Người mua nhà ở thương mại giá thấp sẽ có cơ hội được vay gói 120.000 tỷ đồng?

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại dưới 3,5 tỷ đồng/căn được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng và tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện 30 dự án có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 640 tỷ đồng cho dự án và 6 tỷ đồng cho người mua nhà. Tỷ lệ giải ngân gói này hiện khoảng 1%.

Ông Lê Hoàng Châu nhận xét gói 120.000 tỷ đồng giải ngân quá thấp, trong khi Thủ tướng đã chỉ đạo đảm bảo dòng vốn tín dụng rót vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

 HoREA đề xuất mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh Nhật Di.

HoREA đề xuất mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ảnh Nhật Di.

Theo ông, đối tượng tiêu dùng bất động sản là người mua nhà. Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng lĩnh vực này, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung người mua nhà thương mại dưới 3,5 tỷ đồng một căn (khoảng 35 triệu đồng mỗi m2) được tiếp cận gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (mới chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030) cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

HoREA cũng kiến nghị thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác và tách việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Giải pháp này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận tín dụng và các ngân hàng thuận lợi trong xét duyệt cho vay.

Ngành bất động sản gặp khó khăn từ giữa năm 2022, khi tín dụng cho lĩnh vực này bị thắt chặt, lãi suất cho vay tăng và một số lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý do vi phạm trong phát hành trái phiếu. Nhiều biện pháp tháo gỡ được đưa ra nhưng thị trường chưa phục hồi hoàn toàn. Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó thu xếp dòng tiền trả nợ và lãi trái phiếu đến hạn.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong tình trạng chờ giải ngân

Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm không cần giải ngân gấp, nhanh, nhưng những dự án đủ điều kiện thì sẽ được giải ngân ngay.

Bất động sản luôn là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ thị trường phục hồi và phát triển ổn định. Chính vì vậy, nhiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước đều dành cơ chế thỏa đáng cho lĩnh vực bất động sản, kể cả những cơ chế hỗ trợ như giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp hay chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại…

 Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng luôn sẵn sàng giải ngân khi dự án đủ điều kiện. Ảnh VGP.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng luôn sẵn sàng giải ngân khi dự án đủ điều kiện. Ảnh VGP.

Đối với riêng Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đó là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại nên quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ và hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Cũng tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, với Chương trình 120.000 tỷ đồng đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...Trong số 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng và đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nguoi-mua-nha-o-thuong-mai-gia-thap-se-co-co-hoi-duoc-vay-goi-120000-ty-dong.html