Ngày xuân vãn cảnh giếng Ngọc, đền Cùng

“Đền Cùng giếng Ngọc làng ta/ Linh thiêng tố hảo lưu truyền nhân gian/ Nước trong ngọt mát chứa chan/ Tình người son sắt xóm làng thủy chung”. Mấy vần thơ được Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Bàn ngâm nga bên thềm giếng Ngọc trước cửa đền Cùng thuộc làng Diềm (tên nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Tuổi đã ngoại cửu tuần nhưng dáng dấp, phong thái của cụ Bàn vẫn như chị hai quan họ thuở nào. Cụ Bàn không thể nhớ đã bao lần đứng ở nơi linh thiêng này cùng liền anh, liền chị hát câu quan họ. Miệng nhai trầu bỏm bẻm, cụ tự hào khi nói về làng mình: “Các cụ từ xưa truyền lại rằng người làng Diềm nhờ uống nước giếng Ngọc nên giọng hát hay hơn, mắt trong lúng liếng, da trắng ửng hồng”. Câu chuyện về đền thiêng, giếng cổ qua lời kể của cụ Bàn nhuốm màu cổ tích.

Giếng có từ bao giờ thì không ai biết, những người già nhất trong làng bảo rằng từ thời cha ông đã có giếng rồi. Cụ Bàn lẩm nhẩm kể lại tích cổ: Tương truyền xưa kia dưới chân núi Kim Lĩnh và Kim Sơn có một rừng lim cổ thụ. Chim muông về đây trú ngụ đông đúc, trong đó có loài quạ rừng kiếm ăn xong bay đi tìm nước uống. Chúng thấy có vũng nước sâu kéo về uống, rỉa lông cánh. Sau rừng lim chặt gần hết người dân mới phát hiện vũng nước, vục tay uống thử thì thấy ngọt mát. Sau này người làng Diềm bảo nhau đào sâu thành giếng. Đời nọ nối tiếp đời kia cùng uống chung mạch ngọt giếng làng.

">

Nhiều du khách đến thăm giếng Ngọc, đền Cùng vào dịp hội xuân.

Dường như được thanh lọc qua bao lớp trầm tích đá núi nên nước giếng trong vắt ánh lên màu lam ngọc bích. Có lẽ vì thế giếng có tên là Ngọc. Những năm đại hạn, giếng vẫn đầy ăm ắp, mặt nước sóng sánh trời mây. Không biết có phải trân trọng mạch nước quý hay không mà dân gian cứ truyền miệng huyền tích xưa khiến cho giếng làng trở nên linh thiêng, kỳ thú. Dưới giếng có 3 “ông cá thần” bơi lội tung tăng nhưng không ai biết chính xác có từ bao giờ. Mọi người trong làng truyền nhau câu chuyện 3 “ông cá thần” là hóa thân của 2 nàng công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên cùng 1 nàng hầu. Đền Cùng là nơi thờ nhị vị công chúa triều Lý vốn có công lập làng và truyền nghề cho dân.

Dân ta vốn coi vạn vật hữu linh, thế nên giếng nước cũng hóa giếng thần, cá vàng cũng gọi cá ông. Chẳng thế mà giếng Ngọc được dân làng nâng niu, trân quý, luôn giữ gìn sạch sẽ, trước khi bước xuống 10 bậc gạch, 4 bậc đá là phải bỏ dép ở trên. Mỗi người chỉ khẽ vục từng ca cốc nhỏ tránh làm vấy bẩn nguồn nước.

Ngày hội làng, nhân dân khiêng kiệu múc nước vào chóe dâng lên tế thánh, cầu mong mưa thuận gió hòa, nước nguồn chảy mãi. Khách thập phương đến lễ đền ai cũng muốn mang về chút nước thiêng để cầu may mắn. Dân gian truyền nhau uống nước giếng Ngọc, người già thêm khỏe, người trẻ thêm mạnh, vợ chồng muộn mằn sớm khai hoa nở nhụy. Gái làng Diềm gội đầu bằng nước giếng Ngọc thì óng ả, mượt mà. Trai làng Diềm đun nước pha trà thì thơm xanh, sóng sánh. Thế nên người đời vẫn ngợi ca: “Nước giếng Ngọc, trà Tân Cương/ Như chàng Kim Trọng đẹp duyên Thúy Kiều”.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ngay-xuan-van-canh-gieng-ngoc-den-cung-764451

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/643398-ngay-xuan-van-canh-gieng-ngoc-den-cung.html