Nhận biết nguy cơ để phòng bệnh tiểu đường

Đái tháo đường còn gọi là bệnh tiểu đường - căn bệnh phổ biến hiện nay. Khi xã hội ngày càng phát triển, việc sử dụng hóa chất, thuốc, thực phẩm chức năng không được kiểm soát làm số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng và trẻ hóa. Do đó, nắm bắt nguy cơ để có biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả là hết sức cần thiết.

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước

Theo Công văn số 927/BVNTTW ngày 8-9-2023 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương gửi sở y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thông điệp phòng, chống bệnh đái tháo đường cần truyền thông trong tháng 11-2023, đó là 2023 đánh dấu năm cuối giai đoạn 2021-2023 về tiếp cận, chăm sóc bệnh đái tháo đường. Chiến dịch tập trung vào việc hiểu biết nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 để có biện pháp ngăn ngừa; đồng thời nhấn mạnh tác hại do các biến chứng của bệnh cũng như tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin, chăm sóc phù hợp, kịp thời. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2, việc nhận biết rõ nguy cơ của mình và những việc cần làm ngay là rất quan trọng để phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh để các biến chứng, hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Theo chia sẻ của bác sĩ chính chuyên khoa 2 Nội tổng quát Ngô Văn Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước: Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây ra rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid, protide gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh… Đây là bệnh không lây nhiễm nhưng đang diễn biến phức tạp. Số lượng người mắc bệnh được phát hiện chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Số người bệnh phát hiện được đã nhiều, nhưng chưa phát hiện càng nhiều hơn. Do đó, phải hết sức chú trọng để phòng ngừa, điều trị đúng phác đồ, chỉ dẫn của bác sĩ.

Những biến chứng về thận do bệnh đái tháo đường gây ra cho người bệnh

“Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường, trong đó các yếu tố khách quan như di truyền, lão hóa; lối sống thiếu lành mạnh; bổ sung dinh dưỡng không hợp lý; thiếu hoạt động thể lực; hút thuốc và lạm dụng rượu, bia. Căn bệnh này gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe con người. Bệnh diễn tiến âm thầm, dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm sau đó. Biến chứng gồm cấp tính và mạn tính. Biến chứng mạn tính ảnh hưởng nhiều đến thần kinh, tim, não, thận và mắt. Có biến chứng về mạch máu lớn, mạch máu nhỏ, gây tổn thương não, mờ, mù mắt. Tổn thương mạch máu lớn gây nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng não và có nguy cơ tử vong cao. Đối với thận, gây tổn thương kéo dài từ 5-10 năm dẫn đến suy thận, người bệnh phải chạy thận. Đặc biệt, ảnh hưởng thần kinh còn gây mất cảm giác, làm tổn thương các mạch máu nuôi các bộ phận của cơ thể, làm giảm đề kháng tại chỗ, điển hình làm tổn thương, gây loét bàn chân và rất khó lành” - bác sĩ Kiên khẳng định.

Bác sĩ Kiên cho biết thêm, nếu biết áp dụng chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực hợp lý, duy trì cân nặng và một số vấn đề có liên quan khác thì sẽ phòng ngừa được bệnh đái tháo đường. Bệnh chủ yếu có 2 dạng, típ 1 và típ 2. Những người có nguy cơ bị bệnh tiểu đường thì từ 45 tuổi nên tầm soát bệnh. Đặc biệt là với những người béo phì, gia đình có người thân tiền sử bị bệnh tiểu đường; những người bị tăng huyết áp; phụ nữ có đa nang và những người lười hoạt động thì khả năng bị bệnh tiểu đường rất cao.

Một khi đã mắc bệnh, theo bác sĩ Kiên, hướng điều trị chủ yếu là hạ đường huyết và hiện đã có rất nhiều dạng thuốc khác nhau để sử dụng. Người bị bệnh tiểu đường có thể dùng thuốc uống, tiêm, hoặc phối hợp cả hai. Về điều trị các yếu tố nguy cơ gây tổn thương nặng đến thận cần thêm hoặc bớt thuốc ảnh hưởng thận; thường xuyên tầm soát, soi đáy mắt, chụp võng mạc để biết mức độ tổn thương mắt và có hướng điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, vấn đề tuân thủ phác đồ và chỉ dẫn của bác sĩ rất quan trọng, hạn chế bệnh nặng dần. Vì ngoài biến chứng cấp, thì biến chứng mạn tính phụ thuộc lượng đường huyết trong máu. Nếu lượng đường huyết không được điều chỉnh ổn định trong thời gian dài, thì khi đường huyết lên cao kết hợp stress hoặc bị một bệnh nào đó, bệnh tiểu đường sẽ trầm trọng, gây ra nhiều biến chứng hơn.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng thực tế, nhiều người vẫn còn lơ là trong phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh tiểu đường diễn tiến âm thầm, gây nhiều biến chứng khó lường. Do đó, bác sĩ Kiên khuyên những người từ 45 tuổi trở lên nên thường xuyên tầm soát bệnh; có chế độ ăn uống, luyện tập thể dục hợp lý; giảm các thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống rượu, hạn chế ăn những thức ăn nhiều chất đường, chất béo. Khi đã bị bệnh phải tuân thủ điều trị, giữ cho đường huyết ở mức ổn định.

Trong thông điệp truyền thông tháng 11-2023, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo và đặc biệt lưu ý: Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất phát hiện bệnh đái tháo đường và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý. Đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hằng năm để phát hiện sớm. Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, kinh tế của cả quốc gia và mỗi gia đình. Hãy duy trì hoạt động thể lực hằng ngày, chế độ ăn uống hợp lý để phòng, chống bệnh.

Quốc Phong

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/150945/nhan-biet-nguy-co-de-phong-benh-tieu-duong