Nhân lên niềm tự hào về cội nguồn dân tộc

'Ai là con cháu rồng, tiên/Tháng ba mở hội Trường Yên thì về', như một lời hẹn với quá khứ, cứ vào ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm, con em xa quê, du khách thập phương lại cùng nhau về trẩy hội Hoa Lư. Không chỉ là cơ hội để tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiên đế, Lễ hội Hoa Lư còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó nhân lên tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước.

Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Điểm hẹn miền di sản

Gần 80 tuổi, cụ Dương Đức Tính (xã Trường Yên) luôn chọn ngày quê hương mở hội là dịp để trở về thăm quê. Cụ Tính bảo, tôi đã già rồi, sức khỏe kém, ít có dịp để về quê. Vì vậy, trở về quê ngày quê hương mở hội vừa là để đoàn viên với họ hàng, vừa là cơ hội để tận hưởng không gian lễ hội đậm sắc màu văn hóa. "Với tôi, về với lễ hội là được trở về với cội nguồn. Dẫu tuổi đã cao, nhưng khi về với lễ hội, cảm giác háo hức, linh thiêng thì vẫn luôn nguyên vẹn. Tôi thực sự tự hào về một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa của quê hương mình. Đây cũng là dịp để các con, cháu hiểu hơn về lịch sử dân tộc, truyền thống của quê hương"- cụ Tính nói.

Hàng chục năm qua, với gia đình cô Bùi Thị Thu (tỉnh Quảng Ninh), về với Lễ hội Hoa Lư hàng năm đã trở thành một nếp quen, là cơ hội để thực hiện chuyến hành hương về miền di sản. Cô Thu chia sẻ, mỗi lần đến Lễ hội Hoa Lư là một lần thấy sự mới mẻ, trang trọng. Năm nay, Lễ hội Hoa Lư cũng là dịp kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế, vì vậy mà sự kiện thêm phần hoành tráng, nhưng vẫn rất trang trọng, linh thiêng.

Trong ngày khai hội, gia đình tôi có mặt từ rất sớm để dâng nén tâm nhang tỏ lòng biết ơn công đức của các bậc tiên đế. Ngoài ra, tôi thưởng thức phần hội với những chương trình mang đậm sắc màu văn hóa, dân gian, như biểu diễn múa trống, hát chèo… đi tham quan các gian trưng bày cổ vật, hiện vật, tư liệu, hình ảnh của triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, để tìm hiểu về lịch sử, giá trị truyền thống kinh đô Hoa Lư thế kỷ thứ X cũng như thân thế, sự nghiệp của Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành; tham quan hàng trăm bức ảnh của các nhiếp ảnh gia. Những bức ảnh lột tả vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Ninh Bình như: Phong cảnh Cố đô Hoa Lư, Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc Bích Động, Vân Long… nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ về Ninh Bình nhiều hơn để tham quan, khám phá thêm nhiều địa danh nổi tiếng.

Ông Hoàng Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Trước và trong những ngày diễn ra lễ hội, đã có hàng nghìn người dân, du khách về tham quan, du lịch, dâng hương, trẩy hội. Đây là dịp để mỗi người dân thể hiện truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tôn vinh, tưởng niệm, tri ân các vị Hoàng đế, Anh hùng dân tộc.

Lễ hội Hoa Lư cũng là nơi để mỗi người gửi gắm ước mong, tâm nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình, làng xóm, quê hương an vui, hạnh phúc. Thông qua các hoạt động của lễ hội cũng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, từ đó đoàn kết một lòng viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc trong thời đại ngày nay…

Ngàn năm vọng mãi

Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng độc lập, thống nhất, xây dựng quốc gia hùng cường của Đinh Tiên Hoàng Đế gắn với quốc hiệu Đại Cồ Việt, với vai trò, vị thế của Kinh đô Hoa Lư đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc ta, Nhân dân ta. Linh khí chốn kinh kỳ, công đức dựng nước, giữ nước, chăm lo cho muôn dân của bậc quân vương huyền thoại vẫn còn in dấu đậm nét trong suốt hành trình lịch sử, trong tâm thức Nhân dân với tấm lòng tri ân sâu nặng. Tri ân công đức của các bậc tiên đế, Nhân dân và thể chế Nhà nước các thời kỳ đã lập Đền thờ tại khu vực cung điện xưa, hằng năm tổ chức Lễ hội Hoa Lư-lễ hội lớn, được tổ chức như lễ trọng.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cho đến ngày nay, Lễ hội Hoa Lư-tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, đặc sắc riêng có của người dân Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình.

Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2014. Lễ hội trở thành nơi tìm về của người dân và du khách trong nước, quốc tế, là nơi tỏ bày lòng tôn kính với các bậc tiên đế, các anh hùng hào kiệt đã có công dựng nước, giữ nước.

Những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Lễ hội Hoa Lư như gìn giữ hồn cốt linh thiêng của Cố đô ngàn năm, để sự nghiệp vĩ đại của đức Đinh Tiên Hoàng Đế luôn sống mãi với thời gian và non sông đất Việt. Niềm tự hào về kinh đô Hoa Lư xưa; lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc còn được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh hun đúc trở thành tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Lễ hội Hoa Lư năm 2024 cũng là dịp kỷ niệm 1.100 ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và được tỉnh Ninh Bình tổ chức trang trọng, xứng tầm với vị thế của Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc gây ấn tượng mạnh cho du khách bởi quy mô và ý tưởng thiết kế độc đáo.

Sân khấu khai mạc lễ hội được lấy ý tưởng từ hình ảnh du lịch di sản ở Ninh Bình, với điểm nhấn là các hiện vật, di chỉ khảo cổ được phát hiện qua các cuộc khai quật tại khu vực Kinh đô Hoa Lư xưa. Nổi bật là viên gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên, cùng các họa tiết hình Rồng trên các đồ án trang trí, vật liệu kiến trúc thời nhà Đinh thế kỷ thứ X. Tương xứng với sự hoành tráng, độc đáo của sân khấu, chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc cũng rất đặc sắc, mãn nhãn người xem với chủ đề "Sứ mệnh Đế Đô" qua sự biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên.

Nội dung xuyên suốt của chương trình nghệ thuật là mô phỏng câu chuyện về Vua Đinh Tiên Hoàng từ thuở niên thiếu đến khi dựng nghiệp đế Vương, mở nền chính thống quốc gia Đại Cồ Việt sau nghìn năm Bắc thuộc. Ngoài ra, còn khắc họa sự kế thừa truyền thống, tiếp bước tiền nhân của thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh, hướng đến Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, ước tính có hàng nghìn người dân, du khách thập phương cùng hội tụ về miền di sản để được đắm chìm trong không gian lễ hội linh thiêng, huyền thoại. Người về trẩy hội được tham gia nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc.

Trong đó, phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi lễ truyền thống, tôn vinh, tri ân công đức các bậc Đế vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; thể hiện ước nguyện của Nhân dân cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi… thông qua các nghi thức: Lễ mở cửa đền, dâng hương, rước nước, rước kiệu, cầu siêu và các lễ hội hoa đăng, lễ tạ…

Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: Trưng bày, triển lãm, chọi gà, cờ người, biểu diễn trống hội, cồng chiêng; các giải thể thao, giải vật dân tộc… các hoạt động này đã góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước về với Ninh Bình.

Sự kiện kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và Lễ hội Hoa Lư 2024 đã khép lại, nhưng những dư âm, tình cảm tốt đẹp về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, về con người Cố đô thanh lịch, mến khách sẽ còn lưu lại đậm sâu trong lòng du khách gần xa.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhan-len-niem-tu-hao-ve-coi-nguon-dan-toc/d20240419082026252.htm