Bài 8: Mường Phăng ngày ấy - bây giờ

Đúng 17h ngày 13/3/1954, quân đội ta nổ phát súng đầu tiên tấn công vào cứ điểm Him Lam và tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở đầu cho 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng và oanh liệt, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', để lá cờ 'Quyết chiến - Quyết thắng' của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ - cát -xtơ - ri vào ngày 7/5/1954.

Trong chuỗi ngày khói lửa ấy, từ Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên phủ tại xã Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh đã chỉ đạo các mũi tiến công dần xóa sổ hoàn toàn “pháo đài bất khả chiến bại” của thực dân Pháp, đập tan kế hoạch Nava, mở ra trang sử mới cho cách mạng Việt Nam.

Sau hành trình dài qua các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc theo dấu chân dân công hỏa tuyến và chiến sĩ Điện Biên năm xưa, Đoàn công tác Báo Lào Cai đã có mặt tại thành phố Điện Biên Phủ. Những ngày này, thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa, với hàng vạn người từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và du khách nước ngoài đổ về đây giữa bầu không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Để hiểu rõ hơn về Chiến thắng Điện Biên Phủ - dấu son vàng của cách mạng Việt Nam, chúng tôi từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ đi 30 km đến xã Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm. Đường vào Mường Phăng mùa này đi giữa một màu xanh mướt của cây lá, những rừng trẩu, rừng hoa ban bung nở hai bên đường làm tâm trạng mọi người thêm náo nức, hân hoan.

Từ trụ sở UBND xã Mường Phăng, anh Cầm Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND xã đưa đoàn công tác đến thăm khu rừng nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Mặc dù gần trưa, nắng và bầu không khí khá oi bức nhưng hàng nghìn du khách gồm người dân, các cựu chiến binh đã có mặt tại đây trên hành trình trở về địa chỉ đỏ cách mạng.

Cách đây hơn 70 năm, để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Khu rừng này tuy chỉ cách cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp khoảng 30 km nhưng vô cùng bí mật vì nằm dưới rừng cây cổ thụ, lọt thỏm giữa đại ngàn mênh mông gần như không có nhà dân sinh sống. Đặc biệt, từ Sở Chỉ huy, leo ngược lên đỉnh núi Pú Huốt ở độ cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển có thể quan sát toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm: đồi Him Lam, Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm Đờ-cát.

Chúng tôi theo dòng người nối nhau đi trên con đường nhỏ vào rừng, cái nắng nóng như biến mất, thay vào đó là bầu không khí trong lành, dịu mát. 70 năm qua, khu rừng được người dân nơi đây bảo tồn nguyên trạng với những cây cổ thụ cao vút, xòe tán xanh rợp.

Qua trạm gác nhỏ là đến nơi ở, làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Tổng Tham mưu phó QĐND Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái; cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh; Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy... Trong điều kiện khó khăn ngày ấy, các lều lán làm việc của bộ đội, chiến sĩ, đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều hết sức đơn sơ, được làm bằng cột tre, gỗ, vách liếp, mái tranh đơn giản.

Công trình kiên cố nhất của Sở Chỉ huy là hầm tránh bom đạn xuyên qua lòng núi, thông từ nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nơi làm việc của Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái. Đường hầm này làm trong vòng 1 tháng, có chiều cao 1,7 m, dài 69 m. Giữa đường hầm có một phòng họp rộng 18 m2, có lỗ thông hơi lên đỉnh đồi.

Dọc theo đường hầm được thiết kế 5 ngách để đặt máy thông tin liên lạc. Trong đó, 1 máy để nối với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch, 4 máy còn lại nối với các đại đoàn chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Từ đây, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đập tan tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm của thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Anh Cầm Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND xã Mường Phăng giới thiệu thêm: Cùng với các công trình trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn cho làm một chiếc lán rộng tại Sở Chỉ huy chiến dịch làm hội trường. Tại đây, ngày 7/2/1954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức hội nghị quan trọng quán triệt phương châm tác chiến mới và chuẩn bị chiến đấu đánh sập hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sở Chỉ huy chiến dịch còn có lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến là nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy, khu bếp Hoàng Cầm nấu cơm không có khói tránh máy bay địch phát hiện…

Qua 7 thập kỷ, những di tích của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được lưu giữ, bảo tồn, tôn tạo giúp thế hệ sau hiểu hơn những khó khăn, gian khổ của quân đội ta và tinh thần vượt qua mọi gian khó nơi rừng sâu, núi thẳm để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà con nơi đây vẫn gọi khu rừng nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ một cách gần gũi là “rừng Đại tướng”.

Trong nườm nượp dòng người đến thăm khu di tích, tôi gặp ông Nguyễn Đức Sơn, một cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi, nhà ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Ông Sơn xúc động: Cách đây tròn 70 năm, bố tôi là cụ Nguyễn Đức Sáu đã trực tiếp tham gia trận đánh vào Đồi A1 và bị thương. Sau 7 lần nằm trên bàn mổ, bố tôi đã phải cắt đi chân trái. Nay bố tôi đã 97 tuổi, không thể về thăm lại chiến trường xưa nhưng ông vẫn nhớ thương các đồng đội và nhắc con cháu trở về nơi mình đã chiến đấu năm xưa. Tôi thật tự hào vì bố tôi là người chiến sĩ Điện Biên anh hùng.

Đến thăm di tích đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Jean, một du khách đến từ Pháp chia sẻ: Là người Pháp, từ lâu, tôi đã được nghe về cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Đến đây, tôi rất khâm phục tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ, bộ đội Việt Nam trong điều kiện chiến đấu khó khăn, thiếu thốn, vũ khí thô sơ, ăn núi ngủ rừng nhưng 70 năm trước đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, buộc tướng Đờ Cát phải đầu hàng, khiến cả thế giới phải nể phục.

Trở về Mường Phăng – cơ quan “đầu não” của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong những ngày tháng 5 lịch sử, đoàn công tác Báo Lào Cai có dịp đến thăm những bản làng của đồng bào dân tộc nơi đây. Xã Mường Phăng trước đây thuộc huyện Điện Biên, sau đó đến tháng 8 năm 2019 được sáp nhập vào thành phố Điện Biên Phủ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Quang Đôn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng thông tin: Mường Phăng là xã thuần nông với 20 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái (chiếm 74%), còn lại là dân tộc Mông. Trước đây, Mường Phăng còn rất nhiều khó khăn, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn gần 20%.

Trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng không ngừng nỗ lực, cố gắng, đoàn kết phát triển kinh tế, tập trung giảm nghèo. Nhờ đó, đến năm 2018 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Điều đáng phấn khởi là đời sống Nhân dân Mường Phăng ngày càng no ấm. Riêng năm 2023, xã xóa được 26 hộ nghèo và cận nghèo, chỉ còn 7 hộ nghèo và cận nghèo. Sản lượng lương thực đạt 2.800 tấn/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%; 5/5 trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Đến Mường Phăng, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là được thăm những bản làng đồng bào dân tộc Thái với những nếp nhà sàn truyền thống nằm bình yên bên cánh đồng xanh mướt, phía sau là rừng cây xanh thẳm. Hôm nay, bên ngôi nhà sàn ở bản Che Căn, gia đình anh Lò Văn Đức được đón những đoàn khách là các cựu chiến binh đến từ thủ đô Hà Nội về đây tham quan. Từ năm 2018 đến nay, ngôi nhà nhỏ của anh mang tên homestay Phương Đức, trở thành nơi lưu trú gần gũi của du khách gần, xa mỗi khi đến với bản làng.

Anh Lò Văn Đức rót chén rượu thơm, giọng phấn khởi: Đồng bào Thái ở Mường Phăng luôn tự hào quê hương mình hơn 70 năm trước đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Xưa kia, bà con tích cực ủng hộ cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Những cánh rừng già cũng là nơi chở che cho bộ đội ta.

Ngày nay, bà con luôn bảo nhau phải giữ những khu rừng như máu thịt của mình vì đó là nơi ghi dấu bao kỷ niệm của một thời kháng chiến chống Pháp của dân tộc, là “lá phổi xanh” của bản làng. Người dân bản Che Căn hôm nay càng thêm phấn khởi xây dựng bản mình trở thành bản du lịch cộng đồng giàu bản sắc, góp phần quảng bá vẻ đẹp quê hương, giúp bà con có thêm thu nhập.

Anh Lò Văn Đức

Nói rồi, anh Đức giới thiệu với đoàn những đặc sản của địa phương như mật ong rừng, chẩm chéo, thịt trâu sấy, cá nướng, các dược liệu, vị thuốc quý lấy từ trên rừng. Ngoài ra, còn có các sản phẩm của nghề rèn truyền thống bản Lọng Háy, Lọng Luông; các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái bản Phăng, Che Căn; các di sản văn hóa phi vật thể như làn điệu dân ca, dân vũ, điệu xòe Thái đậm đà bản sắc…

Chia tay vùng đất Mường Phăng, hình dung về hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang làm việc trong căn lán cỏ đơn sơ giữa khu rừng già cổ thụ dưới chân núi Pú Luông vẫn in đậm trong lòng mỗi chúng tôi cùng những cảm xúc không thể nào quên.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-8-muong-phang-ngay-ay-bay-gio-post383705.html