Xung đột và sự ra đời của Lực lượng 35

Lực lượng 35 được Tây Ban Nha xây dựng trên những bài học ở Ukraine, với mục đích là tạo ra bốn loại lữ đoàn và chú trọng trang bị các hệ thống UAV.

Theo bài viết của trang web quân sự “Defense Express”, Lực lượng Vũ trang Tây Ban Nha đã quyết định xem xét lại khái niệm phát triển của mình với tên gọi là “Lực lượng 35”, với nội dung chủ yếu là về xây dựng mô hình các lữ đoàn trong biên chế lực lượng trên bộ (Lục quân) của đất nước.

Khái niệm về “Lực lượng 35” được Quân đội Tây Ban Nha đưa ra nhằm phát triển lực lượng vũ trang tinh nhuệ, phù hợp với các cuộc chiến tranh hiện đại, với trọng tâm là xây dựng 4 loại lữ đoàn bộ binh cơ giới, chú trọng nhiều hơn đến các hệ thống không người lái và các hệ thống khác.

Một trong những lý do chính khiến Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha quyết định làm điều này là những kinh nghiệm mà họ rút ra được từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong hơn 2 năm qua.

Cụ thể, Phòng Kế hoạch [Divisíon de Planes] của Quân đội Tây Ban Nha - chịu trách nhiệm về các chiến lược phát triển trung và dài hạn - cho biết, một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự thay đổi về tầm nhìn của họ là “những quan sát và kết luận về cuộc chiến Ukraine”.

Đoạn trích xuất phát từ bài viết của Phòng đăng trên tạp chí Revista Ejército, được Infodefensa trích dẫn còn nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine cho thấy: “đáp ứng yêu cầu của một cuộc chiến tranh cường độ cao phải tiếp tục là ưu tiên hàng đầu” của lực lượng vũ trang nước này.

Hai yếu tố khác cũng có ảnh hưởng lớn là sự xuất hiện của các công nghệ mới, như nhiều loại máy bay không người lái hoặc trí tuệ nhân tạo, cũng như những bài học rút ra từ nhiều thí nghiệm do quân đội Tây Ban Nha thực hiện trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch xây dựng “Lực lượng 35”.

Theo khái niệm này, Quân đội Tây Ban Nha thành lập bốn mô hình Lữ đoàn bộ binh cơ giới, có sự phân cấp là: Loại A (Hạng nặng); Loại B (Hạng trung); Loại C (Hạng nhẹ) và Loại D: (Lực lượng Phản ứng Nhanh), trong khi vẫn duy trì ý tưởng về lữ đoàn như một lực lượng tác chiến tổng hợp, với các phân đội cụ thể để có thể hình thành các nhóm tác chiến chiến thuật như: Sư đoàn chiến tranh miền núi (Bộ binh Sơn cước) và các Sư đoàn Kỵ binh, cùng các đơn vị hoạt động đặc biệt.

Kế hoạch dự kiến sẽ bắt đầu được thực thi trong Quân đội theo ba giai đoạn, với các điểm chuẩn lần lượt là vào năm 2026, đến năm 2030 và đến năm 2035.

Ví dụ, về vũ khí, các lữ đoàn Hạng trung Loại B sẽ sử dụng xe chiến đấu 8x8 Dragon làm phương tiện di chuyển chính (bắt đầu vào năm 2026). Lữ đoàn Loại B cũng sẽ chuẩn bị trang bị hàng loạt các hệ thống pháo tự hành mới và phương tiện mặt đất không người lái.

Nhìn chung, các hệ thống không người lái đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Phòng Kế hoạch chỉ rõ, đạn lảng vảng (UAV kamikaze) phải được “kết hợp thỏa đáng” vào cơ cấu của các đơn vị tương lai. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về số lượng và chủng loại.

Các sĩ quan của Tây Ban Nha nhấn mạnh trong trong bài báo: “Cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh tác động to lớn của máy bay không người lái đối với chiến tranh hiện đại, khiến bất kỳ lực lượng quân đội nào không có khả năng này cũng trở nên lạc hậu và yếu ớt”.

Cuối cùng, Tây Ban Nha đang lên kế hoạch hiện đại hóa sâu rộng các phương tiện cơ động chiến thuật của mình, đặc biệt là trang bị các phương tiện địa hình VMTT mới, phương tiện hạng nhẹ VAMT-L, phương tiện Vamtac với nhiều sửa đổi khác nhau và xe chiến đấu mới Castor, hỗ trợ cho Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2E và xe chiến đấu bộ binh Pizarro trên chiến trường.

Hoàng Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xung-dot-va-su-ra-doi-cua-luc-luong-35-post682843.html