Nhớ một thời làm báo

Năm nay, báo Đảng tỉnh phấn khởi kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển. Trong thành công lớn mạnh như hôm nay, chúng ta không quên các vị tiền bối trước đây.

Những ngày đầu làm báo

Anh Phạm Toàn là người được Tỉnh ủy giao đứng ra tổ chức thành lập Báo Cao Bằng, lúc đó anh là phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại tỉnh. Thời còn làm việc, anh thường tâm sự với lớp trẻ rằng: Chủ trương của Tỉnh ủy là chuyển bản tin nội bộ lên tờ báo chính thống của Đảng bộ. Báo ra đời trong khi đất nước còn chiến tranh, cơ sở vật chất từ trụ sở (ghép với ban Đảng), chưa có máy ảnh, máy ghi âm cho phóng viên. Thời kỳ mà hạt gạo hậu phương miền Bắc phải chia đôi, chia ba phục vụ sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước. Anh em vẫn đùa là phóng viên viết chay vì tin, bài không có ảnh minh họa. Biên chế của đơn vị mới có 4 - 5 người. Trong khó khăn, các anh vẫn tập trung xây dựng quy chế làm việc để cơ quan đi vào hoạt động nền nếp, để việc điều hành công tác xuất bản các số báo đúng kỳ.

Thời đó, báo khổ nhỏ, bốn trang, in thì nhòe nhoẹt vì công nghệ in còn lạc hậu. Phóng viên viết tin, bài hầu hết chưa qua đào tạo. Các anh học qua kinh nghiệm một số người quen viết nên mỗi tin, bài anh em loay hoay viết rồi xóa, xóa rồi lại viết vì “từ không tìm được tứ chi rã rời”. Sự miệt mài học hỏi để viết tin, bài không phụ lòng người nên bài viết cũng thành công. Số báo đầu tiên ra đời càng làm cho cơ quan phấn khởi, tự tin với nghề. Công việc chồng chất là vậy, lãnh đạo chú trọng chọn việc làm trước sao cho việc điều hành đồng bộ, trong đó việc quan trọng hàng đầu là tuyển người viết theo tiêu chí báo đã quy định.

Chọn nhân tài viết báo

Nghề viết báo - một loại lao động đặc thù vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Những người đó phải dũng cảm, có năng khiếu và ham viết, đặc biệt là chịu khó đi cơ sở, bởi đó là kho tư liệu để nhà báo cày xới, có tư liệu lại biết phân tích, chọn lọc vấn đề nào xã hội đang cần giải đáp, đây là tiêu chí chủ yếu chọn người viết. Nguồn tuyển người phong phú gồm: cộng tác viên vẫn viết cho tờ tin nội bộ, giáo viên các cấp, các trường trong tỉnh và con em cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh… lượng người đăng ký thi tuyển phóng viên khá đông nhưng khi đọc tiêu chí thấy không phù hợp, yếu về khiếu viết họ đã ngãng ra. Lượng người được tuyển chọn thử việc cũng rớt đến 80% vì lý do sức khỏe, không có năng khiếu viết đều xin chuyển việc khác. Số anh em qua thử việc trụ lại đều được tập trung đến các trường trung cấp, đại học để tôi luyện kỹ năng viết để họ có “cẩm nang” tự tin “sinh nghề, tử nghiệp”. Qua nhiều lần chọn người viết, lãnh đạo các thời kỳ đã rút ra giải pháp chọn phóng viên từ nguồn các trường nghề, đặc biệt là nghề báo chí. Ai yêu nghề báo, họ có bằng đại học vào cơ quan, sau đó được cử học văn bằng hai (báo chí) để học và làm nghề viết báo.

Phóng viên trẻ Báo Cao Bằng tìm hiểu về lịch sử của tờ báo Đảng tỉnh.

Trong số các Tổng Biên tập Báo Cao Bằng, anh Nguyễn Ly là một người đặc biệt quan tâm đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho người viết báo. Anh mạnh dạn cử một lúc 4/7 phóng viên đi đào tạo đại học (văn bằng 2 nghề báo). Một số anh em lo ngại cho các số xuất bản các kỳ tiếp nên băn khoăn, anh cười nói: “Các cậu cứ yên tâm đi học thật tốt, việc nhà bọn tớ lo được. Tớ cũng là nhà báo cơ mà…”. Được lời động viên của lãnh đạo mọi người vui vẻ nhập học. Công việc sau đó được các anh tổ chức lại, lãnh đạo đều trở về viết tin, bài như phóng viên và các số báo vẫn xuất bản đúng định kỳ.

Quản lý người viết báo

Ban Biên tập báo nếu được đào tạo đúng nghề sẽ tạo thuận lợi cho việc điều hành công việc cơ quan vì đây là nghề đặc thù nên có chuyên môn sẽ động viên phóng viên tốt hơn. Học nghề báo, phóng viên đều biết kỹ năng biên tập, đọc bản thảo, sửa tin, bài. Đặc biệt thư ký xuất bản phải đọc bản thảo, đọc báo đã in thử với dung lượng hàng vạn chữ vừa đọc, vừa phát hiện lỗi chính tả, câu văn (duyệt ma két)…, phóng viên có thâm niên dày dặn kinh nghiệm, còn một số phóng viên mới vào nghề phải chỉ dạy, đào tạo họ trưởng thành; có khi còn gợi mở đề cương vắn tắt cho họ để khỏi lạc đề. Một vấn đề cấp thiết là nắm việc, phân việc và tạo điều kiện cho phóng viên luôn tiếp xúc cơ sở càng nhiều càng tốt, cơ quan tạo môi trường cho người viết. Thời kỳ đầu do trụ sở chật hẹp việc quản lý phóng viên là bố trí phòng họp để họ viết. Lượng người viết 4 - 8 người mà khách của phóng viên lại đông thì phòng tĩnh trở thành phòng đông người. Khách là cộng tác viên đến trao đổi nghề không tiếp sao được, vì chính họ là nguồn tư liệu sống mà phóng viên cần. Môi trường cho phóng viên viết bài lại là gánh nặng lên vai lãnh đạo. Các anh phát động mọi người hiến kế. Mỗi giải pháp đều giao cho một vài phóng viên khảo nghiệm, sau đó tổng hợp rút ra hai cách, một là cho phóng viên thường trú, đó là giải pháp có hướng tốt nhưng phóng viên cần đọc tin tức hằng ngày nên không thỏa đáng. Giải pháp cho phóng viên viết tại nhà qua thử nghiệm đã đáp ứng cho người viết vì họ vừa giúp được gia đình, tư tưởng thoải mái lại có thời gian yên tĩnh để viết tin, bài nên hiệu quả cao; phương pháp này được duy trì tới ngày nay.

60 năm trôi qua, nhớ lại và xin tri ân lớp tiền bối đã để lại những bài học quý cho thế hệ sau, đó là các anh: Phạm Toàn, Nguyễn Ly, Lý Văn Sáng, Nông Văn Tín, Bế Vi Vân, Bế Giang, Đinh Quang Vận, Đào Đặng Ngọc, Lương Thanh, Ngô Hưng…

Mong Báo Cao Bằng tiếp tục đoàn kết, xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, đáp ứng “ý Đảng, lòng dân”; xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, của dân.

Thanh Quế

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nho-mot-thoi-lam-bao-3168281.html