Ngày này năm xưa 22/12: Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Ngày này năm xưa 22/12: Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 22/12 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 22/12.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 22/12/1483: Ngày sinh vua Mạc Thái Tổ, vua sáng lập nhà Mạc.

Mạc Thái Tổ (22/12/1483 – 11/9/1541) tên húy là Mạc Đăng Dung, là nhà chính trị, hoàng đế sáng lập ra triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Ông đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện đánh dẹp các thế lực cát cứ, chống đối triều đình, loại bỏ ảnh hưởng của những người ủng hộ nhà Lê, thành lập nhà Mạc và chống lại những lực lượng trung thành với nhà Lê ở Thanh Hóa.

Ngày 22/12/1935: Ngày sinh nhạc sĩ Huy Thục. Ông là một nhạc sĩ, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam được biết tới với những ca khúc như Tiếng đàn Ta-Lư, Cô gái Pa Kô, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, các tác phẩm khí nhạc như Vì miền Nam (viết cho đàn bầu).

Ông hoạt động cách mạng từ tháng 8 năm 1945, bắt đầu đi vào con đường âm nhạc từ năm 1950 bằng chơi đàn violon. Trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, ông đã có mặt trên trận đường 9 Nam Lào. Sau đó ông về làm lãnh đạo và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị.

Ngày 22/12/1944: Tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh

Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07 tháng 05 năm 1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời tạo nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, Quân đội tiếp tục làm tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất; đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Đồng thời Quân đội luôn chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, hoạch định đường lối chiến lược bảo vệ Tổ quốc; đánh giá, dự báo đúng tình hình, xử lý tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Ngày 22/12/1946: Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị toàn dân kháng chiến. Bản chỉ thị vạch rõ: Đánh phản động và thực dân Pháp xâm lược giành độc lập, thống nhất; đoàn kết chặt chẽ toàn dân, thực hiện toàn dân kháng chiến, đoàn kết với Miên, Lào và thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do hòa bình, liên hiệp với nhân dân Pháp chống phản động thực dân Pháp.

Ngày 22/12/1949: Gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, Bác xác định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ. Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân Giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm trong 10 điều kỷ luật”.

Ngày 22/12/1959: Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam ở đường Điện Biên Phủ, Hà Nội thành lập ngày 22/12/1959. Tại đây trưng bày có hệ thống và khái quát quá trình xây dựng, trưởng thành trong chiến đấu của lực lượng vũ trang Việt Nam từ năm 1930 cho đến nay.

Ngày 22/12/1964: Ngành đường sắt nước ta hoàn thành việc đóng mới đầu máy xe lửa kiểu Tự Lực, mang tên Nguyễn Văn Trỗi.

Đây là chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên do cán bộ, công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) và Tổng cục Đường sắt thiết kế, chế tạo với sự giúp đỡ của nhiều xí nghiệp và cơ quan các ngành khác.

Đầu máy xe lửa kiểu Tự Lực được lắp ráp năm 1964 tại Nhà máy xe lửa Nguyễn Văn Trỗi ở Gia Lâm, Hà Nội.

Ngày 22/12/1989: Lễ kỷ niệm 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023)

Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ 22/12/2022: Thay đổi quy định về ghi nhãn hóa chất

Cụ thể, ngày 27/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2017/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Theo đó, giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp cấp mới có thời hạn hiệu lực là 5 năm kể từ ngày cấp. Đối với hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POP), thời hạn của Giấy phép là 5 năm kể từ ngày cấp hoặc bằng thời hạn đăng ký miễn trừ quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Thời hạn của Giấy phép cấp lại hoặc cấp điều chỉnh bằng thời hạn còn lại của Giấy phép đã cấp.

Theo quy định mới, trước ngày 15/02 hàng năm (thay vì ngày 15/01 như cũ), tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của năm trước theo Mẫu số 05a quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này đến Cục Hóa chất, Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính và nơi đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thay đổi quy định về ghi nhãn hóa chất như sau: Về thành phần hoặc thành phần định lượng phải ghi công thức hóa học, công thức cấu tạo; Về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hóa chất thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP;…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.

Ngày 22/12/2023: Diễn ra Lễ khai mạc chương trình "Những ngày Hà Nội tại Lâm Đồng" tại Quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt.

Được diễn ra từ ngày 22 - 24/12 tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), chương trình "Những ngày Hà Nội tại Lâm Đồng" hứa hẹn sẽ tạo dấu ấn tốt đẹp về những nét văn hóa và các sản phẩm, điểm đến du lịch của Thủ đô Hà Nội với nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng...

Với chủ đề “Những ngày Hà Nội tại Lâm Đồng”, chương trình liên kết xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội - Lâm Đồng do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị có liên quan tổ chức.

Sự kiện quốc tế

Ngày 22/12/1988: Tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, Nam Phi, Cuba và Angola ký hiệp định đem lại nền độc lập cho Namibia, vốn là thuộc địa trước đây của Đức trong thế chiến I.

Ngày 22/12/1990: Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia giành được độc lập cuối cùng sau khi chấm dứt ủy trị

Ngày 22/12/1991: Các nhóm đối lập có vũ trang tiến hành một cuộc đảo chính quân sự chống lại Tổng thống Gruzia Zviad Gamsakhurdia

Ngày 22/12/2010: Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành luật về việc bãi bỏ chính sách Không hỏi, không nói, một chính sách nhằm cấm người đồng tính luyến ái công khai phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.

Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ

Ngày 22/12/1945: Báo “Cứu Quốc” đăng đoạn thư “Gửi các chiến sĩ miền Nam”, viết: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa rất khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn” và ký tên “Hồ Chí Minh”.

Ngày 22/12/1949: Gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, Bác xác định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ. Quân đội ta luôn luôn giữ gìn và phát triển truyền thống anh dũng của Quân Giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm trong 10 điều kỷ luật”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các đơn vị quân đội tham gia Chiến dịch Biên giới 1950

Ngày 22/12/1959: Tại lễ chiêu đãi nhân ngày thành lập Quân đội, Bác biểu dương “Quân đội chúng ta anh hùng trong kháng chiến mà cũng anh hùng trong hòa bình”.

Ngày 22/12/1966 Hồ Chủ tịch dự lễ kỷ niệm lần thứ 22 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và hình ảnh Người nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ một đơn vị Pháo cao xạ.

Ngày 22/12/1968: Lần cuối cùng Bác đến Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội thắp hương tưởng niệm nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lần thứ 24. (Theo Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010).

“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đây là lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập (22/12/964) và đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-2212-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-va-ngay-hoi-quoc-phong-toan-dan-293406.html