Nhiều nước tạm dừng tài trợ cho cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine

Hàng loạt quốc gia đã tạm dừng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA), sau khi có những cáo buộc rằng một số nhân viên của cơ quan này có liên quan đến vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023.

Nhân viên Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) phân phát đồ tiếp tế ở Rafah, Gaza, ngày 12/12/20223. Ảnh: AFP

CNN đưa tin, Mỹ, Anh, Đức, Italy, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan, Australia và Canada ngày 27/1 đã tạm dừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) - một tổ chức có vai trò cứu trợ quan trọng cho người dân Palestine ở Dải Gaza. Động thái này được đưa ra sau khi Israel cáo buộc ít nhất 12 nhân viên của UNRWA tham gia cuộc đột kích của Hamas, khiến 1.200 người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết trong một tuyên bố rằng, Thụy Sĩ "cực kỳ quan ngại" về các cáo buộc do Israel đưa ra và sẽ đưa ra quyết định về nguồn tài trợ trong tương lai sau khi có thêm thông tin sau cuộc điều tra về các cáo buộc.

Hà Lan tuyên bố sẽ "đóng băng các khoản đóng góp trong tương lai cho UNRWA". Trang web của Chính phủ Hà Lan cùng ngày cho biết, Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Geoffrey van Leeuwen đã đưa ra quyết định này sau khi UNRWA tuyên bố chấm dứt hợp đồng với một số nhân viên được cho là có liên quan và mở một cuộc điều tra về vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức - một nhà tài trợ lớn cho UNRWA, hoan nghênh cuộc điều tra của UNRWA, cho biết họ quan ngại sâu sắc về những cáo buộc chống lại nhân viên cơ quan này.

Tổng ủy viên UNRWA Philippe Lazzarini. Ảnh: AFP

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng ủy viên UNRWA Philippe Lazzarini tuyên bố: "Người dân Palestine ở Gaza không cần hình phạt tập thể bổ sung này". Ông Lazzarini cho biết, quyết định của các quốc gia trên đã đe dọa hoạt động nhân đạo của UNRWA trên toàn khu vực, đặc biệt là ở Gaza.

"Thật sốc khi thấy việc tài trợ cho UNRWA bị đình chỉ để phản ứng lại những cáo buộc chống lại một nhóm nhỏ nhân viên, đặc biệt là trước hành động ngay lập tức mà UNRWA đã thực hiện bằng cách chấm dứt hợp đồng với họ và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập minh bạch", ông nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Palestine đã lên tiếng chỉ trích hành động chống lại UNRWA của Israel. Cùng ngày, ông Hussein Al-Sheikh - Tổng Thư ký Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cho biết việc cắt giảm hỗ trợ cho UNRWA mang lại những rủi ro lớn về chính trị và cứu trợ.

"Chúng tôi kêu gọi các quốc gia đã tuyên bố ngừng hỗ trợ cho UNRWA ngay lập tức đảo ngược quyết định của họ", ông kêu gọi trên mạng xã hội X.

Trước đó một ngày, UNRWA cho biết rằng họ đã mở một cuộc điều tra đối với một số nhân viên về các cáo buộc và cắt đứt quan hệ với những người đó. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel Israel Katz nói rằng, UNRWA nên được thay thế bằng "các cơ quan cống hiến cho hòa bình và phát triển" khi giao tranh tại Gaza lắng xuống.

Đáp lại, ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, khẳng định rằng "UNRWA đã có thành tích tốt và chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh điều này".

Người dân Palestine tập trung chờ nhận thực phẩm cứu trợ từ Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) tại Khan Younis, phía nam Dải Gaza, ngày 29/11/2023. Ảnh: Reuters

UNRWA được thành lập để giúp đỡ những người tị nạn trong cuộc chiến vào năm 1948 khi Israel thành lập Nhà nước. Cơ quan này đã cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế và viện trợ cho người Palestine ở Gaza, Bờ Tây, Jordan, Syria và Lebanon. UNRWA đã hỗ trợ cho khoảng 2/3 trong số 2,3 triệu dân số của Gaza và đóng vai trò viện trợ then chốt trong cuộc chiến Israel - Hamas.

Liên Hợp Quốc cho biết, vào tháng 11/2023, ít nhất 102 nhân viên UNRWA đã thiệt mạng ở Gaza. Đến ngày 19/1, UNRWA cho biết số nhân viên thiệt mạng đã tăng lên 151 người.

Theo CNN, cơ quan y tế Gaza cho biết, tình hình đang trở nên xấu đi tại các bệnh viện ở Khan Younis, miền nam Gaza, khi nguồn cung cấp máu, thuốc gây mê và các loại thuốc khác bị cạn kiệt. Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine thông tin rằng các cơ sở bệnh viện trong khu vực này đã bị bao vây khi quân đội Israel tăng cường hoạt động trong tuần qua.

Xung đột Israel - Hamas nổ ra từ ngày 7/10/2023, sau khi Hamas thực hiện cuộc đột kích quy mô lớn vào Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người khác bị bắt cóc. Đáp trả lại, quân đội Israel đã thực hiện chiến dịch tấn công vào Gaza, khiến hơn 26.000 người Palestine thiệt mạng, tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng trên khắp dải đất trong khi khiến gần 85% trong số 2,3 triệu người dân ở đây phải rời bỏ nhà cửa.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhieu-nuoc-tam-dung-tai-tro-cho-co-quan-lhq-ve-nguoi-ti-nan-palestine-post31360.html