Lăng kính văn hóa: Trân quý hiện vật lịch sử

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng vạn du khách không quản ngại xa xôi, vất vả về với Điện Biên anh hùng. Đến thăm các di tích, hiện vật lịch sử, chụp ảnh check-in là không thể thiếu trong hành trình về nguồn của du khách.

Thế nhưng, bên cạnh nhiều hoạt động thể hiện tình cảm tri ân với mảnh đất và con người Điện Biên hay tìm hiểu để tự hào về các giá trị lịch sử, không ít du khách lại có hành động phản cảm khi trèo lên hiện vật là chiếc xe tăng lịch sử M24 trên đồi A1 để chụp ảnh, bất chấp dòng chữ “cấm trèo lên hiện vật” đặt ngay cạnh.

Họ quên mất rằng những hiện vật lịch sử này là tài sản vô giá, là thông điệp về một thời hào hùng cha anh ra trận, để lưu truyền cốt cách, truyền thống và bản sắc dân tộc. Họ quên mất rằng, còn những du khách trong và ngoài nước cũng đang và sẽ đến đây tìm hiểu lịch sử; đều cần không gian thưởng ngoạn-điểm đến văn minh, lịch sự. Trong số du khách đó, bạn bè quốc tế sẽ nghĩ sao nếu thấy trong chúng ta có người thiếu tôn trọng lịch sử, văn hóa dân tộc?

Du khách tham quan Di tích đồi A1. Ảnh minh họa: TTXVN

Đáng buồn, đây không phải là hành động đơn lẻ mà diễn ra với nhiều người, tại nhiều nơi, với nhiều di tích, địa điểm văn hóa, lịch sử. Ngay ở Điện Biên cũng có người leo lên bệ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 để chụp ảnh. Ở nơi khác, không hiếm gặp những người sẵn sàng níu cành, giẫm đạp lên cỏ, hoa hay trèo tường, vượt rào... để tạo dáng chụp ảnh mà chẳng quan tâm gì tới những lời nhắc nhở, những dòng cảnh báo.

Kinh nghiệm cho thấy, các bên liên quan cần rút ra những bài học về cách thức trưng bày, bảo quản để hiện vật khó bị xâm phạm mà vẫn gần gũi với du khách. Cũng có thể tính đến cả những yếu tố xử phạt nghiêm khắc như yêu cầu ra khỏi địa điểm, phạt tiền... đối với những người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, cần thường xuyên, tích cực tuyên truyền để du khách và người dân địa phương hiểu rõ hơn về những quy tắc ứng xử tại điểm đến; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” cũng là điều các nhà quản lý cần lưu tâm.

Quan trọng hơn cả vẫn là ý thức giữ gìn, bảo vệ các hiện vật, di sản văn hóa dân tộc của mỗi cá nhân. Cộng đồng xã hội cũng cần phê phán mạnh mẽ những hành động xấu, khen ngợi kịp thời những hành động đẹp, để các điểm đến văn hóa, lịch sử, di tích... ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn. Đó cũng là cách thiết thực thể hiện truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

HIỀN VINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-tran-quy-hien-vat-lich-su-776413