Hóa giải bất cập trong đóng, hưởng bảo hiểm xã hội

Thời gian gần đây, quá trình tiếp nhận ý kiến từ bạn đọc, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều phản ánh, câu hỏi liên quan đến thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và điều kiện để được hưởng mức lương hưu tối đa; mức hưởng lương hưu khi nghỉ hưu sớm hay mức hưởng trợ cấp một lần với thời gian đóng BHXH vượt khung...

Đây cũng là những băn khoăn, trăn trở của nhiều công nhân, người lao động khi được lấy ý kiến vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi, sẽ được Quốc hội khóa XV thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (dự kiến khai mạc trong tháng 5-2024).

Luật BHXH hiện hành và dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định, để được hưởng tối đa 75% lương hưu thì cần đáp ứng đủ hai tiêu chí, một là lao động nam phải có đủ 35 năm, nữ 30 năm đóng BHXH và hai là phải đủ tuổi nghỉ hưu (nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi). Ngay cả khi người lao động đã có đủ thời gian đóng BHXH tối đa, thậm chí là vượt khung, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu mà muốn nghỉ hưu sớm thì tỷ lệ lương hưu bị trừ là 2% cho mỗi năm nghỉ sớm.

Ảnh minh họa: Báo Đại biểu nhân dân

Một vấn đề khác, với mỗi năm đóng BHXH vượt khung, người lao động sẽ chỉ được hưởng trợ cấp một lần, bằng 0,5 lần bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHXH. Trong khi, tổng số tiền phải đóng vào quỹ BHXH mỗi năm bằng khoảng 2,64 tháng lương. Đây là những điểm bất cập, khiến nhiều người lao động cảm thấy thiệt thòi, chưa bảo đảm tương xứng giữa đóng và hưởng.

Được “về hưu sớm” và làm thế nào để được hưởng tối đa 75% lương hưu vẫn là nỗi niềm trăn trở của nhiều công nhân, người lao động, nhất là những người làm công việc nặng nhọc, tham gia sản xuất trực tiếp. Hơn nữa, tuổi nghỉ hưu đang tăng dần theo lộ trình khiến nhiều người “đuối sức” khi theo đuổi mức lương hưu tối đa 75%.

Đó là chưa kể, không ít doanh nghiệp viện cớ sắp xếp lại sản xuất để cắt giảm nhân sự, nhưng thực chất là sa thải lao động lớn tuổi. Với nhiều người, ở độ tuổi 45-50, để tìm việc làm mới và tiếp tục tham gia đóng BHXH gần như là "nhiệm vụ bất khả thi". Vì phải trang trải cho cuộc sống trước mắt nên nhiều người lựa chọn rút BHXH một lần thay vì chờ đến tuổi để nhận lương hưu. Bởi vậy, những ý nghĩa tốt đẹp từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội cũng vì thế mà chưa thực sự lan tỏa trong thực tiễn.

Những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn thực thi chính sách rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động và có sự điều chỉnh phù hợp. Để hóa giải những bất cập này, nên chăng dự thảo Luật BHXH sửa đổi cần có những điểm cộng, điểm trừ trong cách tính tỷ lệ phần trăm lương lưu và cho phép người lao động được quy đổi thời gian đóng BHXH vượt khung để nghỉ hưu sớm. Chẳng hạn, mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ 2% lương hưu thì với mỗi năm đóng BHXH vượt khung được cộng 1%... Với cách hoán đổi này, nếu người lao động nghỉ hưu sớm sẽ không bị trừ quá nhiều phần trăm lương hưu và cũng bảo đảm số năm đóng BHXH vượt khung được chi trả xứng đáng. Giải pháp này đáp ứng được nguyện vọng của nhóm lao động có thời gian đóng BHXH dài, lao động làm công việc nặng nhọc và có nhu cầu nghỉ hưu sớm. Mặt khác, với người lao động nghỉ hưu đúng tuổi, có thời gian đóng BHXH vượt khung thì cần nâng mức trợ cấp một lần sao cho tương xứng với bình quân tiền lương đóng BHXH.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hoa-giai-bat-cap-trong-dong-huong-bao-hiem-xa-hoi-774712