Tin tức kinh tế ngày 13/5: Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo; Hàng Việt đối mặt với hơn 200 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại; Indonesia cần hơn 30 triệu tấn gạo trong năm 2024… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 13/5.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo (Ảnh minh họa)

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch đầu tuần

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/5, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2358,94 USD/ounce, giảm 1,51 USD so với cùng thời điểm ngày 12/5.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 85,5-88,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 3.300.000 đồng ở chiều mua và giảm 2.800.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 12/5.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 85,5-87,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 2.200.000 đồng ở chiều mua và giảm 1.700.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 12/5.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 85,6-87,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1.600.000 đồng ở chiều mua và giảm 2.200.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 12/5.

4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản mang về 2,7 tỷ USD

Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, XK thủy sản đạt tổng cộng 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, trong top 5 nước NK lớn nhất, chỉ có XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc tăng nhẹ trong tháng 4, trong khi XK sang EU và Mỹ chỉ ở mức tương đương hoặc giảm nhẹ, đặc biệt, XK sang Trung Quốc - HK giảm trên 22%. Nhìn chung, các thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tồn kho nên NK vẫn có tính thận trọng. Điển hình thị trường Trung Quốc liên tục sụt giảm từ tháng 2, sau khi tăng mạnh vào tháng 1 để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán.

Indonesia cần hơn 30 triệu tấn gạo trong năm 2024

Bulog dự báo nhu cầu gạo ở Indonesia vào năm 2024 sẽ đạt 31,2 triệu tấn. Điều này có nghĩa là việc thực hiện nhập khẩu gạo ở Indonesia mới chỉ đạt 4,1% tổng nhu cầu trong nước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) ngày 13/5 cho biết việc thực hiện nhập khẩu gạo thông qua Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) chỉ đáp ứng chưa đến 5% tổng nhu cầu quốc gia.

Theo ông Jokowi, hoạt động nhập khẩu gạo cần tiến hành thường xuyên để đảm bảo nguồn dự trữ quốc gia và ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng cơ bản.

Ông Jokowi nói rằng, “5% gạo nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Pakistan không đủ đáp ứng nhu cầu gạo cho 280 triệu người Indonesia”.

Hàng Việt đối mặt với hơn 200 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại

Theo thông tin Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 4, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa.

Điều này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa nội địa của nước nhập khẩu. Vì vậy, các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.

Giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng tháng thứ 3 liên tiếp

Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng trong tháng 4, ghi nhận đà tăng trong 3 tháng liên tiếp, cho thấy nhu cầu trong nước ổn định, bất chấp tình trạng phục hồi kinh tế còn chưa chắc chắn.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tăng 0,3% so với cùng kỳ một năm trước đó, tăng tốc từ mức tăng 0,1% trong tháng 3. Con số này cao hơn mức dự báo 0,2% trong cuộc thăm dò của Reuters.

Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động) tăng 0,7% trong tháng 4, tăng từ mức 0,6% trong tháng 3.

Việt Nam xếp thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền ảo

Thống kê của cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A cho thấy, 10 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tiền ảo cao nhất thế giới gồm: các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Việt Nam, Mỹ, Iran, Philippines, Brazil, Ả Rập Saudi, Singapore, Ukraina và Venezuela.

Theo đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dẫn đầu với 34,4% dân số nắm giữ tiền ảo. Việt Nam đứng thứ hai với tỷ lệ 21,2% dân số sở hữu tiền số. Còn Mỹ ở vị trí thứ ba với tỷ lệ dân số sở hữu tiền số là 15,6%.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-135-viet-nam-dung-thu-hai-the-gioi-ve-ty-le-so-huu-tien-ao-711068.html