Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 10)

Kỳ 10: Gặp người lính pháo thủ trên chiến trường Điện Biên năm xưa

70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính Điện Biên năm xưa Sầm Văn Kiến tại xóm Bó Mỵ, xã Bình Dương, huyện Hòa An.

Những tấm huân, huy chương kháng chiến được ông Sầm Văn Kiến cẩn thận gìn giữ và coi đó là một niềm tự hào.

Người chiến sĩ can trường

Sinh năm 1929 trong một gia đình thuần nông tại xã Bình Dương (Hòa An). Tháng 1/1950, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, ông Kiến tạm biệt người vợ thân yêu tình nguyện xin nhập ngũ lên đường kháng chiến. Ông cho biết: Lúc đó, nơi ông ở, thanh niên xung phong đi nhiều lắm, được cả trung đoàn. Ai cùng tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng cống hiến sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc.

Thời gian đầu tham gia quân ngũ, ông học tập, huấn luyện tại Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316), Trung đoàn 174, ông Kiến đã từng xông pha khắp các chiến trường từ miền Bắc trải dài cho đến Thanh Hóa. Năm 1951, ông tham gia chiến trường Đồng bằng Bắc Bộ rồi đánh xuống Quảng Ninh, Hưng Yên. Đến cuối năm 1953, nhận được lệnh, ông cùng đơn vị bắt đầu hành quân lên Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chuyển về Trung đoàn 104 (Sư đoàn 316), giữ vị trí pháo thủ với nhiệm vụ khi ấy là vận chuyển pháo cùng đạn pháo lên long chảo Điện Biên.

Ông vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng chí, đồng đội hành quân từ Thanh Hóa lên Tây Bắc. Điện Biên lúc đó không có đường lên, chỉ toàn rừng là rừng; bộ đội ta một sư đoàn cùng cả dân quân, thanh niên xung phong phải ngày đêm xẻ núi làm đường để lên Mường Phăng, chờ làm đường xong mới kéo được pháo lên. Qua lời kể của ông, đường kéo pháo không được tính bằng chiều dài vật lý nữa mà thay vào đó được tính bằng những gian khổ, hiểm nguy mà quân ta phải đối mặt, bao nhiêu mồ hôi và xương máu của hàng nghìn con người đã đổ xuống. Để đảm bảo bí mật, an toàn, đơn vị phải hành quân vào ban đêm, băng rừng, lội suối vượt núi cao, dốc lớn, đi cả tháng trời mới tới được Điện Biên Phủ.

Những ngày ấy, quân ta phải kéo hàng trăm khẩu pháo cùng súng cối, đạn pháo, có những khẩu nặng hơn 2 tấn, hoàn toàn bằng sức người, vượt qua những dốc núi cheo leo, đèo cao hiểm trở, vượt muôn vàn chông gai, gian khổ để vào trận địa là lòng chảo Điện Biên. Pháo nặng, địa hình dốc cao, kéo trầy hết da tay. Trời khô ráo thì đỡ vất vả, trời mưa, sơ sẩy là pháo trượt, cả người cả pháo lăn xuống vực ngay. Kể đến đây, với ngữ điệu chân chất của người dân nông thôn, ông vừa giơ 2 ngón tay lên, vừa nhấn mạnh: Thế mà bộ đội ta phải kéo pháo ra kéo pháo vào 2 lần đấy.

Theo đó, các đơn vị pháo binh bắt đầu kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa từ đêm 16/01/1954. Đến nơi, các đơn vị bắt đầu chuẩn bị lương thực, chỉ huy bố trí trận địa với thời gian 7 ngày để chuẩn bị cho ngày nổ súng. Đến ngày 25/1/1954, các đơn vị pháo binh đã hoàn thành nhiệm vụ, lập kỳ tích đưa pháo vào kịp chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tấn công. Thế nhưng, khi pháo vừa vào đến trận địa lại được lệnh phải lui quân và kéo pháo ra. Bởi sau nhiều ngày theo dõi những diễn biến trên chiến trường và tương quan lực lượng giữa ta và địch, để đảm bảo nguyên tắc "Đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc", Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn cuộc tấn công, lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày. Chính vì vậy, tất cả lực lượng pháo binh kéo trở lại vị trí tập kết ban đầu ngay trong đêm 26/1. Cuộc chiến đấu với đèo cao, dốc thẳm lại bắt đầu trở lại. Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ nhưng kéo pháo ra lại càng gian khổ hơn gấp bội. Rồi trong quá trình kéo pháo ra, quân Pháp đã phát hiện thấy các hoạt động của bộ đội ta nên liên tục cho máy bay ném bom, pháo kích gây cho quân ta nhiều tổn thất.

Trong những ngày đóng quân trên chiến trường Điện Biên, ông Kiến được giao cả nhiệm vụ đào giao thông hào, việc củng cố chiến hào được triển khai trên toàn bộ mặt trận, tạo thành thế gọng kìm bao vây, thắt chặt lấy cổ quân Pháp. Ông bảo không đào hào thì không thể đi được. Địch đông, vũ khí lại mạnh, các chiến sĩ có lúc ngồi đào, đứng đào cũng có lúc phải nằm bò ra để đào. Ông cùng các đồng đội đào hào từ vị trí đóng quân trong rừng, đến “đồng bằng” rồi cắt qua sân bay Mường Thanh khoảng 2 km nhưng phải đào suốt gần 2 tháng trời. Có những đêm trời mưa như trút nước, nước ngập xuống hào, chúng tôi phải dầm mình trong đó, dùng tay, dùng mũ để xúc bùn, đựng nước đổ ra ngoài. Bộ đội ta cứ thế đào hào đến cứ điểm trung tâm của địch, phải đào hầm cắt qua sân bay mới đến được đồn địch. Đào xong phải cẩn thận vận chuyển, đưa 1 tấn thuốc nổ vào tận dưới hầm địch. Phải thuốc nổ to mới nổ được, mới bắt được tướng Đờ cát - ông Kiến kể rõ từng chi tiết.

Cuối cuối tháng 3/1954, quân ta đánh vào cứ điểm đồi A1. Trận địa đồi A1 tương đối thấp nhưng 2 bên lại có rừng núi. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Nhắc đến trận đánh khốc liệt năm ấy, giọng nói ông không giấu được niềm tự hào: Dù cho chỉ còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng quyết không lùi bước. Địch càng mạnh, thương vong càng nhiều ta càng quyết chiến, quyết tử với quân địch đến cùng để bảo vệ dù chỉ là một tấc đất của tổ quốc Việt Nam.

Sư đoàn 316 của ông khi ấy được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75 mm, hai đại đội súng cối 120 mm, hai trung đội cối 82mm có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao A1, C1, C (thuộc trung tâm đề kháng Eliane phía đông) và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động. Ông lúc đó là tiểu đội trưởng, phụ trách pháo DKZ 75 ly, bắn thẳng đánh lại 3 xe tăng xuống lấp hào tại đồi A1. Xe tăng bắn súng trường không được, phải dùng loại pháo hạng nặng thì mới xuyên thủng được lớp giáp kiên cố của xe địch. Khi ấy, lực lượng bộ binh vừa đến hàng rào đồi A1, thấy xe tăng địch ra, ông bắn liên tiếp 2 phát. Phát đầu tiên, địch bắn trả, pháo nổ khiến một đồng chí xạ kích hy sinh. Đến phát thứ 2 pháo giật, nổ to tạo sức ép khiến 1 tai ông bị điếc. Ông bảo lúc đó tưởng chừng ông đã hy sinh ở Điện Biên rồi, giây phút pháo nổ, tai bỗng ù đi, không nghe được gì nữa rồi ngất lịm.

Ông được đưa về tuyến sau rồi chuyển xuống Phú Thọ để điều trị. Ngày ông bị thương còn cách ngày chiến dịch toàn thắng chỉ 1 tuần. Nghe tin chiến thắng, Trung đoàn 98 lên cắm cờ Điện Biên, cảm xúc trong tôi lẫn lộn khó tả lắm. Vui và hạnh phúc bởi sau bao ngày đêm kiên cường, gian khổ, biết bao đồng đội đã hy sinh xương máu, quân ta cũng đã giành được thắng lợi, đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cũng có tiếc bởi đã không được ở lại đến phút cuối cùng để chứng kiến thời khắc thiêng liêng ấy, khi lá cờ đỏ sao vàng “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Nhớ mãi một thời khói lửa hào hùng

Trong thời gian tham gia quân ngũ, ông Kiến bị thương 2 lần. Lần 1 bị thương ở Cẩm Lý (Quảng Ninh) khi còn công tác tại Trung đoàn 174, cối bắn trúng bụng. Lần thứ 2 bị thương trong trận tấn công thứ 2 tại Chiến dịch Điện Biên Phủ.Say sưa với hồi ức về những năm tháng tham gia kháng chiến nằm gai nếm mật, ông tự hào khi nhiều lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, nhưng do chiến tranh đã thất lạc gần hết. Hiện ông chỉ còn giữ được tấm Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông xuất ngũ trở về quê hương. Mang trên mình những vết thương chiến tranh nhưng ông Kiến luôn tích cực tăng gia sản xuất tại hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương. Sau khi hợp tác xã giải thể, ông cùng gia đình tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nông nghiệp, làm một người nông dân hiền lành, chân chất. Năm 2013, ông được công nhận là thương binh hạng 2 với 68% thương tật.

Ông Kiến bùi ngùi: Tôi là một trong những người may mắn còn sống và được trở về quê hương với gia đình. Nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh và nằm lại chiến trường; hiện có người còn chưa tìm thấy mộ. Thi thoảng ông vẫn nằm mơ thấy những người đồng đội cũ năm xưa đã hy sinh. Những chàng trai tuổi đôi mươi, vẫn khuôn mặt ấy, vẫn nụ cười ấy trong bộ quân phục thân quen ấy và những cả những kỷ niệm gắn bó trên chiến trường.

Mặc dù tuổi cao nhưng ông Sần Văn Kiến vẫn phụ giúp một số công việc gia đình.

Giờ đây, bước vào tuổi 95 nhưng ông Kiến vẫn minh mẫn, sống vui vẻ bên con cháu. Phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, ông luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động bà con, gia đình tham gia vào các phong trào do các cấp, ngành, địa phương phất động. Năm 2023, gia đình ông được công nhận là Gia đình văn hóa tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ông luôn giáo dục, động viên, nhắc nhở thế hệ cháu con phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của quê hương, tích cực lao động, xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu, xứng đáng với những hy sinh xương máu của ông cha để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Anh Sầm Văn Vương, con trai ông cho biết mặc dù tuổi đã cao nhưng bố anh vẫn tự mình chăm sóc bản thân, thi thoảng còn nấu cơm, làm một số việc nhẹ trong nhà phụ giúp lúc vợ chồng anh bận việc đồng áng. Mặc dù con cháu muốn được chăm sóc ông từng bữa ăn giấc ngủ nhưng có lẽ bởi phẩm chất tự lực tự cường của người chiến sĩ, ông luôn bảo rằng còn khỏe, còn minh mẫn, tự làm được những công việc sinh hoạt hằng ngày nên vẫn muốn được tự mình làm lấy.

Chia tay ông và gia đình khi ấm trà đã cạn. Giây phút nói lời chào tạm biệt, dường như trước mắt tôi không còn là một cụ già lưng còng, tóc bạc mà là chàng thanh niên hừng hực sức trẻ, lòng yêu nước, hiên ngang, kiên cường với nụ cười thường trực trên môi, vững cây súng trên tay trong bộ quân phục màu xanh. Tạm biệt ông, trong tôi vang vọng những câu thơ:

Chiến công của biết bao người

Hy sinh xương máu, cuộc đời trẻ trung

Công lao to lớn vô cùng

Việt Nam chiến thắng lẫy lừng năm châu

Kinh động khắp cả địa cầu

Các nước thuộc địa đi đầu làm gương

Đánh đuổi đế quốc phi thường

Mở ra định hướng con đường tự do.

Tôi cảm thấy mình thật may mắn và vinh dự khi có cơ hội gặp và trò chuyện với những nhân chứng sống của lịch sử như ông Kiến, qua đó hiểu thêm và cảm nhận được những khó khăn, gian khổ mà những trang sách sử không thể đề cập hết. Đau thương, mất mát, bi tráng những cũng thật anh dũng, hào hùng.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Kỳ 4: Tự hào được giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên

Kỳ 5: Người góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Kỳ 6: Thanh xuân gửi trọn chiến trường Điện Biên

Kỳ 7: Gặp người lái xe trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Kỳ 8: Hồi ức người lính Điện Biên

Kỳ 9: Người chiến sĩ áo blouse trắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thùy Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-10-3168776.html