Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm với tổ chức Công đoàn

Chiều 16/10, tại phiên làm việc thứ hai Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Phạm Bá Vĩnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố khóa XVI đã báo cáo kết quả thảo luận Tổ tại phiên thứ nhất diễn ra sáng nay.

Nhất trí cao với Đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố khóa XVI Phạm Bá Vĩnh cho biết, trong sáng nay, Đại hội đã chia thành 4 tổ thảo luận, nội dung tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, trong đó tập trung thảo luận về số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVII.

Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận về dự thảo Dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố khóa XVI Phạm Bá Vĩnh báo cáo kết quả thảo luận Tổ tại phiên thứ nhất diễn ra sáng 16/10.

"Các đại biểu đã đóng góp sôi nổi, thiết thực, đầy trách nhiệm với nhiều ý kiến tâm huyết. Đoàn Chủ tịch xin trân trọng cảm ơn những đóng góp và xin tiếp thu, giải trình đẩy đủ các vấn đề", Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Bá Vĩnh cho biết.

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cao với Đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đối với Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI, đồng chí Phạm Bá Vĩnh cho biết đa số đều đánh giá cao báo cáo chính trị với bố cục hợp lý, trình bày rõ ràng, chặt chẽ, logic. Nội dung báo cáo súc tích, có số liệu chứng minh cụ thể, không đặt nặng thành tích, thẳng thắn nêu những mặt tồn tại hạn chế và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn.

Về phương hướng, nhiệm vụ, đã được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, các chương trình công tác trọng tâm của Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra có tính xác thực, khả thi cao.

Về phần chỉ tiêu, nhiệm vụ, một số đại biểu có ý kiến giảm chỉ tiêu về Thỏa ước lao động tập thể, công tác phát triển đoàn viên, giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng, các chỉ tiêu về công tác thẩm tra, giám sát hàng năm... Sau Đại hội, LĐLĐ Thành phố sẽ xây dựng chương trình kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu và Nghị quyết Đại hội đề ra.

Về các giải pháp, các đại biểu đề nghị sau Đại hội, Ban Chấp hành quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, thực hiện nhiều hơn đề án thí điểm, tăng cường công tác phối hợp để đóng góp, sửa đổi các chính sách nhằm quan tâm chăm lo hơn đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

"Về các kiến nghị, một số ý kiến giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non, lao động dệt may, lao động trực tiếp trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải; có cơ chế xây dựng nhà ở cho công nhân lao động với mức giá phù hợp... LĐLĐ Thành phố xin tiếp thu và sẽ kiến nghị với Đảng và Nhà nước xem xét giải quyết", đồng chí Phạm Bá Vĩnh cho hay.

Về Dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, qua thảo luận, đa số các đại biểu đã nhất trí cao với dự thảo báo cáo có sự đổi mới về bố cục, mang tính khoa học, xác định được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ tổng quát của cả nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Xem xét các đối tượng gia nhập Công đoàn Việt Nam

Về ý đóng góp ý kiến vào dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), đồng chí Phạm Bá Vĩnh cho biết, về cơ bản đa số các ý kiến tham gia đều nhất trí cao với dự thảo và cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, phù hợp với sự phát triển của tổ chức Công đoàn; nhằm tập hợp và thu hút đông đảo CNVCLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn, đảm bảo vị thế của tổ chức Công đoàn và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Đại hội.

Về kết cấu bố cục của dự thảo sửa đổi Điều lệ sửa đổi bổ sung, cơ bản các ý kiến đều nhất trí với kết cấu, bố cục của dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm 11 Chương, 45 Điều (tăng 10 Điều so với Điều lệ hiện hành), giữ nguyên các chương và tên các chương.

Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn một số nội dung của dự thảo Điều lệ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Cụ thể, thứ nhất, về đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam: Đề nghị cần xem xét nội dung Khoản 1, Điều 1 "Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động, người lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau.."; quy định như vậy là chưa rõ, dễ gây hiểu nhầm về hai đối tượng (1) Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động, (2) người lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; đối tượng thứ hai có thể hiểu là tất cả người lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài.

Do đó Khoản 1 cần sửa là "Người Việt Nam làm công hưởng lương, khoán lương trong các đơn vị sử dụng lao động, người Việt Nam lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, được xem xét gia nhập Công đoàn Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:...".

Về đối tượng không kết nạp vào Công đoàn Việt Nam đang được quy định tại Mục 3.2, Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, tại Điểm b: Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty.

Và Điểm c: Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Đa số ý kiến cho rằng các đối tượng này được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam nếu cá nhân có nguyện vọng và đủ điều kiện theo quy định tại Điều 1; chỉ quy định không được làm cán bộ Công đoàn tại đơn vị, doanh nghiệp đối với các đổi tượng: Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân được ủy quyền ký hợp đồng lao động; hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Thứ hai, về thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, thẻ đoàn viên và chuyển sinh hoạt công đoàn, đa số ý kiến đề nghị xem xét Điểm d, Khoản 1 Điều 3 "Người lao động là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp muốn gia nhập Công đoàn Việt Nam phải có đơn, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và không là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp kể từ thời điểm được công nhận là thành viên của Công đoàn Việt Nam" cho phù hợp với Điểm c, Khoản 1 Điều 1 về đối tượng gia nhập Công đoàn việt Nam "Hiện không là thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam."

Đại biểu thuộc Tổ 1 thảo luận.

Điểm b, khoản 2, Quy định về Thẻ đoàn viên: "Người là đoàn viên công đoàn được tổ chức Công đoàn phát thẻ đoàn viên để sử dụng trong các hoạt động công đoàn. Người có thẻ đoàn viên được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định của các cấp Công đoàn". Đề nghị sửa thành: "Đoàn viên công đoàn được phát thẻ đoàn viên để sử dụng trong các hoạt động công đoàn và được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định của tổ chức Công đoàn".

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc cấp thẻ đoàn viên được ứng dụng qua mã định danh điện tử VNeID để tránh hình thức, lãng phí trong khâu in ấn, cấp phát thẻ đoàn viên.

Thứ ba, về hệ thống tổ chức Công đoàn các cấp (Điều 9), nhiều ý kiến đề nghị về tên gọi của các cấp Công đoàn từ trung ương đến địa phương nên thống nhất là: Tổng Công đoàn Việt Nam; Công đoàn tỉnh, thành phố; Công đoàn huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, còn tên các Công đoàn ngành thì lấy theo tên ngành.

Thứ tư, về Ban Chấp hành Công đoàn các cấp, đa số ý kiến đề nghị: Giữ nguyên quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 11, Điều lệ hiện hành: "Trường hợp cần thiết, Công đoàn cấp trên được quyền chỉ định ủy viên Ban Chấp hành và các chức danh trong Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới" và điều chỉnh thời gian hoạt động của Ban Chấp hành cho phù hợp với nhiệm kỳ Công đoàn cấp trên trực tiếp nhằm linh hoạt và thuận tiện khi giải quyết các vấn đề phát sinh.

Và quy định thời gian tối đa và tối thiểu khi Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền điều chỉnh thời gian hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn cấp dưới, phù hợp với nhiệm kỳ Công đoàn cấp trên để có sự thống nhất, nhất quán và làm căn cứ cho Công đoàn cấp trên hướng dẫn Công đoàn cơ sở.

Thứ sáu, về điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, một số ý kiến tham gia nhất trí với việc làm rõ hơn khái niệm Nghiệp đoàn cơ sở "là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam".

Đề nghị sửa đổi điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở cụ thể: "Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hợp pháp, khi có từ 10 đoàn viên hoặc 10 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam".

"Đoàn Chủ tịch xin được tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn Chủ tịch có trách nhiệm tổng hợp báo cáo với Thành ủy, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết", Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI Phạm Bá Vĩnh kết luận.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhieu-y-kien-dong-gop-tam-huyet-trach-nhiem-voi-to-chuc-cong-doan-161583.html