Đồng bào Cor mang họ Bác ở miền Tây Quảng Ngãi

Năm 1969, nghe tin Bác Hồ từ trần, đồng bào Cor ở phía Tây Quảng Ngãi đã về chiến khu Trà Lãnh dự lễ truy điệu do Huyện ủy Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Tại buổi lễ này, các già làng người Cor đã đề đạt nguyện vọng 'muốn mang họ Bác', thể hiện tấm lòng trung kiên với Ðảng, ghi nhớ công ơn và làm theo lời dạy của Bác Hồ.

Những ngày này, bà con ở xã Trà Sơn, huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi dọn dẹp, sửa sang bàn thờ và chuẩn bị những mâm lễ dâng lên dịp sinh nhật Bác.

Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Hồ Văn Biên (60 tuổi, ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn) tấm ảnh Bác Hồ được treo ở vị trí trang trọng. Ông Biên lấy tấm khăn sạch, cẩn thận lau những hạt bụi trên ảnh Bác rồi nhẹ nhàng đặt lại lên tủ. Ông Biên cho biết, đồng bào Cor ở đây treo ảnh Bác để nhắc nhở con cháu phải luôn khắc ghi công ơn của Đảng, của Bác Hồ và phấn đấu để xây dựng quê hương, đất nước. Có Đảng, có Bác Hồ thì mới có độc lập, tự do, đồng bào Cor mình mới có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.

Ông Hồ Văn Biên lau cẩn thận ảnh Bác sau đó đặt lại vào vị trí chính giữa của bàn thờ.

Ông Hồ Văn Biên lau cẩn thận ảnh Bác sau đó đặt lại vào vị trí chính giữa của bàn thờ.

Nghệ nhân Hồ Văn Biên nói: "Đồng bào Cor rất vinh dự được mang họ Bác. Mình theo Đảng, theo Nhà nước, theo Bác Hồ đời sống đồng bào Cor mỗi ngày phát triển. Thứ nhất chúng tôi không bao giờ quên được Bác Hồ đã dìu dắt để tất cả người Cor đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Bữa nay được xây dựng nền tảng về kinh tế đời sống, xóa đói giảm nghèo".

Làng Trà Dòn ở thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng có 116 hộ dân, toàn bộ là đồng bào Cor và đều mang họ Hồ. Khi cuộc sống dần phát triển, đồng bào Cor ở Trà Thủy chú trọng hơn trong bảo tồn văn hóa truyền thống. Hiện nay, làng còn gìn giữ được 80 bộ chiêng cổ, đàn brood và nhiều trang phục dân tộc Cor.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An (66 tuổi, ở thôn 2, xã Trà Thủy) là người góp công lớn trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông đi từng nhà vận động thanh thiếu niên học cồng chiêng và tham gia đội chiêng, đội văn nghệ của địa phương. Đến nay, xã Trà Thủy đã thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cor do nghệ nhân Hồ Ngọc An làm chủ nhiệm với 30 thành viên. Cứ dịp cuối tuần, những người Cor lớn tuổi lại truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Bản thân ông An cũng từng là lính cụ Hồ với hơn 20 năm tuổi Đảng. Từ tình yêu với Bác, tự hào mang họ Bác, ông luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực, làm mọi cách để lớp trẻ học tập và làm theo Bác, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vì văn hóa là gốc của xã hội.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An đang biểu diễn Chiêng.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An đang biểu diễn Chiêng.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An tự hào chia sẻ: "Không riêng gì vinh dự được mang họ của Bác Hồ, mà đặc biệt hơn nữa tôi là lính cụ Hồ, thành ra tôi làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để phát huy bản sắc vắn hóa dân tộc, không để mai một đi. Đây là điều tôi trăn trở, lo lắng bao nhiêu năm. Mình có sự chọn lọc, nói như Bác, cái gì tốt mình giữ, cái gì không tốt, nếu như chưa được bỏ thì mình dần dần bỏ để cho con cháu sau này."

Nghệ nhân Hồ Ngọc An là người nặng lòng với bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào Cor Trà Bồng.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An là người nặng lòng với bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào Cor Trà Bồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, tình yêu vô vàn với Bác Hồ không chỉ được khắc ghi trong tim mỗi người dân ở huyện Trà Bồng mà còn trở thành động lực biến tình yêu, lòng biết ơn Bác thành hành động cụ thể trong việc học tập và làm theo lời Bác dạy. Những năm qua, nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước nên diện mạo kinh tế - xã hội của huyện Trà Bồng đổi thay rõ rệt. Nếu như năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm trên 42%, thì đến cuối năm 2023 chỉ còn hơn 29%.

Nhà nước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho Trà Bồng.

Nhà nước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho Trà Bồng.

Đáng nói, tư duy tập quán canh tác đã thay đổi hoàn toàn sau hàng loạt các chương trình giảm nghèo ở khu vực miền núi được triển khai như: 134, 135, 30a và bây giờ là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, đồng bào Cor ở Trà Bồng đã chấm dứt tình trạng du canh du cư, bà con được giao đất, giao rừng sản xuất, đời sống có nhiều khởi sắc so với thời gian trước. Kinh tế khấm khá, bà con chú trọng hơn trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến nay, có 13/13 xã của huyện Trà Bồng thành lập Câu lạc bộ văn hóa, 17 thôn thuộc 5 xã thành lập đội văn nghệ, 20 câu lạc bộ cồng chiêng. Điều đặc biệt là các nghệ nhân đã truyền dạy cho các em học sinh ở các trường học trên địa bàn huyện về bản sắc văn hóa của đồng bào mình.

Đồng bào Cor giờ kinh tế đã khấm khá hơn trước nhờ biết chăn nuôi, trồng rừng.

Đồng bào Cor giờ kinh tế đã khấm khá hơn trước nhờ biết chăn nuôi, trồng rừng.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: "Việc lấy họ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nét văn hóa, truyền thống của đồng bào Cor. Chính điều này nên trong quá trình vận động quần chúng nhân dân rồi thực hiện các chủ trương, chính sách về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh đều được đồng bào dân tộc Cor ủng hộ, làm thay đổi nhận thức, tuy duy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội".

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dong-bao-cor-mang-ho-bac-o-mien-tay-quang-ngai-post1095974.vov