Nga quay lại với động cơ D-18T khi Dự án PD-35 thất bại

Nga từng hy vọng sẽ sản xuất động cơ PD-35 để thay thế loại PD-18 do Ukraine chế tạo, nhưng tham vọng của Moskva đã không thành hiện thực.

Công ty liên doanh UEC - Aviadvigatel của Nga đã phát triển động cơ PD-35 - tổ hợp máy động lực hàng không lớn nhất trong lịch sử ngành chế tạo máy bay nước này với cánh quạt đường kính lên đến 3 mét.

PD-35 sẽ cung cấp lực đẩy khoảng 35 tấn, nó dựa trên loại PD-14 - động cơ turbine phản lực hai trục thế hệ mới đang được thử nghiệm trên máy bay chở khách thân hẹp tầm trung MS-21-310 của Công ty Irkut.

Chương trình nghiên cứu chế tạo PD-35 được Nga khởi động vào năm 2016, mục tiêu chính là tạo ra động cơ cho một số loại máy bay vận tải hạng nặng như Il-96, Il-76 và thậm chí cả An-124 nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ukraine.

Các chuyên gia tin rằng PD-35 sẽ vượt xa D-18T của Liên Xô - động cơ phản lực cánh quạt của những năm 1980 được sử dụng trên vận tải cơ An-124 Ruslan. Ngoài ra PD-35 không chỉ mạnh hơn 1,5 lần mà còn tiết kiệm nhiên liệu đáng kể và dễ bảo trì hơn hẳn.

Trong tương lai, động cơ PD-35 dự kiến sẽ được tích hợp trên vận tải cơ hạng nặng Slon của Nga - sản phẩm thay thế An-124 Ruslan, thậm chí trên cả chiếc PAK DP đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển.

Nhà sản xuất thậm chí còn có kế hoạch tích hợp siêu động cơ nói trên cho chiếc máy bay chở khách tầm xa thân rộng đầy hứa hẹn CR929 - được phát triển với sự hợp tác của công ty Trung Quốc COMAC.

Bên cạnh đó với PD-35, máy bay chở khách Il-96-400M do Nga nối lại sản xuất từ đầu sẽ chỉ cần 2 động cơ, thay vì phải lắp 4 chiếc PS-90A như hiện nay, khiến chi phí khai thác tiết giảm đáng kể.

Tuy vậy mới đây Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương Nga - ông Denis Manturov đã đưa ra thông tin gây thất vọng, đó là động cơ PD-35 đầy hứa hẹn sẽ phải giảm lực đẩy xuống chỉ còn 26 tấn.

Theo nhận xét, việc "giáng cấp" siêu động cơ PD-35 xuống còn PD-26 (lực đẩy danh nghĩa 26 tấn) là tin rất xấu đối với ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Nga.

Tin tức trên gây nhiều thất vọng là điều dễ hiểu, khi báo chí Nga đặt nhiều hy vọng vào loại động cơ có lực đẩy cực cao đầy hứa hẹn nằm trong khoảng 35 đến 40 tấn khi cất cánh.

Khi động cơ PD-35 bị hạ xuống PD-26, dự án chế tạo vận tải cơ hạng nặng thay thế An-124, hay nâng cấp máy bay chở khách Il-96-400M, và cả chương trình CR-929 hợp tác với Trung Quốc đơn giản là không thể về đích.

Mặc dù vậy, mới đây Nga đã công bố chương trình đầy tham vọng đó là sản xuất chiếc Il-100 Slon đầu tiên vào năm 2026, ngoài ra còn phải mở rộng phi đội An-124 Ruslan lên 25 chiếc, tức là gấp 2 lần hiện nay.

Chính vì vậy Nga chỉ còn một giải pháp cuối cùng đó là cố gắng chế tạo lại sản phẩm cũ - động cơ turbine phản lực D-18T - sản phẩm trước kia chỉ Ukraine đủ khả năng sản xuất.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Đại tướng Sergei Shoigu mới đây cho biết việc bắt đầu sản xuất hàng loạt động cơ D-18T nội địa cho máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Vào thời Liên Xô, D-18T được phát triển tại Cục thiết kế kỹ thuật Zaporozhye "Progress" và chế tạo tại Nhà máy động cơ Zaporozhye (nay là Công ty cổ phần Motor Sich) nằm trên lãnh thổ Ukraine.

Sau khi Liên Xô tan rã, hoạt động sản xuất gần như dừng lại, công nghệ dần lạc hậu, các chuyên gia già đi và nghỉ hưu, chuỗi sản xuất đang vận hành tốt dựa trên sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp khác nhau cũng bị gián đoạn, do vậy sẽ rất khó để Nga sản xuất D-18T từ đầu.

Động cơ là trái tim của máy bay - bộ phận khó phát triển và chế tạo nhất, nếu không có thiết bị này thì phi cơ không cất cánh, nhưng nếu thành công trong việc chế tạo D-18T, phi đội An-124 Ruslan của Nga sẽ tiếp tục hoạt động thêm nhiều năm nữa.

Mặc dù vậy, ngay cả khi đã phải "tạm gác" Dự án PD-35 để quay về cố gắng chế tạo loại D-18T lạc hậu, triển vọng để Nga thành công vẫn bị nghi ngờ, khi những chương trình khác như PD-14 hay PD-8 có sức đẩy yếu hơn nhiều vẫn còn "chật vật".

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-quay-lai-voi-dong-co-d-18t-khi-du-an-pd-35-that-bai-post569091.antd