Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/8/2022

Nhật Bản lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới; Giá xăng tại Mỹ ghi nhận chuỗi giảm dài thứ hai trong 17 năm qua; Đức cho hoạt động trở lại nhà máy điện than thứ hai… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 24/8/2022.

Nhà máy điện than Heyden dự kiến sẽ hoạt động trở lại từ ngày 29/8 đến cuối tháng 4/2023. Ảnh: Uniper

Nhật Bản lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới

Theo tờ Nikkei Asia, tại hội nghị của Hội đồng Thực hiện Chuyển đổi Xanh được tổ chức ở văn phòng Thủ tướng ngày 24/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã kêu gọi đẩy nhanh việc phục hồi sản xuất điện hạt nhân trong nỗ lực giải quyết tình trạng giá năng lượng nhập khẩu tăng cao.

Theo ông Kishida, Nhật Bản cần cân nhắc việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, trong khi chính phủ sẽ thảo luận việc đưa thêm các nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động và kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng nếu vấn đề an toàn được đảm bảo.

Nhật Bản đang lên kế hoạch phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới nhằm đảm bảo sự tự chủ về năng lượng và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Nếu kế hoạch được triển khai, điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược năng lượng của Nhật Bản.

Giá xăng tại Mỹ ghi nhận chuỗi giảm dài thứ hai trong 17 năm qua

Theo số liệu trên trang AAA Gas Prices, mức giá trung bình của 1 gallon xăng tại Mỹ đã giảm hằng ngày kể từ khi tăng lên mức cao kỷ lục 5,02 USD/gallon vào ngày 14/6 vừa qua. Giá xăng trung bình đối với dòng xăng thông thường ngày 23/8 đã giảm đáng kể xuống còn 3,89 USD/gallon, dù vẫn cao hơn so với mức giá cùng kỳ năm ngoái là 0,73 USD/gallon.

Một số chuyên gia năng lượng cho rằng nhu cầu tiêu thụ xăng giảm đáng kể đã khiến thị trường theo đó trở nên cân bằng hơn. Mặt khác, các lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái, các bất ổn đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng đã khiến giá năng lượng giảm mạnh.

Trong khi đó, việc chính quyền Biden giải phóng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược quốc gia cũng đã phần nào giúp cân đối nguồn cung, góp phần giảm áp lực cho giá năng lượng.

Đức cho hoạt động trở lại nhà máy điện than thứ hai

Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức cho biết, Nhà máy điện than Heyden ở Petershagen, gần Hanover ở miền Bắc nước Đức, dự kiến sẽ hoạt động trở lại từ ngày 29/8 đến cuối tháng 4/2023.

Với công suất 875 Megawatt, Heyden là một trong những nhà máy điện than lớn nhất ở Đức, vận hành từ năm 1987, được nối lại hoạt động trong bối cảnh nguồn cung khí đốt hạn hẹp, nhằm tiết kiệm năng lượng khí đốt trong mùa đông tới.

Theo quy định mới của chính phủ, kể từ ngày 14/7, một số nhà máy điện than được phép hoạt động lại nhằm giúp tiết kiệm khí đốt, tạm thời đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung. Trước đó, đầu tháng 8, Nhà máy Mehrum ở Hohenhameln, đã trở thành nhà máy điện than đầu tiên được khởi động trở lại.

CH Cyprus thúc đẩy khai thác mỏ mới phát hiện

Bộ trưởng Năng lượng CH Cyprus Natasa Pilides ngày 23/8 cho biết việc phát hiện một mỏ khí đốt mới ở ngoài khơi bờ biển phía Nam nước này có thể thúc đẩy hoạt động khai thác các nguồn nhiên liệu chưa được khai thác và giúp đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho châu Âu.

Bà Pilides cho biết trong bối cảnh Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho EU, CH Cyprus hiện đang đàm phán với Brussels để tham gia kế hoạch năng lượng của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Bà cho biết đã liên lạc với tập đoàn Eni và TotalEnergies để tìm cách khai thác tối ưu mỏ Cronos-1.

Trước đó, ngày 22/8, tập đoàn Eni của Italy và Total Energies của Pháp thông báo đã phát hiện một mỏ khí đốt có trữ lượng lớn tại giếng Cronos-1 cách bờ biển của CH Cyprus 160 km. Mỏ khí đốt mới có trữ lượng ước tính khoảng 70,7 tỷ m3 khí hydrocarbon.

Siêu đô thị của Nam Phi đối mặt nguy cơ bị cắt điện

Tập đoàn điện lực nhà nước Eskom của Nam Phi đang xem xét cắt điện đối với thành phố Tshwane, siêu đô thị gồm cả thủ đô hành chính Pretoria của quốc gia, do không trả nợ chưa thanh toán đúng hạn.

Cụ thể, chính quyền thành phố Tshwane đã vi phạm thỏa thuận cung cấp điện với Eskom khi không thanh toán số tiền 1,6 tỷ rand (hơn 90 triệu USD) đến hạn phải trả vào ngày 17/8 vừa qua.

Siêu đô thị Tshwane là nơi sinh sống của khoảng 3,3 triệu người. Từ tháng 2/2022, đô thị này đã bắt đầu cắt điện và các dịch vụ khác đối với những khách hàng có khoản nợ tồn đọng mà họ cho biết đã tăng đến mức không thể duy trì được.

T.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-2482022-663689.html