh, vinh dự ngồi trên xe tiến qua lễ đài, tôi nhìn thấy Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng... đứng mỉm cười vẫy tay chào, lòng tôi lúc ấy ngập tràn niềm tự hào và hạnh phúc. Tối hôm đó chúng tôi được xem bắn pháo hoa...

1. “Yêu xe như con, quý xăng như máu”

Trong không khí phấn khởi của những ngày cả nước náo nức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Bích (Tổ 2, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) – người đã từng trực tiếp tham gia phục vụ chiến dịch lịch sử này. Qua câu chuyện với CCB Nguyễn Ngọc Bích, chúng tôi có dịp hiểu sâu sắc hơn về một thời đạn bom khốc liệt mà những CCB từng trải qua. Đó là những năm tháng không bao giờ nguôi quên trong tâm khảm những người cựu chiến sĩ Điện Biên đã từng vào sinh, ra tử với một tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

CCB Nguyễn Ngọc Bích thường kể chuyện cho con cháu nghe về những năm tháng ông từng sống, chiến đấu. Ảnh: Phương Dung

Kể lại với chúng tôi về những năm tháng gian khổ mà hào hùng, CCB Nguyễn Ngọc Bích không khỏi bồi hồi, xúc động. Đã 70 năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in những cung đường, từng khúc cua, từng con đèo mà ông cùng những đồng đội đã từng hành quân đi qua. CCB Nguyễn Ngọc Bích nhớ lại: Đầu năm 1953, được đơn vị cử đi đào tạo lái xe ở Trung Quốc, sau đó ông trở về nhận nhiệm vụ lái xe phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Lái chiếc xe tải chở vũ khí, lương thực, thực phẩm qua bao đèo cao, vực sâu hiểm trở từ biên giới Cao Bằng xuôi qua Bắc Kạn tiến về Điện Biên. Cung đường qua địa hình vô cùng hiểm trở, chênh vênh với bao gian nan, thử thách nhưng với sự quyết tâm của người lính, tôi cùng đồng đội đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Là người lính lái xe phục vụ chiến đấu, tâm niệm sâu sắc phương châm “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, ông cùng đồng đội luôn giữ gìn, bảo quản xe, đưa những chuyến hàng vượt đạn bom, về nơi tập kết một cách an toàn nhất, nhanh nhất. Tuy gian nan, vất vả, hiểm nguy nhưng ông nhận thấy mình thật vinh dự, tự hào vì được là người lái xe, chở những chuyến hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên đường đi, chứng kiến cảnh hàng nghìn dân công, bộ đội, thanh niên xung phong phải hành quân bộ đến chiến trường ông càng chú tâm bảo quản, bảo dưỡng coi chiếc xe như báu vật. Đội vận chuyển của ông phục vụ ở cung đường cuối cùng (cung phục vụ trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ). Đây là cung đường khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhất bởi máy bay địch ngày đêm quần thảo, oanh tạc hòng chặn đường chi viện cho tiền tuyến. Để đưa được những chuyến hàng đến nơi an toàn, ông và đồng đội phải đi vào ban đêm. Đến khi trời sáng là phải giấu xe, ngụy trang bảo đảm an toàn bởi nếu để quân địch phát hiện thì mất mát hy sinh là vô cùng to lớn. Những đoàn xe tải do đội vận tải trực tiếp làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến dịch không ít lần gặp hiểm nguy bởi bom đạn của địch dội xuống như trút. Nhưng những chiến sĩ lái xe đã không quản ngại hy sinh gian khổ vượt qua với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, tất cả cho tiền tuyến, ngày đêm tranh thủ vận chuyển nhanh nhất những chuyến hàng tới chiến trường, bảo đảm cung cấp kịp thời vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta chiến đấu, thực hiện tốt mục tiêu của chiến dịch.

Quân ta đưa đạn dược vào những căn hầm bí mật bên vách núi, được ngụy trang kín đáo. Ảnh tư liệu: QĐND

Trong những chuyến xe đi, có lần xe ông gặp nạn do bị địch đánh bom tọa độ ném vào ban đêm, đất đá vùi kín đầu xe, cửa kính vỡ vụn, ông bị sức ép của bom làm cho ngất lịm, may mắn, được đồng đội nhanh chóng bới đất đá đưa ra ngoài an toàn. Sau chuyến ấy ông được chuyển về tuyến sau, được đồng bào địa phương cưu mang, chăm sóc, khi hồi phục, ông lại tiếp tục xung phong vào chiến trường làm nhiệm vụ. Ông trầm ngâm nói với chúng tôi: “Hôm đó nếu không được đồng đội cứu kịp thời chắc có lẽ tôi đã không còn được trở về”. Cứ nghĩ tới điều đó, ông lại càng nỗ lực hết sức cùng đồng chí, đồng đội thực hiện nhiệm vụ được giao, mong mau tới ngày chiến thắng. Ông còn nhớ trong một chuyến chở đạn dược vũ khí vào gần trận địa, do đường gập ghềnh, trơn trượt, xe ông gặp nguy hiểm, suýt chút nữa thì cả xe rơi xuống vực sâu. Lần đó, ông đổi lái cho người đồng đội, ông ngồi ghế phụ, khi xe xuống dốc chuẩn bị qua cầu phía dưới là suối sâu, đột nhiên xe gặp sự cố bất ngờ, suýt chút nữa bánh xe trượt ra khỏi cầu, chỉ một tích tắc nữa là xe lật nhào. May thay ông đã nhanh trí xử lý phanh tay, kịp thời cứu xe, cứu người. Nếu không chiếc xe chở theo hàng tấn vũ khí đạn dược có thể đã bị lật nhào xuống suối, thiệt hại là vô cùng lớn. Sau sự việc ấy ông được cấp trên khen thưởng đột xuất vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Trải qua bao gian khổ nhưng những người lính như ông vẫn không quản khó khăn, ngày đêm làm tròn nhiệm vụ. Cho dù đạn bom luôn rình rập đe dọa tính mạng, song ông và đồng đội đã mưu trí dũng cảm, quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Thế rồi ngày chiến thắng đã đến. CCB Nguyễn Ngọc Bích còn nhớ như in giây phút nghe tin địch đầu hàng. Giây phút đó ông và đồng đội mừng rơi nước mắt, hò reo sung sướng. Vậy là sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ 13/3 đến 7/5/1954), quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng hoàn toàn thuộc về ta. Lúc này, đơn vị ông được giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại thu dọn chiến trường, sau đó trở về tiếp quản Thủ đô và nhận nhiệm vụ mới.

Sau này, người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Ngọc Bích được điều động làm nhiệm vụ tham gia phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau năm 1968, ông được chuyển ngành về địa phương công tác, góp sức xây dựng quê hương. Nay dù đã 95 tuổi đời, nhưng CCB Nguyễn Ngọc Bích vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Với ông những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên luôn là mốc son ngời sáng, là niềm tự hào khôn nguôi. Tự hào vì được sống, chiến đấu, cống hiến tuổi trẻ của mình cho nền độc lập dân tộc, ông luôn có ý thức giáo dục lớp cháu con trân trọng giá trị của nền độc lập, tự do hôm nay, nỗ lực cố gắng học tập, công tác, xứng đáng với những hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông đi trước.

2. Xin nghỉ dạy học lên đường nhập ngũ

Trong những ngày cả nước sôi nổi kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024), chúng tôi may mắn tìm gặp và được trò chuyện với cụ Trần Huy Mai, thôn Hạ Muồn Cao, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân – người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng cụ Trần Huy Mai vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Theo lời cụ Mai, gia đình cụ là nông dân nhưng từ năm lên 6 tuổi cụ đã được bố mẹ cho học chữ nho và chữ quốc ngữ (học thầy dạy tại nhà). Đến năm 12 tuổi cụ tiếp tục được theo học các thầy dạy ở Đức Bản, Nhân Nghĩa (Lý Nhân). Thời gian này, cụ được học thêm cả tiếng Pháp. Năm 16 tuổi cụ Mai tham gia dạy học lớp 1, 2, 3 và dạy bình dân học vụ tại thôn Trần Thương. Một hôm, khi đi dạy học cụ Mai chợt nghe trên loa truyền thanh thôn lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Chí Thanh: Tổ quốc làm trọng, thân mình không đáng kể, thanh niên lúc này phải cầm súng cứu nước, cứu dân... Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tác động lớn đến suy nghĩ của cụ Mai. Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu nước, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”... Quyết định nhanh và dứt khoát, hôm sau cụ Mai báo cáo lãnh đạo địa phương xin nghỉ dạy học, lên đường nhập ngũ.

Cụ Mai lưu giữ cẩn thận những bức ảnh thời kỳ còn trong quân ngũ.
Ảnh: Phạm Hiền

Kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cụ Mai xúc động nhớ lại: 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp lại bút nghiên, để lại sau lưng bảng đen phấn trắng tôi lên đường nhập ngũ, vào Sư đoàn 312. Sau khi tham gia huấn luyện chúng tôi được cấp trên phổ biến sẽ theo chiến dịch Trần Đình (lúc ấy chúng tôi không biết đó là chiến dịch Điện Biên Phủ). Đơn vị tôi hành quân từ Hòa Bình lên Suối Đôi, Vĩnh Phúc. Rồi tiếp tục hành quân bộ từ Vĩnh Phúc qua các tỉnh Sơn La, Lai Châu; cứ ngày nghỉ, đêm đi. Sau nhiều ngày vượt đèo, vượt núi, có những đèo cao như đèo Pha Đin, phải hành quân tới hơn một ngày mới lên được tới đỉnh. Trong khi hành quân, kỷ niệm sâu sắc, tôi luôn khắc ghi trong lòng đó lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (dù đó là lần gặp rất ngắn ngủi). Vào khoảng cuối năm 1953, trong một đêm hành quân đơn vị chúng tôi đang nghỉ dọc đường, anh em được biết sắp có đoàn của Đại tướng đi qua. Ít phút sau, đoàn của Đại tướng tới nơi, trong đoàn có cả chuyên gia người Trung Quốc. Đại tướng tranh thủ dừng lại vài phút hỏi chuyện anh em. Trong khi trò chuyện, Đại tướng có hỏi, tham gia chiến dịch này các cháu có chắc thắng không? Anh em lính tráng lúc đó nhiều người nghiện thuốc lào đã trả lời vui, không có thuốc lào chưa chắc đã thắng... Mọi người cùng cười vui vẻ. Tưởng đó chỉ là câu nói vui, nhưng chỉ mấy ngày hôm sau anh em ở các đơn vị nhận được rất nhiều thuốc lào. Mọi người đều rất phấn khởi. Ai cũng cảm động, trận đánh lớn sắp diễn ra, Đại tướng phải lo bao việc trọng đại, vậy mà vẫn quan tâm, chăm lo cho đời sống chiến sĩ từ những điếu thuốc lào... Tấm lòng của Đại tướng dành cho cán bộ chiến sĩ đúng là tấm lòng của người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khoảng tháng 12/1953 đơn vị tôi đã hành quân tới Điện Biên (tôi thuộc Đoàn vận tải của Sư 312). Lúc đầu cấp trên phổ biến, chủ trương của ta là đánh nhanh, giải quyết nhanh; nhưng sau đó lại phổ biến chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Khi đến nơi, nhiệm vụ của chúng tôi đào hào, kéo pháo vào, kéo pháo ra... Làm nhiệm vụ tải thương, bắt đầu từ trận đánh mở màn Him Lam, rồi Độc Lập, Bản Kéo tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ tải thương từ tiền tuyến đưa về các đội điều trị ngay phía sau. Trong quá trình tải thương, tôi được chứng kiến những tấm gương chiến đấu, hy sinh vô cùng dũng cảm của chiến sỹ quân đội ta trước kẻ thù xâm lược...

Sau khi đánh Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, đơn vị củng cố lại lực lượng, vì có trình độ văn hóa tôi được chuyển sang đơn vị pháo binh... Khi cùng đơn vị xuống Nậm Rốm làm nhiệm vụ phòng ngự không may tôi bị thương ở lưng, sau đó được đưa về hầm đội phẫu số 4. Thời khắc Điện Biên Phủ được giải phóng tôi đang nằm trên giường bệnh điều trị vết thương. Nghe tin Điện Biên Phủ đã được giải phóng mọi người vui mừng khôn xiết, thời khắc ấy tôi không còn cảm thấy đau đớn từ những vết thương gây ra; chỉ niềm vui, niềm phấn khởi, niềm hạnh phúc dâng ngập lòng...

Đúng 10 năm sau, năm 1964, cụ Mai có dịp trở lại Điện Biên tham gia xây dựng công trình thủy điện sông Nậm Rốm. Thời gian này, cụ tranh thủ về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những địa danh, địa điểm 10 năm trước là những cứ điểm chiến đấu vô cùng ác liệt giữa ta và địch... Bao kỷ niệm xúc động dâng trào.

Năm 2011 cụ Mai một lần nữa trở lại chiến trường xưa. Thăm lại Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát... Cụ Mai vui vì chứng kiến Điện Biên đã thay đổi nhiều, không còn cảnh bản làng nghèo, xơ xác như xưa nữa...

90 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử..., trở về cuộc sống đời thường, những năm qua, cụ Mai luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Cụ Mai chia sẻ: Tôi tuổi tuy đã cao, nhưng vẫn còn đủ sức khỏe để có thể về thăm lại chiến trường xưa trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. 70 năm là khoảng thời gian dài, tuổi cao nên nhiều kỷ niệm giờ lúc nhớ, lúc quên, nhưng tôi luôn ghi nhớ và tự hào mình là chiến sỹ Điện Biên. Luôn tự hào về tuổi thanh xuân đã sống, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

3. Dùng vũ khí của địch để đánh địch

Chiều ngày 7/5/1954 lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của địch ở Điện Biên Phủ. Trận chiến ác liệt được nhà thơ Tố Hữu mô tả trong bài “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” qua những câu thơ: “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn ...” của quân ta đã giành thắng lợi. 70 năm trước, cụ Trần Ngọc Tỵ, thôn 2, xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý là người lính thông tin trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vinh dự được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy. Sinh năm 1928, năm nay đã 96 tuổi nhưng cụ Tỵ vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Theo lời kể của cụ Tỵ, tháng 1/1949, cụ Tỵ - khi ấy là chàng trai tuổi mới đôi mươi tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi tham gia huấn luyện, cụ Tỵ được bổ sung vào Binh đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ cụ Tỵ từng tham gia chiến dịch Cao-Bắc-Lạng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Tỵ là lính thông tin được đi cùng đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn Trưởng Đại đoàn 312 làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin chỉ huy luôn thông suốt, bí mật, kịp thời tới các đơn vị thuộc Sư đoàn. Cụ Tỵ nhớ lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, địch thả dù viện binh và tiếp tế xuống Điện Biên Phủ, nhưng nhiều dù tiếp tế đã lọt vào trận địa của ta. Đêm đến, quân ta đã bắt được tù binh địch; lấy được nhiều vũ khí, quân lương của địch... Và quân ta đã dùng chính vũ khí của địch để đánh địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...

Cụ Tỵ (bên trái) giới thiệu về tấm huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ.
Ảnh: Phạm Hiền

Trong khi làm nhiệm vụ, cụ Tỵ từng phải đối diện với hai lần bị sập hầm tưởng chết. May mắn, đồng đội đã kịp thời đào đất đá cứu cụ an toàn. Dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng những người lính thông tin như cụ Tỵ luôn bảo đảm thông tin chỉ huy tới các đơn vị chính xác, nhanh chóng, bí mật, kịp thời... Cụ Tỵ may mắn là người lính thông tin được đi cùng đồng chí Lê Trọng Tấn, người chỉ huy Đại đoàn 312 đánh thắng trận đầu tiên tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và cũng là người chỉ huy bắt sống tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm. Cụ vinh dự được chứng kiến thời khắc lịch sử quân địch kéo cờ trắng xin hàng. Chứng kiến thời khắc lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries... trong lòng cụ Tỵ lúc ấy tràn ngập niềm vui, niềm hân hoan, vui sướng... 70 năm đã trôi qua, mái tóc xanh xưa giờ đã bạc trắng, chuyện xưa có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng khi hồi tưởng lại giây phút được chứng kiến thời khắc lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước cụ Tỵ vẫn mỉm cười hạnh phúc...

Cầm trên tay chiếc huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” đã cũ, có chỗ đã bị bong tróc cụ Tỵ nói: Hàng chục năm nay, đây là kỷ vật tôi rất trân trọng và giữ gìn. Trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tôi lại nhớ về những năm tháng tuổi trẻ cùng đồng đội lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng - đánh giặc cứu nước. Tôi luôn tự hào mình là chiến sỹ Điện Biên Phủ, là “Bộ đội Cụ Hồ” từng cống hiến những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất cho sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước.

Phương Dung - Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/ky-uc-dien-bien-phu-trong-trai-tim-nguoi-linh-122306.html