Người không có tên trong nội các nhưng vẫn là thủ lĩnh Taliban

Mặc dù không có tên trong danh sách chính phủ mới, thủ lĩnh Taliban Hibatullah Akhundzada vẫn giữ vai trò tối cao. Tuy nhiên, tới nay, rất ít người biết về nhân vật bí ẩn này.

Trong số những bức ảnh hiếm hoi được biết đến của thủ lĩnh tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada, người ta nhìn thấy ông mang một khuôn mặt vô cảm với bộ râu dài màu xám, đầu đội chiếc khăn xếp trắng và nhìn thẳng vào máy ảnh.

Mặc dù không xuất hiện trong danh sách chính phủ mới mà Taliban công bố thành lập vào hôm 7/9, sau khi lên nắm quyền kiểm soát ở Afghanistan, ông Akhundzada vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao.

Thủ lĩnh bí ẩn của Taliban là người có quyền tối thượng đối với các vấn đề chính trị, tôn giáo và quân sự của tổ chức, Reuters đưa tin.

"Chúng tôi sẽ xây dựng lại một đất nước bị chiến tranh tàn phá", ông Akhundzada cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản do Taliban đưa ra. Đây là bình luận đầu tiên của ông kể từ khi tổ chức này tái chiếm Afghanistan.

Akhundzada nhấn mạnh Taliban cam kết tuân theo tất cả luật, hiệp ước và cam kết quốc tế không mâu thuẫn với luật Hồi giáo, để điều chỉnh hoạt động điều hành đất nước.

Lãnh đạo tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada. Ảnh: BBC.

Nhà lãnh đạo bí mật hay bù nhìn?

Ông Akhundzada trở thành lãnh đạo của Taliban năm 2016, sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mohammad Mansour thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ trên lãnh thổ Pakistan ngày 21/5 cùng năm.

Là một giáo sĩ theo đường lối cứng rắn và có con trai là kẻ đánh bom liều chết, hầu hết thời gian, Akhundzada núp trong bóng tối lãnh đạo Taliban.

Trong cuộc đàm phán cuối cùng đánh dấu cột mốc Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan sau hai thập kỷ chiến tranh, ông cũng không lộ diện mà để người khác dẫn đầu.

Ngay cả những chi tiết cơ bản như tuổi của vị thủ lĩnh bí ẩn Taliban cũng rất khó xác minh. Người ta cho rằng Akhundzada khoảng 60 tuổi.

Theo South China Morning Post, sau khi trở thành thủ lĩnh phong trào nổi dậy, ông Akhundzada đối mặt với thách thức lớn là thống nhất một phong trào thánh chiến đã rạn vỡ trong một thời gian ngắn vì cuộc tranh giành quyền lực gay gắt.

Cuộc chiến nội bộ diễn ra khi Taliban liên tiếp bị giáng đòn, từ vụ ám sát người tiền nhiệm của ông Akhundzada cho tới những thông tin cho rằng các thủ lĩnh của Taliban đã che giấu cái chết của người sáng lập Taliban Mullah Omar.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu Taliban cho biết Akhundzada đã đóng vai trò quan trọng, là một tay chỉ đạo, hàn gắn những chia rẽ trong phong trào và quản lý việc đối phó với kẻ thù quốc tế.

“Thông qua mưu kế, lừa lọc, thao túng cùng với sự kiên nhẫn, ông ta đã đưa Taliban trở lại nắm quyền”, Rohan Gunaratna, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho biết.

Các thủ lĩnh của Taliban đặt súng và vây quanh bàn làm việc của tổng thống ở Kabul. Ảnh: AP.

Dù từng tham gia chiến sự, ông Akhundzada được xem là nhà lãnh đạo tôn giáo hơn là quân sự.

“Với tư cách người đứng đầu Taliban, Akhundzada được biết đến như là ‘lãnh đạo của những người ngoan đạo’, giống như những người tiền nhiệm”, giáo sư Tricia Bacon nói.

Dẫu vậy, một số tranh cãi cho rằng Akhundzada thực chất là bù nhìn, được chọn làm ứng cử viên thỏa hiệp trong thời điểm Taliban có nhiều biến động. Quyền lực thực sự nắm trong tay các phe quân sự của Taliban.

"Có rất ít thông tin về ông ta. Người ta chưa từng nhìn thấy ông ta phát biểu trực tiếp bất cứ điều gì ở nơi công cộng. Cùng với hoàn cảnh khi ông ẩy kế nhiệm, nó đã dẫn đến tranh luận", Rajeshwari Krishnamurthy, chuyên gia an ninh Nam Á tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, Ấn Độ, nói.

Lịch sử giữ bí mật

Taliban có lịch sử giữ bí mật về lãnh đạo tối cao của họ. Cái chết của người sáng lập phong trào Mullah Mohammad Omar năm 2013 chỉ được xác nhận sau đó hai năm bởi con trai của ông.

Ông Akhundzada cũng có phong cách “ẩn dật” tương tự. Bức ảnh duy nhất mà Reuters có được về ông là một bức ảnh không ghi ngày tháng, được đăng trên trang Twitter của Taliban vào tháng 5/2016. Nó đã được xác minh bởi một số quan chức Taliban, những người từ chối nêu tên.

Sự tồn tại mờ ám này đã dẫn đến những lời đồn đoán liên tục về nơi ở, sức khỏe cũng như vai trò của thủ lĩnh tối cao Taliban.

Ban đầu, Akhundzada không phải là lựa chọn hàng đầu khi các thành viên cấp cao của Taliban họp vào năm 2016 để bổ nhiệm một thủ lĩnh kế vị.

Ông được xem là một sự “thỏa hiệp”, thay vì đưa người con trai trẻ và thiếu kinh nghiệm của cố sáng lập Taliban Mullah Mohammad Omar lên lãnh đạo.

Sự vắng bóng của ông Akhundzada đã dẫn đến những đồn đoán liên tục về nơi ở, sức khỏe cũng như vai trò của thủ lĩnh tối cao Taliban. Ảnh: AFP.

Xuất thân từ một gia đình tôn giáo nghiêm khắc ở thành phố lớn thứ hai Afghanistan Kandahar, ông Akhundzada nằm trong nhóm thành viên đầu tiên của Taliban - phong trào nổi lên ở tỉnh Helmand sau đống tro tàn của cuộc nội chiến Afghanistan.

Khi Taliban cầm quyền từ năm 1996-2001 và thi hành luật Sharia, Akhundzada từng giữ vai trò là nhân vật hàng đầu trong hệ thống tòa án của các tay súng, trước khi trở thành lãnh đạo, theo Liên Hợp Quốc.

Với vai trò này, ông được cho là người ban bố các phán quyết ủng hộ việc xử tử hình nơi công cộng đối với các tội danh như giết người và ngoại tình, cũng như hình phạt chặt tay kẻ trộm.

Sau khi Mỹ tiến vào Afghanistan và lật đổ Taliban, Reuters đưa tin Akhundzada đã trốn sang Pakistan, nơi ông thuyết giảng tại một nhà thờ Hồi giáo trong 15 năm.

Những người làm việc tại nhà thờ Hồi giáo cùng một số sinh viên đã mô tả Akhundzada là một người kỷ luật và là một nhà hùng biện quyết liệt.

"Với giọng điệu đanh thép, ông ấy nói về Mỹ và các cuộc chiến, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ không bao giờ từ bỏ bổn phận ‘thánh chiến’ (jihad) của mình", một người kể lại bài phát biểu của Akhundzada tại một cuộc mít tinh công khai ở Quetta, Pakistan năm 2014.

Sau khi lên lãnh đạo, Akhundzada đã thiết lập các cải cách nhằm củng cố ảnh hưởng của mình trong một tổ chức từng bị suy yếu do chia rẽ nội bộ và đào tẩu.

Không chỉ có tầm ảnh hưởng bên trong Taliban, ông Akhundzada còn có sự trung thành của nhiều tổ chức khác.

“Al-Qaeda và tất cả chi nhánh của tổ chức này thề trung thành với ông. Với mối quan hệ này, Akhundzada vẫn giữ thái độ lảng tránh, không vồ vập nhưng cũng không bác bỏ. Taliban đang muốn chơi lá bài hai mặt với lực lượng phiến quân nước ngoài”, giáo sư Bacon nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-khong-co-ten-trong-noi-cac-nhung-van-la-thu-linh-taliban-post1260495.html