Ngày này năm xưa 9/1: Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ Cục Quản lý Cạnh tranh

Ngày này năm xưa 9/1 ban hành quy định chức năng nhiệm vụ Cục Quản lý Cạnh tranh, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than.

Chuyên mục "Ngày này năm xưa" Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 9/1 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/1.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 9/1/1750, ngày sinh danh sĩ Phan Huy Ích, ông quê ở tỉnh Hà Tĩnh (là bố của Phan Huy Chú) qua đời nǎm 1822. Phan Huy Ích đỗ tiến sĩ và đã làm quan dưới thời vua Lê chúa Trịnh nhưng chán ghét chế độ. Nǎm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai, ông cùng với một số danh sĩ được Nguyễn Huệ mời vào Phú Xuân lĩnh nhiệm vụ bang giao với nhà Thanh. Ông được vua Quang Trung phong làm Tả thị lang Bộ Hộ. Nǎm 1790, ông cùng sứ bộ sang nhà Thanh. Đến nǎm 1802, ông bị nhà Nguyễn bắt và đánh đòn tại Vǎn Miếu rồi thả về. Phan Huy Ích để lại nhiều tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có Dụ Am ngâm lục và Dụ Am vǎn tập.

Ngày 9/1/1942, Ngày sinh Trương Đình Tuyển. Ông là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế. Ông là người có đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

Ngày 9/1/1950, hàng nghìn học sinh, sinh viên Sài Gòn đã tổ chức biểu tình trước Dinh Tổng trấn Nam phần để phản đối chính quyền bù nhìn làm tay sai cho giặc Pháp. Cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, nhiều sinh viên bị giết chết hoặc bị thương. Hàng vạn đồng bào Sài Gòn đã xuống đường để đưa tang những thanh niên anh dũng hy sinh vì đất nước. Đến ngày 13/1, hầu như tất cả sinh viên, học sinh Hà Nội cũng tổ chức bãi khóa để bày tỏ tình đoàn kết với bạn bè miền Nam. Kể từ đó, ngày 9/1 được chọn làm Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc.

Ngày 9/1/1965, đường xe ôtô Bắc Quang - Hoàng Su Phì (Hà Giang) dài 61km được khánh thành. Đông đảo đồng bào thuộc 11 dân tộc đã hǎng hái tham gia cùng với lực lượng thanh niên xung phong làm con đường này.

Ngày 9/1/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công quân địch ở Tây Nguyên, gọi là Chiến dịch 275. Đây là chiến dịch nhằm tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng vùng phía nam Tây Nguyên, từ đó tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Ngày 9/1/2013, ngày mất Hoàng Hiệp. Ông tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh năm 1931 tại An Giang. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam. Một số tác phẩm nổi tiếng của Hoàng Hiệp có thể kể đến như Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em… Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông – Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội. Ông mất lúc 12 giờ 45 phút ngày 9 tháng 1 năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi qua đời, vào ngày 8/1 ông được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng được trao tặng ngay tại bệnh viện.

Ngày 9/1/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2006/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Cạnh tranh (nay là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia).

Ngày 9/1/2003, ban hành Nghị định của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ.

Ngày 9/1/2012, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến triển vọng đến năm 2030.

Ngày 9/1/2004, ban hành Quyết định của Bộ Công nghiệp về việc chuyển Xí nghiệp Đóng tàu Hạ Long về làm doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Than Việt Nam.

Ngày 9/1/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2006/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Cạnh tranh; Nghị định về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Hội đồng xử lý các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ; Nghị định về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranh.

Ngày 9/1/2007, ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy định yêu cầu kỹ thuật trang thiết bị đo đếm điện năng đối với các nhà máy điện; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La.

Ngày 9/1/2015, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam bán lốp toàn thép (Radial) sang thị trường Mỹ.

Ngày 9/1/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 47/QĐ-BCT về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017.

Ngày 9/1/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định cửa khẩu nhập khẩu phế liệu. Thông tư này quy định cửa khẩu nhập khẩu phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất thuộc Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Sự kiện quốc tế

Ngày 9/1/1905, Ngày Chủ nhật đẫm máu ở Nga, những người biểu tình đã bị quân của Nga Sa hoàng bắn chết.

Ngày 9/1/1941, 6.000 người Do Thái bị giết trong một cuộc tàn sát ở Bucharest, Rumania.

Ngày 9/1/1959, ngày sinh Rigoberta Menchú năm 1959, bà là nhà hoạt động xã hội người Guatemala, được trao giải Noel hòa bình và giải thưởng Prince of Asturias Award vào năm 1998 nhờ những đấu tranh không ngừng cho quyền con người ở đất nước này. Menchú là Đại sứ thiện chí của UNESCO. Bà cũng là một nhân vật trong Đảng chính trị ở Guatemala, hoạt động cho chính phủ Guatemala vào năm 2007.

Ngày 9/1/1961, ngày mất của Emily Greene Balch năm 1961. Emily Greene Balch sinh năm 1867, là một nhà văn, nhà giáo dục người Mỹ và là người theo chủ nghĩa hòa bình. Bà đã được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1946 (cùng với John Mott), cho cống hiến của bà trong Liên đoàn Phụ nữ quốc tế vì Hòa bình và Tự do. Balch là người thành lập Liên đoàn Phụ nữ quốc tế vì Hòa bình và Tự do, với mục đích phản đối Mỹ tham gia Thế chiến I. Bà cũng là chủ bút cho tuần báo The Nation, đưa tin tức theo xu hướng ủng hộ tự do, dân chủ và hòa bình.

Ngày 9/1/1995, tại Thủ đô Viêng Chǎn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), Hoàng thân Xuphanuvông qua đời. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Ông Xuphanuvông có nhiều cống hiến to lớn vào việc xây dựng và củng cố tinh thần đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị Việt - Lào.

Ngày 9/1/1998, ngày mất Fukui Kenichi năm 1998. Fukui Kenichi sinh năm 1918, là một nhà hóa học người Nhật. Năm 1981, ông được trao giải Nobel Hóa học cùng với Roald Hoffman. Kenichi là nhà khoa học châu Á đầu tiên nhận được giải Nobel Hóa học. Công trình nghiên cứu của Kenichi chủ yếu về vấn đề nguyên tử trong các phản ứng hóa học. Ông mất ngày 9 tháng 1 năm 1998, thọ 79 tuổi.

Ngày 9/1/2007, iPhone đầu tiên hay còn gọi là iPhone 2G được Steve Jobs giới thiệu.

Ngày 9/1/2007, iPhone đầu tiên hay còn gọi là iPhone 2G được Steve Jobs giới thiệu. Sự kiện này đánh dấu mở ra một kỷ nguyên mới của điện thoại di động, với sự thống trị của dòng điện thoại iPhone. iPhone 2G chính thức được bán ra ngày 29/6/2007.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 9/1/1921, Nguyễn Ái Quốc (đảng viên Đảng Cộng sản Pháp) đã đi cùng Phan Châu Trinh đến dự một cuộc họp do Chi bộ của Đảng Xã hội - phân bộ Xã hội Cách mạng của Quốc tế III. Điều đó cho thấy sự phân hóa của tổ chức mà trước đó Nguyễn Ái Quốc đã từng tham gia là Đảng Xã hội cũng như mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với những xu hướng tích cực của tổ chức này vẫn được duy trì.

Ngày 9/1/1923, báo “L’Humanité” (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp đăng bài “Vực thẳm thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo tố cáo giới thực dân một mặt khai thác thuộc địa và bóc lột dân bản xứ thậm tệ để làm giàu không chỉ cho nước Pháp mà cho chính bọn chúng, mặt khác lại yêu cầu chính quốc phải đầu tư nhiều tỷ đồng cho các thuộc địa.

Ngày 9/1/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 3 về việc triệu tập Quốc hội vào ngày chủ nhật 3/3/1946. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, một ủy ban trù bị gồm các nhà trí thức có danh tiếng đương thời như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Dương Đức Hiền được thành lập.

Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc được đăng trên báo “L’Humanité” (Nhân đạo)

Hồ sơ trong các cơ quan lưu trữ còn bảo tồn được bức thư Bác viết ngày 9/1/1947 gửi người đồng chí gần gũi trong văn phòng của mình là Hoàng Hữu Nam, tức Phan Bôi, trong đó nhắc Bộ Nội vụ cho đăng báo bài “Lời kêu gọi những người có văn hóa đăng ký phục vụ Tổ quốc”. Rất tiếc văn kiện này đến nay vẫn chưa sưu tầm được, nhưng chủ đề của lời kêu gọi cho thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đoàn kết và phát huy đóng góp của tầng lớp trí thức, “người có văn hóa” cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, điều mà người đứng đầu Nhà nước đã nhiều lần đề cập tới.

Ngày 9/1/1952, trên báo Cứu Quốc, trong bài viết “Thanh niên oanh liệt” ký bút danh “Đ.X”, Bác bày tỏ cảm xúc và ca ngợi tinh thần một học sinh tên là Nguyễn Quốc Ân đã chấp nhận bị tra tấn và hy sinh khi bị buộc phải viết bài văn “So sánh Hồ Chí Minh với Quốc trưởng Bảo Đại” tại một trường ở vùng bị tạm chiếm thuộc tỉnh Hưng Yên, trong đó không chịu bôi nhọ lãnh tụ. Kết luận bài báo, tác giả viết: “Một dân tộc có con cháu như vậy là một dân tộc chắc chắn thắng lợi”.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-91-chinh-phu-quy-dinh-chuc-nang-nhiem-vu-cuc-quan-ly-canh-tranh-296101.html