Người tạc tượng nhà thơ Chế Lan Viên

Thăm Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại làng An Xuân, xã Cam An (nay là thôn An Thạch, xã Thanh An), huyện Cam Lộ, ấn tượng đầu tiên với nhiều người là bức tượng nhà thơ đặt trên bệ gỗ ở căn giữa được tạc rất sống động, giúp không gian ngôi nhà ấm áp hơn; cảm giác như Chế Lan Viên đang trò chuyện với người thân, bạn bè quê ông. Người tạc tượng nhà thơ là nhà điêu khắc Nguyễn Tăng Hoàng (44 tuổi), ở Phường 1, thành phố Đông Hà.

Nhà điêu khắc Nguyễn Tăng Hoàng dành nhiều tâm huyết để từng bước hoàn thành bức tượng nhà thơ Chế Lan Viên -Ảnh: TÚ LINH

Tạc tượng nhà thơ vì ngưỡng mộ

Sau nhiều cuộc hẹn, cuối cùng anh Nguyễn Tăng Hoàng đồng ý gặp chúng tôi ở xưởng sáng tác của mình. Khi đã đồng ý gặp nhau, anh Hoàng rất cởi mở chia sẻ câu chuyện tạc tượng nhà thơ Chế Lan Viên. Trong không gian trưng bày nhiều bức tượng toàn thân, bán thân của các danh nhân, chí sĩ, nhà điêu khắc, anh Hoàng cho biết, cũng như nhiều người khác, anh rất kính trọng, ngưỡng mộ tài năng của Chế Lan Viên, nhà thơ trí tuệ, triết luận tiêu biểu hàng đầu của thi ca Việt Nam thế kỷ XX. Ngày còn đi học, được học thơ Chế Lan Viên anh đã thấy yêu vô cùng nhà thơ quê hương. Lớn lên được đọc, được nghe nhiều về các tác phẩm của ông, anh càng mến mộ hơn. Anh Hoàng có xu hướng chuyên sâu vào lĩnh vực tạc tượng các chí sĩ yêu nước, các nhà thơ lớn nhưng thích nhất vẫn là tạc tượng Chế Lan Viên. Vì thế, anh đã tạc rất nhiều tượng nhà thơ này với những phong cách, thời điểm khác nhau nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ.

Để phục vụ việc tạc tượng được vừa ý, anh Hoàng phải nghiên cứu nhiều hơn về cuộc đời của nhà thơ cách mạng, người luôn đắm mình trong phong cách độc đáo và cá tính sáng tạo, có ý thức trách nhiệm với đất nước, Nhân dân của ông. Anh Hoàng chọn tạc tượng giai đoạn nhà thơ Chế Lan Viên ở độ từ 25 đến 30 tuổi. Để có được tấm hình tốt nhất chân dung nhà thơ giai đoạn này, anh Hoàng phải nhờ những người bạn ở Pháp lục tìm trong thư viện lưu trữ rồi tìm cách chụp lại gửi về để anh có thêm điều kiện nghiên cứu, sáng tác. Về giá trị nghệ thuật của tác phẩm, sở dĩ chọn giai đoạn này để tạc tượng nhà thơ, theo anh Hoàng giải thích đây là thời kỳ con người thường có được năng lượng sống dồi dào, mãnh liệt nhất và cũng là lúc các nét cấu tạo của khuôn mặt đã hoàn chỉnh, định hình rõ đặc điểm nhân văn của nhà thơ.

Khi có hình ảnh vừa ý, anh tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng từng chi tiết trên khuôn mặt nhà thơ trong các hình ảnh tư liệu còn được lưu lại trong sách, báo và trên internet để tham khảo thêm. Tháng 6/2018, anh bắt đầu tạc tượng nhà thơ cho đến đầu năm 2020 thì sáng tác được ba bức tượng chân dung Chế Lan Viên, trong đó hai tượng là khối bán thân cách điệu theo trường phái ngôn ngữ hiện đại và một tượng theo phong cách ngôn ngữ ấn tượng, tân cổ điển. Bức tượng đang được trưng bày tại Nhà lưu niệm của nhà thơ thuộc phong cách ngôn ngữ ấn tượng, tân cổ điển với mái tóc hơi xoăn, bồng bềnh nghệ sĩ, khuôn miệng tươi, ánh nhìn chiều sâu với nhiều trăn trở, được đúc bằng bột đá ép, nặng 80 kg, cao 80 cm.

Tượng nhà thơ Chế Lan Viên được trưng bày tại nhà lưu niệm -Ảnh: TÚ LINH

Anh Hoàng cho biết rất trăn trở trong việc làm ra khuôn mẫu để tạc tượng nhà thơ. Tạo khuôn mẫu là một trong những quy trình quan trọng nhất vì sẽ quyết định phần lớn đến giá trị nghệ thuật của tượng. Trong thời gian một tháng, từ khi làm khuôn mẫu cho đến khi sáng tác hoàn thành tượng, hầu như anh Hoàng không ra khỏi nhà, không tiếp khách. Có đêm đang nằm, anh vội bật dậy chỉ vì chưa bằng lòng với nét biểu cảm trên khuôn mặt tượng mà anh đã thể hiện, nên lại phải suốt đêm thức trắng gọt đẽo tỉ mỉ. Anh tập trung cao độ cho việc sáng tác tượng Chế Lan Viên, đến nỗi nhiều lúc như thể anh đang trò chuyện, tâm tình cùng nhà thơ. Sự tương tác giữa hai tâm hồn, nhân vật và nhà điêu khắc luôn là những đối thoại không ngừng trên con đường hướng đến cái đẹp. Đặc biệt với thể loại tượng chân dung, quan trọng nhất là tình cảm chân thành của tác giả dành cho nhân vật để có được những giây phút thăng hoa trong sáng tác, làm cho đường nét của bức tượng như có hồn hơn. Anh Hoàng chia sẻ, tượng Chế Lan Viên được anh tìm tòi, khai thác những gì tinh hoa nhất của nghệ thuật điêu khắc cũng như những rung động mãnh liệt của tác giả đối với nhân vật để cố gắng làm nên chân dung nhà thơ giàu biểu cảm và tinh tế. Dưới bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc Nguyễn Tăng Hoàng, bức tượng Chế Lan Viên - nhà thơ lớn của đất nước, của dân tộc đã hình thành như thế. Mặc dù chưa phải là ưng ý nhưng đây là bức tượng anh tâm đắc nhất trong các bức tượng anh đã tạc về nhà thơ. Anh sáng tác tượng Chế Lan Viên không phải để bán, mà để tôn thờ và chiêm bái.

Ý tưởng lớn gặp nhau

Nói về cái duyên bức tượng nhà thơ Chế Lan Viên do nhà điêu khắc Nguyễn Tăng Hoàng sáng tác, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Dùng chia sẻ: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị cũng như các nhà nghiên cứu văn học, văn hóa, những người yêu Chế Lan Viên ngoài việc khẩn trương xây dựng Nhà lưu niệm Chế Lan Viên để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, thì việc mời nhà điêu khắc tạc tượng ông rất được quan tâm. Hội đã tham khảo ý kiến gia đình nhà thơ, cụ thể là vợ, các con; các nhà thơ lớn của đất nước để chọn hình ảnh về một giai đoạn rực rỡ và ý nghĩa nhất của nhà thơ phục vụ việc tạc tượng. Mục đích muốn bức tượng của nhà thơ khi được trưng bày có sức sống bền lâu và sự tôn quý, hài lòng của của các tầng lớp nhân dân khi tiếp xúc, chiêm ngưỡng.

Theo ông Nguyễn Văn Dùng, về giá trị nội dung, tượng nhà thơ mang tính chất đại diện cho cả đời thơ của ông, chuyển hướng từ giai đoạn ra đời tập thơ “Điêu tàn” cho đến tập “Ánh sáng và phù sa” và nhiều tác phẩm lớn sau này. Khi chọn đường đi của mình là gắn bó với cách mạng thì chính cách mạng đã tạo điều kiện để Chế Lan Viên phát huy tài năng, đóng góp cho nền văn học dân tộc một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Gia đình của nhà thơ và Hội Văn học nghệ thuật thống nhất chọn tượng Chế Lan Viên dung hòa giữa diện mạo của một nhà thơ với một chính khách. Đó là sự kết hợp giữa chất lãng tử của một nghệ sĩ và phong thái trang nghiêm của một chính khách, nhằm cố gắng chuyển tải hết cuộc đời và tầm cỡ văn hóa của Chế Lan Viên. Cái duyên lớn ở đây là những ý tưởng này lại trùng khớp với tác phẩm điêu khắc về Chế Lan Viên được nhà điêu khắc Nguyễn Tăng Hoàng kỳ công hoàn thành. Tất cả những ý tưởng và việc làm đầy trách nhiệm đó đã đặt tác phẩm điêu khắc tượng Chế Lan Viên có một vị trí xứng đáng tại nhà lưu niệm và trong lòng người yêu nhà thơ. Nhà văn Hữu Thỉnh khi vào dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh và khánh thành Nhà lưu niệm Chế Lan Viên đánh giá bức tượng thần thái, có diện mạo, là sự kết hợp giữa chất nghệ sĩ và tư tưởng văn hóa của Chế Lan Viên.

Trở lại với nhà điêu khắc Nguyễn Tăng Hoàng, anh là con trai của một kiến trúc sư nổi tiếng, được thừa hưởng từ bố tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật. Anh là người gốc ở Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị, được sinh ra tại tỉnh Quảng Ninh, lớn lên học ngành hội họa tại Đại học Nghệ thuật Huế, rồi học tiếp ngành điêu khắc. Anh Hoàng chia sẻ, nghệ sĩ điêu khắc rất khó để sống được với nghề, nhưng với anh vì đam mê nên luôn cố gắng để có tác phẩm hoàn thiện hơn mỗi ngày. Tác phẩm điêu khắc tượng nhà thơ Chế Lan Viên - “đứa con tinh thần” của anh Hoàng có được chỗ đứng trong lòng những người yêu Chế Lan Viên, yêu nghệ thuật, đó là một hạnh phúc lớn lao của người nghệ sĩ.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=155373