Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi qua đời ở tuổi 86

Theo thông tin từ gia đình, Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi, người mà tên tuổi gắn liền với những ca khúc cách mạng, đã qua đời ở tuổi 86 do tuổi cao sức yếu.

NSND Tường Vi. (Ảnh trên trang cá nhân nghệ sĩ)

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi sinh ngày 19/8/1938, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật ở vùng quê Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1954, bà nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện Quân y 108. Sau đó, vào năm 1956, bà chuyển sang Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và bắt đầu học thanh nhạc. Tại đây, bà bộc lộ chất giọng cao vút hiếm thấy của mình.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi nổi tiếng với nhiều ca khúc như “Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sĩ Huy Thục, “Cô gái vót chông” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “Em là hoa Pơ lang” của nhạc sĩ Ðức Minh, “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho... Bà từng đi biểu diễn nhiều nước, như Liên Xô (cũ), Ba Lan, Chile, Tiệp Khắc, Cuba... và là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà cũng là người có nhiều kỷ niệm với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi còn được biết đến với vai trò một nhạc sĩ với những ca khúc mang nhiều dấu ấn như “Phi đội ta xuất kích”, “Quê hương anh là biển”, “Ðời cho em những nốt nhạc vui”, “Trái tim ơi xin đừng buồn”, “Ước mơ của bé là hòa bình”, “Em lắng nghe tiếng đời”...

Bà còn từng giành nhiều huy chương trong các cuộc thi lớn như Huy chương Vàng cuộc thi hát toàn quốc.

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi lúc sinh thời.

Bà còn thành lập 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam để nuôi dưỡng và dạy nhạc, dạy năng khiếu và ngoại ngữ cho trẻ em nghèo, khuyết tật…

Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi đã có tới 40 năm phục vụ trong quân đội, những cống hiến của bà đã được Ðảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-si-nhan-dan-tuong-vi-qua-doi-o-tuoi-86-post808950.html