Ngành dược liệu Việt Nam vẫn còn những điểm yếu, chưa xây dựng được thị trường

Nhu cầu dược liệu của thế giới khoảng 200-300 tỷ USD, nhưng Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào tham gia được vào thị trường tiềm năng này. Xuất khẩu dược liệu của Việt Nam mới chỉ dừng ở vài trăm triệu USD/năm. Để phát triển ngành kinh tế dược liệu, cần lựa chọn những loài cây dược liệu để làm 'Quốc dược' và cần được nhà nước hỗ trợ từ nghiên cứu khoa học, giống đến thị trường…

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Ngày 27/7/2023, Tạp chí Kinh tế Việt Nam-VnEconomy tổ chức tọa đàm “Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam” nhằm đóng góp những giải pháp để nâng tầm dược liệu Việt Nam, phát triển ngành kinh tế này một cách bài bản, nhanh chóng và hiệu quả.

PHÁT TRIỂN NGÀNH KINH TẾ DƯỢC LIỆU CẦN NGUỒN TÀI NGUYÊN CÂY VÀ TRI THỨC

PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp, nguyên trưởng bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội; Giám đốc khối Dự án, DKPharma JSC, cho biết Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng với nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời. Đến nay, chúng ta đã xây dựng lại được nền y học cổ truyền, đã tạo ra được nhiều sản phẩm dược liệu danh tiếng, mỗi năm cũng đã xuất khẩu đem về hàng trăm triệu USD.

“Nhưng công bằng mà nói, nếu ta ví dược liệu như một cô gái rất đẹp, tôi cho rằng cô gái này đã được đánh thức, nhưng hiện vẫn còn đang ngái ngủ. Bây giờ phải làm sao cho cô gái này đi ra đường và tỏa sáng”, ông Trần Văn Ơn ví von.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng.

Theo PGS.TS Ơn, muốn phát triển ngành kinh tế được liệu, cần 2 yếu tố cấu thành: nguồn tài nguyên cây và tri thức. Việt Nam có khoảng 5000 loài cây thuốc cho thấy vô cùng đa dạng về nguồn gen cây dược liệu. Về tri thức, chúng ta có 54 dân tộc khác nhau với những cách chế biến và sử dụng dược liệu rất khác nhau. Ví dụ, người Dao nổi tiếng với những sản phẩm được liệu dùng để tắm; người Mường thì có nhiều đồ uống thảo được.

Chỉ ra nhiều điểm yếu của ngành dược liệu Việt Nam, PGS.TS Ơn cho rằng trước hết, chúng ta không có định hướng thị trường tốt và rõ ràng, cả về khối lượng và tiêu chuẩn sản phẩm đều thiếu. Tiếp đến, Việt Nam thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Khi có sản phẩm rồi, thì kênh bán hàng vẫn còn lờ mờ, vẫn chưa xây dựng được chiến lược thị trường.

PGS. Tiến sĩ Trần Văn Ơn.

"Muốn phát triển ngành kinh tế được liệu, cần 2 yếu tố cấu thành: nguồn tài nguyên cây và tri thức. Việt Nam có khoảng 5000 loài cây thuốc cho thấy vô cùng đa dạng về nguồn gen cây dược liệu. Về tri thức, chúng ta có 54 dân tộc khác nhau với những cách chế biến và sử dụng dược liệu rất khác nhau.

Việt Nam thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Khi có sản phẩm rồi, thì kênh bán hàng vẫn còn lờ mờ, vẫn chưa xây dựng được chiến lược thị trường".

Bổ sung thêm, TS. Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm, nhấn mạnh ngành được liệu Việt Nam đang thiếu rất nhiều, từ chính sách vĩ mô đến hành động cụ thể. Chúng ta cần phải thay đổi, từ trồng dược liệu sang quan điểm phát triển kinh tế dược liệu.

TS. Vũ Văn Thoại.

“Ở nước ngoài họ quy hoạch những cây dược liệu có tiềm năng, từ đó phát triển trồng, chế biến sản phẩm. Riêng cây đàn hương ở Ấn Độ, họ chế biến ra 50 sản phẩm khác nhau. Trong đó, riêng xà phòng từ đàn hương, họ sản xuất 30 triệu bán xà phòng mỗi năm để bán khắp toàn cầu”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm của TH trong lĩnh vực dược liệu, ông Trịnh Hiền Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH – TH Herbals thuộc Tập đoàn TH, cho biết bà Thái Hương (Chủ tịch Tập đoàn TH) luôn đau đáu với tôn chỉ chăm sóc sức khỏe người Việt. Từ đó đầu tư vào phát triển dĩnh dưỡng với cuộc cách mạng trong ngành sữa tươi. Sau đó, đến chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây trường học, phát triển phòng và trị bệnh từ cây dược liệu.

Ông Trịnh Hiền Trung.

"Mặc dù Chính phủ đã có Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng đến nay vẫn chưa ai chỉ ra được về tầm nhìn và sứ mệnh của ngành dược liệu Việt Nam. “Chúng ta trồng dược liệu chỉ để làm thuốc chữa bệnh, hay để chăm sóc sức khỏe, hay xuất khẩu để thu ngoại tệ… đều chưa có mục tiêu rõ ràng. Khi thiếu những cái đó, chúng ta không biết bơi đi đâu".

“Nhìn vào tiềm năng cây dược liệu ở Việt Nam, bà Thái Hương đã mời các nhà khoa học, giáo sư hàng đầu thế giới, từ Mỹ, Israel đến các vùng địa lý khác nhau ở Việt Nam. Sau đó được các nhà kho học tư vấn, bà Thái Hương đã trăn trở, tìm hướng đi khai thác thế mạnh trồng cây dược liệu ở Việt Nam. Tập đoàn TH đã hợp tác với một Tập đoàn ở Đức, tiến hành quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm. Khi có sản phẩm rồi, liên kết với nhiều doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu để phát triển thị trường tiêu thụ", ông Trung chia sẻ.

TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NHƯ “LEO CỘT MỠ”

Đề cập về thực trạng hàng trăm loài, giống cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam đã tuyệt chủng hoặc đang có nguy cơ biến mất, PGS.TS Ơn cho biết Việt Nam đã mất nhiều cây dược liệu. Đơn cử như cây Bù hương, trước đây chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Thương lái Trung Quốc sang nước ta mua cả rễ với giá cao, nên dân ta đào rễ cây Bù hương để bán, dẫn đến tuyệt chủng. Cây Vàng đắng cũng là nguồn becberin rất quý, nhưng người dân đã chặt và bán hết sang Trung Quốc. Cũng có những cây sắp tuyệt chủng, nhưng may mắn người dân đã khôi phục trở lại, ví dụ như cây Sâm Ngọc Linh”, PGS.TS Ơn nói.

Ông Vũ Văn Tâm.

"Chúng tôi mong muốn bảo tồn tất cả các loài trà hoa vàng của Việt Nam, để phát triển thành vùng sản xuất nguyên liệu. Lấy doanh thu từ thương mại để phục vụ cho công tác bảo tồn. Ở đó, những người yêu Trà Hoa vàng, các nhà khoa học trong nước và quốc tế có thể tham quan, trao đổi, học hỏi”.

Ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, cho biết Công ty đã xây dựng Công viên Trà Hoa vàng ở Ninh Bình, thành nơi bảo tồn tất cả các giống Trà Hoa vàng Việt Nam. Trà Hoa vàng chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc, được đánh giá là dược liệu quý, tác dụng rất tốt cho sức khỏe của con người.

”Chúng tôi mong muốn bảo tồn tất cả các loài trà hoa vàng của Việt Nam, để phát triển thành vùng sản xuất nguyên liệu. Lấy doanh thu từ thương mại để phục vụ cho công tác bảo tồn. Ở đó, những người yêu Trà Hoa vàng, các nhà khoa học trong nước và quốc tế có thể tham quan, trao đổi, học hỏi”, ông Tâm nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư vào trồng cây dược liệu, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn rất khó.

“Chính sách hỗ trợ của nhà nước rất nhiều, nhưng ở trên cột mỡ rất cao. Người dân và các doanh nghiệp không leo lên để với tới được”, PGS.TS Ơn ví von.

Bổ sung thêm, ông Tâm cho biết doanh nghiệp phải đứng ra hợp tác với người dân, thuê người dân trồng cây dược liệu. Phải đầu tư rất nhiều vốn và nguồn lực ở vùng sâu, vùng xa, tỷ suất đầu tư lớn hơn nhiều so với miền xuôi. Trong khi đó, các chính sách của nhà nước với các văn bản ban hành rất chung chung. Khi doanh nghiệp đi hỏi về các ưu đãi đó, thì các cơ quan chính quyền trả lời rằng quy định chung chung như thế, chúng tôi không biết áp dụng như thế nào.

Còn theo ông Vũ Thoại, doanh nghiệp muốn được vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng cây dược liệu, thì phải được tỉnh cấp phép. Mình trồng cây trên chính mảnh đất của mình, những giống cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép trồng, thế mà còn phải đi xin tỉnh cấp phép.

“Ở tỉnh Phú Yên, chúng tôi phải bỏ một dự án, vì mất 6 tháng không thể hoàn thành các thủ tục xin cấp phép. Giấy phép trồng cây dược liệu ở đây đòi hỏi cần có chữ ký của 8 Sở ban ngành, sau đó mới lên đến Chủ tịch tỉnh ký”, ông Thoại nêu thực tế.

Ông Trịnh Hiền Trung cho rằng mặc dù Chính phủ đã có Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng đến nay vẫn chưa ai chỉ ra được về tầm nhìn và sứ mệnh của ngành dược liệu Việt Nam. “Chúng ta trồng dược liệu chỉ để làm thuốc chữa bệnh, hay để chăm sóc sức khỏe, hay xuất khẩu để thu ngoại tệ… đều chưa có mục tiêu rõ ràng. Khi thiếu những cái đó, chúng ta không biết bơi đi đâu”, ông Trung nêu quan điểm.

Theo ông Trung, hiện ngành dược liệu do Bộ Y tế có nhiệm vụ quản lý, nhưng Bộ Y tế không thể thực hiện xuể. Cần phải có 5 Bộ tham gia vào thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và cần có vai trò chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ để điều phối các bộ thì mới phát triển được căn cơ ngành dược liệu.

Đề cập về chiến lược phát triển ngành dược liệu, các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng cần lựa chọn những loài cây dược liệu để làm “Quốc dược". Việt Nam có 3 loài cây dược liệu thế mạnh là Sâm, Quế, Gấc. Phát triển các cây "Quốc dược", Nhà nước phải hỗ trợ bài bản từ nghiên cứu khoa học, giống đến thị trường, hỗ trợ vốn phát triển trồng, chế biến.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-duoc-lieu-viet-nam-van-con-nhung-diem-yeu-chua-xay-dung-duoc-thi-truong.htm